Trong bối cảnh Việt Nam đang quyết liệt triển khai các biện pháp đổi mới và thúc đẩy kinh tế số, việc hoàn thiện hành lang pháp lý cho các công nghệ mới đang được đẩy mạnh. Tại Hội nghị Đầu tư Techcombank 2025 diễn ra mới đây tại Hà Nội, vấn đề về không gian pháp lý cho đổi mới sáng tạo, đặc biệt là trong lĩnh vực tài sản mã hóa (thường được biết đến là crypto hay tài sản số), đã nhận được sự quan tâm lớn.
Ông Nguyễn Khắc Lịch, Cục trưởng Cục Công nghệ Thông tin (Bộ Khoa học và Công nghệ), nhận định không gian số chính là không gian mới cho sự phát triển và việc xây dựng các quy định cởi mở là rất quan trọng. Ông cho biết hiện có khoảng 10 luật liên quan đến đổi mới sáng tạo và công nghệ đang được xây dựng hoặc đã thông qua, tạo thành một hệ sinh thái pháp lý hoàn chỉnh cho nền kinh tế số.

Ông Nguyễn Khắc Lịch nhận định không gian số sẽ cho phép cá nhân, doanh nghiệp sáng tạo và phát triển
Điểm nhấn đáng chú ý là luật Công nghiệp công nghệ số (CNCNS), dự kiến có hiệu lực từ ngày 1.1.2026. “Trước mắt, luật CNCNS với quy định cụ thể về tài sản mã hóa sẽ giúp 21 triệu người dân đang sở hữu loại hình tài sản này ra khỏi ‘vùng xám’ về pháp lý. Về lâu dài, luật CNCNS cùng các quy định pháp luật kể trên sẽ tạo thành một hệ sinh thái pháp lý hoàn chỉnh cho không gian số và nền kinh tế số”, ông Lịch nhấn mạnh.
Con số 21 triệu người cho thấy quy mô đáng kể của thị trường tài sản mã hóa tại Việt Nam. Theo báo cáo năm 2024 của Chainalysis, Việt Nam có chỉ số chấp nhận crypto thuộc nhóm đầu thế giới (xếp thứ 5 toàn cầu), cao hơn tỷ lệ trung bình thế giới. Tuy nhiên, trước khi có luật CNCNS, thị trường này tồn tại nhiều rủi ro do thiếu hụt quy định pháp lý. Ông Phan Đức Trung, Chủ tịch Hiệp hội Blockchain Việt Nam, chỉ ra rằng thị trường Việt Nam chịu ảnh hưởng lớn từ các đơn vị cung cấp dịch vụ nước ngoài, giao dịch diễn ra trên các sàn không được cấp phép, và hoạt động gọi vốn trái phép thường diễn ra trong các hội nhóm kín.
Sự ra đời của luật CNCNS được kỳ vọng sẽ thay đổi cục diện này. “Khi tài sản số được quy định trong luật CNCNS thì các hoạt động kêu gọi vốn sẽ không còn diễn ra ở các hội nhóm kín, mà sẽ trở thành một hoạt động công khai, được bảo vệ theo các quy định pháp lý”, ông Trung nhấn mạnh.
Điều này không chỉ giúp giảm thiểu rủi ro cho các nhà đầu tư mà còn tạo ra cơ hội mới cho các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo chân chính. Bên cạnh đó, hành lang pháp lý cởi mở hơn cũng được dự báo sẽ thu hút sự tham gia của các tập đoàn lớn trong nước vào lĩnh vực này.