Thủ tướng đề nghị ngân hàng chia sẻ lãi suất lúc đất nước khó khăn

Cùng dự có các Phó thủ tướng Trần Hồng Hà, Lê Thành Long, Hồ Đức Phớc và lãnh đạo các bộ, ngành và 13 ngân hàng thương mại cổ phần lớn trong cả nước.

Thủ tướng đề nghị ngân hàng chia sẻ lãi suất lúc đất nước khó khăn- Ảnh 1.

Thủ tướng đề nghị ngân hàng chia sẻ vấn đề lãi suất lúc doanh nghiệp khó khăn

Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, hội nghị nhằm tiếp tục đánh giá chính sách tiền tệ, nhất là trong ưu tiên cho tăng trưởng, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn, ổn định kinh tế vĩ mô.

Đến nay, chúng ta vẫn giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn. Tuy nhiên, vừa qua, cơn bão số 3 đã gây thiệt hại nặng nề, làm đình trệ sản xuất, kinh doanh tại một số địa bàn, doanh nghiệp, ảnh hưởng lớn kinh tế vĩ mô.

Do đó, Thủ tướng mong các ngân hàng đề xuất các chính sách mới thích ứng tình hình, trong đó có chính sách đối với những doanh nghiệp, người dân bị thiệt hại trong cơn bão lũ.

Đồng thời, hiến kế giải pháp liên quan tăng trưởng tín dụng, lãi suất hợp lý với tinh thần lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ, hài hòa lợi ích của Nhà nước, người dân, doanh nghiệp, với tinh thần “tương thân, tương ái”, “tình dân tộc, nghĩa đồng bào” để có chính sách phù hợp, không để ai bị bỏ lại phía sau.

Người đứng đầu Chính phủ đề nghị các ngân hàng chia sẻ trong lúc đất nước khó khăn, nhất là về vấn đề lãi suất, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp.

Ngân hàng Nhà nước cho biết đã điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, cân đối hài hòa lãi suất và tỷ giá, chỉ đạo tổ chức tín dụng giảm lãi suất cho vay, hỗ trợ thanh khoản hệ thống tổ chức tín dụng.

Đẩy mạnh triển khai các giải pháp đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng, tăng khả năng tiếp cận tín dụng, các chương trình tín dụng ngành, lĩnh vực…

Tính đến ngày 17.9, tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống đạt 7,38% so với cuối năm 2023. Trong đó, khối ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân tăng 8,6%, chiếm 45% thị phần, tăng cao nhất toàn hệ thống; cơ cấu tín dụng phù hợp với định hướng chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tiếp tục hướng vào các hoạt động sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên.

Tổng tài sản của 28 ngân hàng thương mại cổ phần đến 30.6 đạt 9,3 triệu tỉ đồng, chiếm 45% thị phần, trong đó có 22 ngân hàng quy mô tài sản trên 100.000 tỉ đồng. 

Tổng nguồn vốn huy động của khối ngân hàng thương mại cổ phần đạt 8,7 triệu tỉ đồng, tăng 5,44% và chiếm 46,1% thị phần. Kết quả kinh doanh của các ngân hàng thương mại cổ phần đạt khá…

Hoạt động của các ngân hàng thương mại cũng gặp những khó khăn, hạn chế liên quan nợ xấu và nợ tiềm ẩn trở thành nợ xấu. Sức hấp thụ vốn tín dụng của doanh nghiệp và người dân thấp, nhiều doanh nghiệp thu hẹp hoặc ngừng sản xuất, áp lực đối với tín dụng ngân hàng tiếp tục tăng cao. 

Cạnh đó, lãi suất còn ở mức cao, tác động đến mặt bằng lãi suất, tỷ giá trong nước; tình hình thiên tai, bão lũ gây thiệt hại lớn, ảnh hưởng đến đời sống, hoạt động sản xuất kinh doanh của khách hàng…

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *