Phấn đấu Đắk Lắk là điểm đến yêu thích, đáng sống

Tối 22.11, tại TP.Buôn Ma Thuột, Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ VN tỉnh Đắk Lắk tổ chức lễ kỷ niệm 120 năm ngày thành lập tỉnh (22.11.1904 – 22.11.2024). Đến dự có Ủy viên Bộ Chính trị, Phó thủ tướng thường trực Nguyễn Hòa Bình; lãnh đạo các bộ, ngành, đoàn thể T.Ư; đại diện các tỉnh, thành phố; các đoàn khách quốc tế và nhân dân trong tỉnh.

Phát biểu tại buổi lễ, Phó thủ tướng thường trực Nguyễn Hòa Bình đánh giá trong suốt hành trình 120 năm hình thành, xây dựng và phát triển, từ một vùng đất hoang sơ, nghèo nàn, lạc hậu, Đắk Lắk ngày nay đã chuyển mình, vươn lên mạnh mẽ, kinh tế – xã hội phát triển, đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào các dân tộc trong tỉnh được nâng lên.

Phấn đấu Đắk Lắk là điểm đến yêu thích, đáng sống- Ảnh 1.

Phó thủ tướng thường trực Nguyễn Hòa Bình phát biểu tại lễ kỷ niệm 120 năm thành lập tỉnh Đắk Lắk

Về nhiệm vụ sắp tới, Phó thủ tướng đề nghị Đắk Lắk tiếp tục bám sát chỉ đạo của T.Ư, cụ thể hóa các mục tiêu, nhiệm vụ được nêu trong các nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ nhằm tranh thủ mọi thời cơ, vượt qua mọi khó khăn, thách thức, huy động sự vào cuộc cả hệ thống chính trị và nhân dân tỉnh nhà, phấn đấu đạt mục tiêu đến năm 2050 Đắk Lắk “trở thành tỉnh có không gian sinh thái, bản sắc, kết nối sáng tạo, là điểm đến yêu thích, đáng sống”.

Phấn đấu Đắk Lắk là điểm đến yêu thích, đáng sống- Ảnh 2.

Đông đảo người dân Đắk Lắk tham dự lễ kỷ niệm

Phó thủ tướng Nguyễn Hòa Bình cũng yêu cầu Đắk Lắk huy động sức mạnh tổng hợp, khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế phát triển, thúc đẩy mạnh mẽ các động lực tăng trưởng mới, nhất là chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, kinh tế tri thức và các ngành, lĩnh vực mới, công nghệ cao… Đồng thời, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, liêm chính, hành động, vì nhân dân phục vụ; sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh, gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả với quyết tâm cao; siết chặt kỷ luật, kỷ cương; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền; cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư

Phấn đấu Đắk Lắk là điểm đến yêu thích, đáng sống- Ảnh 3.

Đại biểu các bộ, ngành T.Ư, các tỉnh thành dự lễ kỷ niệm

Trong diễn văn kỷ niệm, ông Nguyễn Đình Trung, Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk, cho biết cuối thế kỷ 19, trong quá trình xâm lược nước ta, thực dân Pháp đã từng bước thiết lập ách đô hộ lên các dân tộc ở Tây nguyên. Để xác lập quyền cai trị và tổ chức về mặt hành chính đối với Đắk Lắk, ngày 2.11.1899, Toàn quyền Đông Dương ra nghị định thành lập Đại lý hành chính Đắk Lắk đặt trụ sở tại Buôn Đôn. Đến ngày 22.11.1904, Toàn quyền Đông Dương ban hành nghị định thành lập một tỉnh mới đặt dưới quyền hành chính và chính trị của Khâm sứ Trung kỳ lấy tên là tỉnh Đắk Lắk. Sự kiện này mang tính pháp lý, xác lập lãnh thổ chủ quyền quốc gia trọn vẹn của Việt Nam, là cột mốc lịch sử đánh dấu sự thành lập tỉnh Đắk Lắk.

Trải qua quá trình lịch sử 120 năm thành lập và phát triển, đến nay Đắk Lắk đã trở thành một tỉnh khá của khu vực miền Trung – Tây nguyên; tiếp tục nỗ lực vượt qua khó khăn, thách thức, xây dựng tỉnh phát triển nhanh, bền vững, ngày càng giàu đẹp, văn minh, bản sắc…

Phấn đấu Đắk Lắk là điểm đến yêu thích, đáng sống- Ảnh 4.

Lãnh đạo Bộ VH-TT-DL trao quyết định của Thủ tướng Chính phủ công nhận “Sưu tập mũi khoan đá Thác Hai” là bảo vật quốc gia cho đại diện tỉnh Đắk Lắk

Cũng tại buổi lễ, lãnh đạo Bộ VH-TT-DL đã trao cho tỉnh Đắk Lắk quyết định của Thủ tướng Chính phủ công nhận “Sưu tập mũi khoan đá Thác Hai” là bảo vật quốc gia. Đây là sưu tập được phát hiện tại di chỉ Thác Hai (H.Ea Súp, Đắk Lắk), một địa điểm khảo cổ học mới phát hiện, có nhiều hiện vật tinh xảo, độc bản, được xem là công xưởng chế tác mũi khoan đá duy nhất ở Tây nguyên giai đoạn Hậu kỳ Đá mới, có niên đại cách đây 3.000 – 4.000 năm.

Theo ban tổ chức, nhân kỷ niệm 120 năm ngày thành lập tỉnh Đắk Lắk, Viện Kỷ lục quốc gia đã kiểm tra, xác lập 3 kỷ lục của tỉnh này, gồm: Đắk Lắk là tỉnh có diện tích trồng cà phê lớn nhất Việt Nam (21.106 ha); Hồ Lắk (H.Lắk, Đắk Lắk) là hồ nước ngọt tự nhiên trên Tây nguyên có diện tích lớn nhất Việt Nam (hơn 500 ha); Vườn quốc gia Yók Đôn (Đắk Lắk) là vườn quốc gia bảo tồn hệ sinh thái rừng khộp lớn nhất Việt Nam.


Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *