Sạch như là lẽ dĩ nhiên

Cách đây mười mấy năm, vào ngày giáp Tết, đứa cháu rể tôi nhắn vào điện thoại: Mấy hôm nữa nhà cháu biếu ông thịt lợn sạch để ăn Tết.

Thì ra ông cháu tôi gửi người nhà trong quê nuôi con lợn, với yêu cầu chỉ chăn cám bã, không dùng thuốc tăng trọng để dành ăn Tết cuối năm. Cái thứ thịt mà những năm sáu mươi cả xã hội đều ăn mà không thấy gì, hôm nay thành của quý đặc biệt!

Tôi xuất thân là nông dân, thuở nhỏ quen ruộng đồng, mò cua bắt tép, rau ăn vườn nhà, con gà trước sân. Đã từng ăn đói mặc rét, mùa Đông không có áo ấm. Cũng không thấy khổ là gì, vì xung quanh mình ai cũng thế. Buổi sáng mẹ giao cho việc tưới rau, bắt sâu ở luống su hào, cải bắp mới trồng. Lúc ấy làm gì chống sâu bọ, đã biết đến thuốc sâu và các loại thuốc tăng trọng gia súc như bây giờ đâu. Đến hạt lúa cũng toàn giống bản địa như tám đỏ, tròn tròn, mày mạy, nếp con, nếp cái, nếp nâu… Nước chấm cũng chỉ có tương với rau muống tràn trề.

Ngẫm ngợi cuối tuần: Sạch như là lẽ dĩ nhiên - Ảnh 1.

Ảnh minh hoạ Nguồn: Internet

Thế rồi theo đà phát triển, giống lúa bản địa thay bằng giống mới lai tạo. Lợn gà vật nuôi dùng thuốc tăng trọng, rau cỏ thì có thuốc sâu. Khoa học như con dao hai lưỡi, không biết hoặc áp dụng không đúng thì nó phản lại mình! Kiếm tiền như mục tiêu duy nhất nên nhiều người làm bừa, cốt thu lợi càng nhiều càng tốt. Miếng ăn dần thành miếng ngờ vực. Rồi khi thấy nguy nan thì rau bán ngoài chợ thì dùng thuốc, rau nhà ăn, búp chè, thì để riêng không phun…

Đã nhiều năm nay, người bán rau ngoài chợ hay tự giới thiệu rau em rau sạch, thịt em thịt sạch, cố níu kéo niềm tin người mua thứ hàng hóa rất bình thường của một thời đã qua. Nhưng người dùng thì không hết nghi ngờ, dù chẳng có bằng chứng gì cho nỗi hoài nghi đó.

Tất cả là do đã đi quá giới hạn. “Quay đầu là bờ” theo lời Phật dạy, người ta đang tỉnh ngộ dần. Thực ra “lời Phật” cũng nằm ngay trong quy luật tự nhiên.

Lại nhớ, cơ quan tôi xưa có một anh phụ trách phòng hành chính không thạo việc. Công việc rối mù hàng năm. Sau đó thay bằng người khác thì người mới mới làm trọn vai trò. Năm ấy, phụ trách mới của phòng hành chính nổi lên như một hiện tượng, đạt tiên tiến xuất sắc. Cuộc họp thi đua cuối năm, giám đốc mủm mỉm: Khi căn nhà loạn xạ, dọn lại cho trật tự là chuyện bình thường. Còn đem tương quan ra so sánh thì là xuất sắc thôi. Xuất sắc thì phải có sáng kiến thay đổi tốt hơn hẳn cơ! Mọi người lúc ấy mới bừng tỉnh.

Cũng vậy, đảm bảo cái ăn cái uống “sạch” từ khâu sản xuất, bảo quản đến khi lên bàn ăn phải là lẽ đương nhiên, như thể ngày xưa khi còn nghèo đói, lương thực, phẩm của chúng ta chẳng vẫn rất sạch đó sao? Đến lúc đó thì những câu cửa miệng của người bán hàng “rau em rau sạch”, “thịt em thịt sạch” cũng không còn nữa, và Tết đến cũng không nhất thiết phải nuôi và biếu nhau “thịt lợn sạch”.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *