‘3 chàng lính ngự lâm’ trong mổ não thức tỉnh đỉnh cao

Một đoạn đối thoại trong ca mổ não thức tỉnh tại Bệnh viện đa khoa Tâm Anh TP.HCM khiến người nghe ngỡ như đang xem phim khoa học viễn tưởng.

Phong tỏa các nhánh thần kinh, robot dẫn đường vào não

Ông Hải (58 tuổi), nhập vào Bệnh viện đa khoa (BVĐK) Tâm Anh TP.HCM sau hơn 1 ngày đột quỵ xuất huyết não, tay chân yếu liệt. Kết quả chụp cộng hưởng từ (MRI 3 Tesla) phát hiện ông có khối máu tụ hơn 4 cm chèn ép trong não. Nếu không mổ khẩn cấp để lấy khối máu tụ và cầm máu, giải áp nội sọ, giảm tổn thương xâm lấn thêm các vùng não xung quanh, ông đối mặt nguy cơ liệt vĩnh viễn, thậm chí tử vong.

A1.jpg

BS Lưu Kính Khương đang phong bế các dây thần kinh vùng đầu cho ông Hải trước khi mổ não thức tỉnh

Các bác sĩ (BS) hội chẩn khẩn, quyết định mổ não thức tỉnh bằng robot AI cho ông Hải. Kỹ thuật mổ não với robot đã được ThS-BS CKII Chu Tấn Sĩ, Trưởng khoa Phẫu thuật thần kinh, Trung tâm khoa học thần kinh, BVĐK Tâm Anh TP.HCM làm chủ sau rất nhiều ca mổ u não. Nhưng mổ thức tỉnh cấp cứu đột quỵ xuất huyết não khá đặc biệt, sức nặng đặt lên BS CKII Lưu Kính Khương, Trưởng khoa Gây mê – hồi sức (BVĐK Tâm Anh TP.HCM) – người được đào tạo tại Mỹ về kỹ thuật gây mê, tê trong mổ não bằng robot. Nghiên cứu kỹ các phương án, BS Khương chọn gây tê cục bộ, phong tỏa từng nhánh thần kinh chi phối vùng đầu của người bệnh thông qua máy siêu âm xác định vị trí chính xác.

BS Khương chia sẻ để đảm bảo mổ thức tỉnh, liều lượng thuốc tê phải được tính toán chặt chẽ, điều chỉnh linh hoạt theo yêu cầu của cuộc mổ và diễn biến, phản ứng thực tế của người bệnh. Khi rạch da đầu, bệnh nhân phải không thấy đau, vẫn tỉnh táo, nói chuyện được. Khi chuẩn bị khoan sọ, mở màng cứng, BS thêm thuốc giúp bệnh nhân an thần nhẹ, mê vừa đủ. Sau đó, ê kíp lại điều chỉnh giảm thuốc để bệnh nhân tỉnh táo, có thể tương tác khi BS yêu cầu trong quá trình mổ.

“Điều khó khăn nhất trong cuộc mổ thức tỉnh là đảm bảo xuyên suốt các chỉ số sinh tồn của bệnh nhân như nhịp tim, hô hấp, huyết áp, ô xy máu. Bệnh nhân không cảm thấy đau, không sợ hãi, tránh nguy cơ ảnh hưởng đến thao tác rất tinh vi của BS trên vùng não tổn thương”, BS Khương nói.

A2.jpg

BS Tấn Sĩ (ngồi), BS Khương (áo xanh lá) trong ca mổ não thức tỉnh bằng robot AI cho ông Hải

Trước đó, phần mềm chuyên dụng của robot tiến hành trộn nhiều hình ảnh từ MRI, CT, DTI, DSA sọ não của ông Hải để phân tích. Các hình ảnh siêu nét và siêu chi tiết đã giúp BS Tấn Sĩ và ê kíp mổ thấy rõ toàn diện cấu trúc não, khối máu tụ, các bó sợi thần kinh và các mô não lành trên cùng một hình ảnh 3D. Từ đó, robot cho phép BS thực hiện mổ mô phỏng trước, chủ động chọn vị trí mở sọ, đường đi vào não tiếp cận khối máu tụ an toàn nhất, không làm tổn thương các bó dẫn truyền thần kinh và mô não lành.

Sau khi xem xét các vấn đề trên bệnh nhân thật cẩn thận, BS Tấn Sĩ tiến hành rạch da đầu khoảng 5 cm, bệnh nhân không đau và nói chuyện được. Đến khâu khoan hộp sọ, “3 chàng lính ngự lâm” phối hợp nhịp nhàng, chính xác như “kịch bản” đã tính toán sẵn. Suốt quá trình này, robot AI dẫn đường, theo sát và phát tín hiệu cảnh báo như đèn giao thông “đỏ – vàng – xanh” để hướng dẫn hành trình tiếp cận não bộ an toàn.

Khi tiếp cận được khối máu tụ, BS Tấn Sĩ ra hiệu để BS Khương điều chỉnh giảm thuốc an thần, chỉ còn gây tê cục bộ tại phẫu trường để bệnh nhân tỉnh táo và có thể tương tác giúp BS đánh giá, kiểm soát chức năng thần kinh, vận động, ngôn ngữ của người bệnh trong khi loại bỏ máu tụ.

Khoảng 30 phút kể từ lúc mở hộp sọ, các thao tác phẫu thuật, tăng – giảm thuốc tê và robot giám sát phối hợp nhịp nhàng, chính xác. BS hút ra gần 50 ml máu cục đen đặc và cầm máu ngay các nhánh nhỏ động mạch não bị vỡ, ngăn tái xuất huyết.

BS Tấn Sĩ cho biết phương pháp mổ truyền thống thường kéo dài 90 – 120 phút và nhiều rủi ro nhưng đến nay, nhờ có robot hiện đại cùng nhiều kỹ thuật, thiết bị mới, cuộc mổ không chỉ rút ngắn thời gian mà còn tăng hiệu quả, an toàn cho người bệnh.

Rời phòng mổ, ông Hải tỉnh táo và gọi video call cho con trai kể về cuộc mổ kỳ diệu như trong mơ. Năm ngày sau, ông xuất viện với sức khỏe tốt, đi đứng, nói chuyện và ăn uống bình thường.

A3 (2).jpg

Một bệnh nhân đột quỵ xuất huyết não hồi phục tốt sau mổ não thức tỉnh bằng robot AI

Hướng đến trung tâm mổ não AI hiện đại

Ứng dụng robot mổ não là cuộc chạy đua lớn về chi phí đầu tư và trình độ người sử dụng. Robot AI Modus V Synaptive hiện mới chỉ có 10 quốc gia đầu tư sử dụng, trong đó có Việt Nam.

Tại BVĐK Tâm Anh, robot AI này còn mang đến hiệu quả vượt trội trong phẫu thuật các loại u não, u tuyến yên, u tuyến tùng, điều trị dị dạng – phình mạch máu não, u tủy sống và các bệnh lý thần kinh nguy hiểm khác như xung khắc mạch máu thần kinh, động kinh kháng trị… Theo BS Tấn Sĩ, hiện nay, sau một năm triển khai, BV đã thực hiện rất nhiều ca bệnh thần kinh, sọ não nguy hiểm, đặc biệt có những ca bị “trả về”.

“Chúng tôi tiếp tục huấn luyện, đào tạo thế hệ BS trẻ, mở rộng và nâng tầm ứng dụng những kỹ thuật này, hướng đến xây dựng trung tâm phẫu thuật não AI hiện đại, phục vụ tốt nhất cho người bệnh trong nước và nước ngoài, Việt kiều, giúp người bệnh hồi phục nhanh, xuất viện sớm, bảo toàn tối đa chức năng”, BS Tấn Sĩ thông tin.

ThS-BS CKII Chu Tấn Sĩ là người đầu tiên tại Việt Nam học tập kỹ thuật mổ não thức tỉnh ENRICH bằng robot AI tại Viện Nghiên cứu thần kinh Aurora, Wisconsin (Mỹ) và triển khai tại BVĐK Tâm Anh theo cấp phép của Bộ Y tế.

Mổ não thức tỉnh bằng robot AI đã mở ra “cuộc cách mạng” mới trong lĩnh vực phẫu thuật thần kinh tại Việt Nam, với sự kết hợp hoàn hảo không thể thiếu giữa “3 chàng lính ngự lâm” là robot mổ não AI Modus V Synaptive hiện duy nhất tại Việt Nam, kỷ lục gia châu Á (người đầu tiên mổ não bằng robot) ThS-BS CKII Chu Tấn Sĩ và chuyên gia gây mê BS CKII Lưu Kính Khương.

QR CODE CLIP.jpg

Quét QR code xem clip ca mổ não thức tỉnh cho ông Hải


Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *