Thất thoát, lãng phí rất lớn làm mất cơ hội phát triển

Hàng nghìn dự án chậm tiến độ, điều chỉnh đầu tư

Tồn tại đầu tiên Đoàn giám sát chỉ ra là việc xây dựng, ban hành, tổ chức thực hiện và báo cáo kết quả thực hiện Chương trình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí của các cấp, các ngành còn chậm, nặng về hình thức, chưa trọng tâm, trọng điểm. Bên cạnh đó, công tác tham mưu, ban hành một số văn bản quy phạm pháp luật và quy chuẩn, tiêu chuẩn, đơn giá, định mức kinh tế – kỹ thuật chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn, chưa đầy đủ, thiếu chặt chẽ, có trường hợp còn sơ hở, dẫn đến lãng phí, thất thoát.

Đáng chú ý các khâu lập, thẩm định dự toán ngân sách nhà nước chưa sát thực tế. Nợ đọng thuế, thất thu, chậm thu, thu không đúng, không đủ; vi phạm các quy định về định mức, tiêu chuẩn, chế độ còn diễn ra tương đối phổ biến. Giao kế hoạch vốn đầu tư công chậm, nhiều lần trong năm. Công tác chuẩn bị đầu tư, lập, thẩm định, quyết định chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư các dự án còn nhiều tồn tại, bất cập.

“Hàng nghìn dự án chậm tiến độ và có xu hướng tăng lên qua các năm; hàng nghìn dự án phải điều chỉnh quyết định đầu tư, có dự án điều chỉnh nhiều lần, tổng mức đầu tư điều chỉnh cao gấp nhiều lần so với tổng mức đầu tư phê duyệt ban đầu; hàng trăm dự án vi phạm thủ tục đầu tư; hàng nghìn dự án có thất thoát, lãng phí…”, Đoàn giám sát kết luận.

Ngoài ra, công tác cổ phần hóa, thoái vốn giai đoạn 2016 – 2020 rất chậm, còn nhiều bất cập. Nhiều dự án đầu tư sử dụng vốn nhà nước tại các doanh nghiệp còn thua lỗ, thất thoát, lãng phí; cơ bản các dự án trọng điểm thuộc lĩnh vực dầu khí, điện, than, hóa chất chậm tiến độ nhiều năm… rủi ro có thể gây thất thoát, lãng phí rất lớn và ảnh hưởng đến cân đối năng lượng nếu không có giải pháp xử lý kịp thời. Một số quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách hoạt động không hiệu quả, sắp xếp lại còn chậm, còn để xảy ra thất thoát, lãng phí.

Đoàn giám sát cũng đánh giá việc quản lý, sử dụng trụ sở làm việc, nhà công vụ và công trình phúc lợi công cộng tại một số bộ, ngành, địa phương không đúng quy định, chưa hiệu quả; sử dụng sai mục đích, lãng phí; sắp xếp chậm, chưa xử lý dứt điểm tình trạng bị lấn chiếm, tranh chấp kéo dài nhiều năm. Nhiều nhà, căn hộ tái định cư chưa đưa vào sử dụng hoặc không còn nhu cầu sử dụng, bỏ hoang, đang xuống cấp nghiêm trọng. Việc xác định giá trị để giao tài sản kết cấu hạ tầng quốc gia cho đối tượng quản lý còn rất chậm.

Nhiều vụ sai phạm đầu tư, đấu thầu…

Công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch còn nhiều hạn chế. Quy hoạch treo, dự án treo còn khá phổ biến. Tỷ lệ lấp đầy các khu kinh tế, nhiều khu công nghiệp, cụm công nghiệp còn thấp. Diện tích đất chưa sử dụng, để hoang hóa tại nhiều dự án, nhất là các khu đô thị còn lớn và kéo dài, có dự án kéo dài hàng chục năm. Quản lý, khai thác tài nguyên, khoáng sản, tài nguyên nước chưa thật sự bền vững và hiệu quả, còn tình trạng khai thác quá mức, ảnh hưởng lớn đến yếu tố bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.

Một hạn chế khác cũng được Đoàn giám sát chỉ rõ là hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy hành chính chưa đạt yêu cầu đề ra. Cơ cấu tổ chức bên trong bộ, cơ quan ngang bộ và một số chính quyền địa phương còn cồng kềnh, nhiều tầng nấc trung gian; chồng chéo, chưa hợp lý trong chức năng, nhiệm vụ. Tinh giản biên chế mới chủ yếu giảm về số lượng, chưa gắn với cơ cấu lại, nâng cao chất lượng đội ngũ công chức, viên chức.

“Nhiều vụ việc sai phạm trong đầu tư, đấu thầu, thẩm định giá, quản lý, sử dụng đất đai, tài nguyên, khoáng sản, tài chính công, tài sản công, gây thất thoát, lãng phí rất lớn. Việc triển khai thực hiện các kết luận, kiến nghị của các cơ quan thanh tra, kiểm tra, kiểm toán nhà nước còn chậm; tỷ lệ thu hồi tiền, tài sản cho nhà nước phát hiện qua điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án, thanh tra, kiểm tra, kiểm toán chưa cao…”, Đoàn giám sát đánh giá.


Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *