‘Chàng trai vàng’ của làng biển Ngư Thủy

Đi để trở về

Ngư Thủy là vùng biển bãi ngang đặc biệt khó khăn ở Quảng Bình. Trong chiến tranh nơi này nổi tiếng với truyền thống anh hùng cách mạng, nhất là đại đội nữ pháo binh Ngư Thủy anh hùng. Nay hòa bình nhiều năm, nhưng với những trảng cát bỏng rát chạy dài, với cái nắng khô hanh và gió Lào, Ngư Thủy vẫn bộn bề khó khăn. Ngư nghiệp vẫn là nghề chính của bà con nơi đây. Thanh niên không phải ai cũng được học hành đến nơi đến chốn do sớm phải ra đời, va đập với cuộc mưu sinh biển giã. Thế nên anh Nguyễn Hữu Phước trở thành điểm sáng khi theo học và tốt nghiệp Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM, chuyên ngành chế biến thủy sản. Nhưng sau khi tốt nghiệp, anh không chọn chốn phồn hoa đô hội hay ít nhất là một mảnh đất bớt khắc nghiệt hơn để lập nghiệp, mà chọn trở lại với Ngư Thủy quê hương mình.

'Chàng trai vàng' của làng biển Ngư Thủy- Ảnh 1.

Với lối đi riêng, anh Phước đã có nhiều thành công ban đầu trong lập thân, lập nghiệp

“Ngay khi lựa chọn ngành học chế biến thủy sản thì tôi đã nghĩ rằng mình sẽ quay trở về quê hương để đồng hành với bà con làng biển. Sinh ra và lớn lên ở đây, hơn ai hết, tôi hiểu rất rõ những khó khăn của người dân quê mình. Sống nhờ đánh bắt, nuôi trồng thủy hải sản nhưng đầu ra luôn bấp bênh, bị tư thương ép giá…”, anh Phước nói.

Nhưng từ suy nghĩ đến việc làm là quãng đường rất xa, nhất là khi anh Phước chỉ vừa ra trường, kinh nghiệm và sự từng trải chưa có. Vì thế anh đã dành nhiều thời gian đi đây đi đó, học hỏi những người đi trước, đồng thời đến rất gần với ngư dân, hộ nuôi trồng thủy hải sản để lắng nghe họ cần gì.

Năm 2020, anh Phước bắt đầu “rón rén” khởi nghiệp khi mở cơ sở chế biến thủy sản Ngư Nam. Cũng trong năm này, anh đặt dấu ấn cá nhân với sáng kiến “Chế biến cá lóc khô tẩm gia vị” và đạt giải ba cuộc thi khởi nghiệp đổi mới sáng tạo do Sở KH-CN tỉnh Quảng Bình tổ chức.

“Ở Ngư Thủy, ngoài nuôi tôm thẻ chân trắng, việc nuôi cá lóc phát triển mạnh. Mạnh đến nỗi nhiều bà con bán cá không kịp trong khi tiếp tục thả nuôi thì sẽ tốn kém thức ăn và chi phí khác. Vì thế tôi lóe lên ý tưởng rằng tại sao mình không làm khô cá lóc để giải quyết đầu ra cho bà con và cũng sẽ bảo quản cá được lâu, thơm ngon hơn”, anh Phước nói.

Tiếp nối thành công của sáng kiến về khô cá lóc, “cây sáng kiến” của làng biển Ngư Thủy còn tiếp tục có nhiều ý tưởng nữa để giúp mình khởi nghiệp và giúp cộng đồng cùng hưởng lợi. Năm 2022, anh đưa ra sáng kiến “Sản xuất sản phẩm ếch ăn liền”; năm 2023, anh tiếp tục nêu sáng kiến “Nâng cao chất lượng ghẹ xanh thương phẩm”. Các sáng kiến này đều được giới chuyên môn về chế biến thủy hải sản đánh giá cao và đều được anh và một số bà con áp dụng trong lao động sản xuất, thu về nhiều hiệu quả bước đầu…

'Chàng trai vàng' của làng biển Ngư Thủy- Ảnh 2.

Anh Phước đi học và quay về giúp bản thân, bà con làng biển của mình

Giám đốc hợp tác xã vì cộng đồng

Năm 2021, anh Phước thành lập Hợp tác xã sản xuất kinh doanh – dịch vụ thủy sản Ngư Nam có tổng diện tích đất sản xuất 1 ha, trại nuôi trồng được xây dựng cách biệt, xa khu dân cư với các lĩnh vực hoạt động sản xuất kinh doanh gồm: nuôi trồng, nuôi thương phẩm thủy sản các loại, kinh doanh con giống, thức ăn nuôi trồng thủy sản. Đây là một mốc son trong quá trình lập thân lập nghiệp của chàng trai làng biển.

Theo anh Phước, tổng diện tích hồ trại nuôi trồng của hợp tác xã là 2.000 m2, trong đó diện tích hồ trại nuôi ếch là 500 m2, gồm 10 hồ nuôi. Mỗi năm hợp tác xã nuôi 2 – 3 vụ, mỗi vụ 50.000 con ếch và xuất khoảng 10 tấn/năm, trọng lượng bình quân 0,2 kg/con. Hình thức tiêu thụ sản phẩm chủ yếu là chế biến thành sản phẩm ếch khô tẩm gia vị, ếch ăn liền, ếch đông lạnh…, và bán ở các cửa hàng thực phẩm sạch, quán ăn, siêu thị mini, cửa hàng đặc sản vùng miền.

'Chàng trai vàng' của làng biển Ngư Thủy- Ảnh 3.

Với cách làm của mình, anh Phước đã giúp được nhiều người dân địa phương

Cũng theo giám đốc hợp tác xã trẻ tuổi này, lợi nhuận của hợp tác xã trong 1 năm gần 1 tỉ đồng, tạo việc làm cho lao động nông thôn với 15 người, chủ yếu là thanh niên địa phương. Đến nay Hợp tác xã Ngư Nam cũng đã có 4 sản phẩm là mực khô, cá lóc khô tẩm gia vị, ếch khô tẩm gia vị, ếch ăn liền Ngư Nam được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao.

“Nhưng điều làm mình tự hào là xây dựng và vận hành thành công mô hình chuỗi giá trị sản xuất, kinh doanh ếch an toàn tại Quảng Bình, từ đây sẽ thay đổi tư duy sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, nâng cao được nhận thức, tạo nghề và hướng phát triển nông nghiệp bền vững tại địa phương. Từng bước tổ chức nuôi trồng ếch theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, an toàn dịch bệnh và phát triển bền vững. Giúp cơ quan chức năng quản lý chặt chẽ được chuỗi sản xuất thực phẩm, đảm bảo chất lượng và dễ truy xuất nguồn gốc”, anh Phước nói.

Với lối đi riêng đầy sáng tạo của mình, anh Phước đã được nhiều bằng khen, giấy khen và được vinh danh ở nhiều cuộc thi trong và ngoài tỉnh Quảng Bình. Nhưng không chỉ biết “lo” cho bản thân, anh còn được biết đến ở địa phương là chàng trai trẻ tham gia sôi nổi trong nhiều hoạt động hướng đến cộng đồng. Trong đó, anh từng kêu gọi hàng trăm triệu đồng để xây dựng sân bóng đá thôn, tặng học bổng cho học sinh nghèo khó khăn và đặc biệt đứng ra kêu gọi, thu hút các đoàn viên, thanh niên làm ăn kinh tế tại xã Ngư Thủy thành lập câu lập bộ Thanh niên khởi nghiệp xã Ngư Thủy với 19 thành viên, do anh Phước làm chủ nhiệm, nhằm giúp đỡ nhau trong việc phát triển kinh tế, là nơi giao lưu, kết nối, chia sẻ kinh nghiệm, khó khăn…


Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *