Ngày 20.11, TAND TP.HCM sẽ xét xử sơ thẩm vụ án sai phạm trong việc quản lý Quỹ bình ổn giá và thuế bảo vệ môi trường xăng dầu, gây thất thoát ngân sách hơn 1.463 tỉ đồng xảy ra tại Công ty TNHH thương mại – vận tải – du lịch Xuyên Việt Oil (gọi tắt Công ty Xuyên Việt Oil) và một số đơn vị liên quan, trong đó có bị cáo Lê Đức Thọ.
Theo đó, bị cáo Lê Đức Thọ (cựu Chủ tịch HĐQT Vietinbank từ tháng 11.2018 đến tháng 6.2021, cựu Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre từ tháng 7.2021 đến tháng 9.2023) bị xét xử với 2 tội danh “nhận hối lộ” 600.000 USD (tương đương hơn 13,8 tỉ đồng) và “lợi dụng chức vụ quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi” hơn 22,1 tỉ đồng.
Theo cáo trạng, bị cáo Mai Thị Hồng Hạnh (cựu Giám đốc kiêm Chủ tịch HĐTV Xuyên Việt Oil) đã vi phạm trong việc quản lý Quỹ bình ổn giá và thuế bảo vệ môi trường xăng dầu, gây thất thoát cho ngân sách thất thoát hơn 1.463 tỉ đồng.
Để “bưng bít” sai phạm trong thời gian dài, bị cáo Hạnh không tiếc tay, chi hàng triệu USD để hối lộ, móc ngoặc quan hệ với 8 cựu quan chức. Trong đó, người nhận nhiều tiền nhất từ bị cáo Hạnh là bị cáo Lê Đức Thọ, với tổng tiền, tài sản khác trị giá gần 36 tỉ đồng.
Tự nguyện tăng tiền đưa hối lộ để được việc
Cụ thể, bị cáo Hạnh 2 lần đưa hối lộ cho bị cáo Lê Đức Thọ, tổng 600.000 USD (tương đương hơn 13,8 tỉ đồng), để bị cáo Thọ tạo điều kiện trong việc cấp giới hạn tín dụng, kéo dài thời gian duy trì giới hạn tín dụng cho Công ty Xuyên Việt Oil tại Vietinbank.
Lần 1, vào tháng 1.2019, bị cáo Hạnh trực tiếp đưa 100.000 USD, nhờ bị cáo Thọ tạo điều kiện để Công ty Xuyên Việt Oil được Vietinbank cấp giới hạn tín dụng 7.000 tỉ đồng.
Lần 2, tháng 1.2020, bị cáo Hạnh đưa cho ông Thọ 500.000 USD để được Vietinbank cấp giới hạn tín dụng 5.000 tỉ đồng và tiếp tục chia sẻ giới hạn tín dụng cho Vietinbank chi nhánh Chương Dương, mở rộng điều kiện về tín chấp cho Xuyên Việt Oil là 30%.
Trong lần đưa tiền thứ 2 này, bị cáo Vũ Trung Thành (cựu Giám đốc Vietinbank chi nhánh Chương Dương) là người tư vấn cho Hạnh về việc đưa 300.000 USD cho bị cáo Thọ, nhưng do sợ ít nên bị cáo Hạnh đã đưa 500.000 USD. Vì vậy, Vũ Trung Thành chỉ chịu trách nhiệm hình sự về hành vi đưa hối lộ 300.000 USD cho ông Thọ.
Ngoài việc nhận hối lộ 600.000 USD, trong thời gian giữ chức vụ Tổng giám đốc và Chủ tịch HĐQT Vietinbank, ông Lê Đức Thọ còn nhận của bị cáo Hạnh 470.000 USD, 1 đồng hồ Patek Philippe trị giá gần 1,2 tỉ đồng. Với tài sản này, Cơ quan ANĐT Bộ Công an xác định không đủ cơ sở xem xét trách nhiệm hình sự. Tuy nhiên, số tài sản này đã được thu giữ để khắc phục hậu quả, vì đây là tiền do bị cáo Hạnh phạm tội mà có.
Nhận đồng hồ Patek Philippe Plus trị giá hơn 9,8 tỉ đồng
Không chỉ nhận hối lộ, khi được điều động, phân công từ Chủ tịch HĐQT Vietinbank sang làm Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre vào tháng 7.2021, bị cáo Lê Đức Thọ nhiều lần gặp, đề nghị bị cáo Mai Thị Hồng Hạnh thành lập chi nhánh của Công ty Xuyên Việt Oil tại tỉnh này. Mục đích để công ty nộp thuế, tăng thu ngân sách cho địa phương. Đổi lại, công ty sẽ được ông Thọ hỗ trợ, tạo điều kiện để vay vốn.
Nhờ sự tác động giúp Công ty Việt Oil được vay vốn tại Vietinbank chi nhánh Bến Tre, ông Thọ trục lợi hơn 22,1 tỉ đồng, gồm: 200.000 USD (tương đương hơn 4,5 tỉ đồng), được tặng 1 bộ gậy golf trị giá 1,1 tỉ đồng, 1 đồng hồ Patek Philippe Plus trị giá 421.000 USD (tương đương hơn 9,8 tỉ đồng), 1 ô tô Mercedes S450 trị giá gần 6,7 tỉ đồng.
Ngoài số tiền và tài sản đã nhận trên, theo cáo trạng, trong thời gian giữ chức vụ Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre, ông Lê Đức Thọ còn được bị cáo Mai Thị Hồng Hạnh nhiều lần gửi tiền, quà chúc mừng sinh nhật, chúc mừng ông Thọ về làm Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre, cảm ơn ông Thọ tư vấn cho Hạnh trong việc quản trị hoạt động của Công ty Xuyên Việt Oil, gồm: 200.000 USD, 300 triệu đồng, 3 đồng hồ Patek Philippe với tổng trị giá 355.000 USD.
Đối với số tài sản này, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an xác định không đủ cơ sở để xem xét trách nhiệm hình sự với ông Thọ. Tuy nhiên, Cơ quan An ninh điều tra đã thu giữ để khắc phục hậu quả vụ án, vì đây là số tiền, tài sản sản bị cáo Hạnh phạm tội mà có.
Quá trình điều tra, Cơ quan An ninh điều tra thu giữ của bị cáo Lê Đức Thọ một số đồ vật: 1 ô tô Mercedes – Benz, 3 bộ gậy golf hiệu Honma, 10 đồng hồ đeo tay các hãng Patek Philippe, Tissot, Speak-Marin, Breguet, Blainpain, 1 đồng hồ để bàn Patek Philippe, 440.000 USD, 134 bản chính sổ tiết kiệm/thẻ tiết kiệm/giấy chứng nhận tiền gửi tiết kiệm, 4 sổ hồng, 97 miếng kim loại vàng, gần 1,8 tỉ đồng và 100 USD, 10 điện thoại di động…
Quá trình điều tra, bị cáo Lê Đức Thọ cũng nộp 16,7 tỉ đồng khắc phục hậu quả.
Theo cáo trạng, từ năm 2016 – 2021, bị cáo Hạnh đã đưa hối lộ 22 lần, tổng số tiền hơn 31,5 tỉ đồng cho 8 cựu quan chức, để Công ty Xuyên Việt Oil được Bộ Công thương cấp giấy phép kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu vào năm 2016, 2021 dù chưa đủ điều kiện; bỏ qua các lỗi vi phạm trong quá trình kiểm tra và giám sát Quỹ bình ổn giá (BOG) tại Công ty Xuyên Việt Oil; được ưu đãi mua hàng của chi nhánh phân phối sản phẩm lọc dầu Nghi Sơn khi thị trường khan hiếm; được Cục Thuế TP.HCM chậm ban hành quyết định cưỡng chế tiền nợ thuế, không công bố thông tin trên các phương tiện đại chúng.
Sau khi trở thành thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu, bị cáo Mai Thị Hồng Hạnh và đồng phạm đã vi phạm quy định về trích lập, quản lý và sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu, gây thất thoát hơn 219 tỉ đồng; Mai Thị Hồng Hạnh vi phạm về quản lý, sử dụng tiền thuế bảo vệ môi trường, gây thất thoát ngân sáng hơn 1.244 tỉ đồng.