Năm 2024, TP.HCM khám sức khỏe cho 329.097 người cao tuổi (đạt 32%), qua đó phát hiện có 0,6% người sa sút trí tuệ (SSTT) và 5,6% người suy giảm nhận thức (SGNT), tương đương 56.000 người.
Bệnh chưa được quan tâm
Th.S-BS Hoàng Tiến Trọng Nghĩa, Trưởng khoa Nội thần kinh, Bệnh viện (BV) Quân y 175, cho biết SSTT là tình trạng suy giảm khả năng suy nghĩ, học tập và trí nhớ. SSTT được dự đoán sẽ ảnh hưởng hơn 115 triệu người trên thế giới vào năm 2050. Gần 68% bệnh nhân (BN) SSTT được ghi nhận tại các quốc gia có thu nhập trung bình thấp, trong đó có VN. Thế giới ước tính số tiền chi trả cho chăm sóc BN SSTT đến năm 2030 là 2.800 tỉ đồng.
BS Nghĩa cho hay nguy cơ SSTT tăng dần theo tuổi. Thống kê năm 2024, ước tính ở VN có 500.000 người SSTT, chiếm 4,8 – 5% người trên 60 tuổi; 12 – 18% người từ 60 tuổi trở lên có tình trạng SGNT nhẹ, trong số này, 10 – 15% sẽ tiến triển thành SSTT mỗi năm. Hiện chưa có thuốc điều trị hiệu quả cho SSTT. Theo khuyến cáo của Cục Quản lý dược phẩm và thực phẩm Mỹ, ưu tiên các phương pháp không dùng thuốc như khiêu vũ, tập thể dục…, nhưng vẫn chưa có hiệu quả rõ ràng.
Tình trạng này đặt ra nhu cầu cấp thiết về cách can thiệp nhận thức sớm từ giai đoạn “tiền SSTT” – tức giai đoạn SGNT nhẹ, khi mà các tế bào thần kinh chưa bị tổn thương đáng kể. Vì vậy, các can thiệp sớm SGNT vẫn có thể phục hồi và củng cố kết nối tế bào thần kinh để cải thiện nhận thức và giảm tỷ lệ dẫn đến SSTT.
“Trong 1 triệu người cao tuổi ở TP.HCM, ước đoán có khoảng 56.000 người SGNT. Đây là nhóm bệnh hiện ít được quan tâm. Nhận thức của xã hội cho rằng đây là điều bình thường của tuổi tác, không có khả năng can thiệp hay thay đổi được. Do đó, cần có mô hình tư vấn, cung cấp kiến thức và quản lý BN SGNT nhẹ và SSTT tại cộng đồng thay vì để họ tới BV”, BS Nghĩa nói.
Giải pháp nào ?
Khoa Kỹ thuật y sinh, Khoa Công nghệ thông tin, Trường ĐH Quốc tế (ĐH Quốc gia TP.HCM) và các BS của BV Quân y 175 đã hợp tác, xây dựng và thử nghiệm ứng dụng BrainTrain. Đây là ứng dụng tập luyện não bộ thông qua các bài tập dưới dạng trò chơi cho cá nhân, cài đặt và sử dụng trên điện thoại, đã được thử nghiệm trên BN. Sản phẩm BrainTrain đã lọt vào vòng bình chọn thành tựu y khoa VN năm 2024.
“Ứng dụng với mục đích cung cấp các bài tập luyện não bộ cho người bệnh SGNT nhẹ, SSTT nhẹ hoặc những nhóm đối tượng muốn tập luyện nâng cao trí nhớ. Mục tiêu là quản lý hiệu quả nhóm bệnh này tại địa bàn sinh sống. Nâng cao nhận thức cộng đồng và xây dựng được mô hình quản lý người bệnh một cách hợp lý nhất trong cộng đồng sẽ giúp nâng cao chất lượng sống, giảm gánh nặng cho người bệnh, gia đình và xã hội”, BS Nghĩa nói.
Ứng dụng có chức năng gồm 12 trò chơi nhận thức dưới dạng văn bản và hình thức, tập trung chính vào cải thiện 4 lĩnh vực: trí nhớ, tập trung, ngôn ngữ và tính toán. Mỗi lĩnh vực có các phiên, mỗi phiên trung bình 10 câu hỏi. Cuối mỗi phiên, người tham gia sẽ nhận tổng điểm. Mức độ khó cũng sẽ tăng dần qua các phiên, đảm bảo tính thử thách.
Tính năng của ứng dụng là giúp người SGNT nhẹ rèn luyện hằng ngày; cho phép nhân viên y tế quản lý và theo dõi BN. “Chúng tôi đã đánh giá hiệu quả bước đầu của ứng dụng trên BN. BN SGNT nhẹ sẽ được đánh giá thần kinh nhận thức và ghi điện não tại thời điểm trước, sau 1 tháng và 3 tháng sử dụng ứng dụng. So sánh với nhóm BN không sử dụng ứng dụng thường xuyên thì nhóm sử dụng thường xuyên có sự cải thiện trí nhớ, thay đổi rõ ràng trên tín hiệu điện não. Một vài BN có sự cải thiện điểm số thần kinh nhận thức về mức bình thường theo độ tuổi và học vấn”, BS Nghĩa chia sẻ.
Thí điểm tại cộng đồng
Theo BS Nghĩa, tại VN, hiện việc triển khai tập luyện nhận thức còn hạn chế. “Số lượng người SSTT ngày càng gia tăng cùng với tốc độ già hóa dân số, tuy nhiên số được chẩn đoán và quản lý hiện rất ít. Chẩn đoán và quản lý những người này hiệu quả sẽ giúp giảm gánh nặng cho gia đình, xã hội… Do đó, xây dựng mô hình, đơn vị vệ tinh về tiền SSTT tại trạm y tế (TYT), trung tâm y tế là giải pháp thiết thực trong bối cảnh hiện nay”, BS Nghĩa đề xuất.
Cùng với đó, BV Quân y 175 và Trường ĐH Quốc tế sẽ hỗ trợ đào tạo cho cán bộ y tế tại TYT làm sao có thể đánh giá được người cao tuổi trên địa bàn bị SGNT nhẹ hay SSTT; triển khai cài đặt và sử dụng ứng dụng BrainTrain và xây dựng các bài tập kích thích nhận thức (tập luyện nhóm). Tại các TYT cần có đội ngũ vận hành và xây dựng phòng đánh giá, tư vấn cũng như tập luyện nhận thức nhóm.
“Tại TYT, nếu phát hiện BN có SGNT nhẹ sẽ được tư vấn về lối sống, dinh dưỡng, tập luyện vào cài đặt ứng dụng. TYT sẽ chuyển những BN SSTT mới hoặc diễn tiến phức tạp đến BV để làm xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh, tư vấn điều trị nếu có, theo dõi diễn tiến và sau đó chuyển lại cho TYT quản lý khi tình trạng ổn định”, BS Nghĩa đề xuất thêm.
Làm tốt sẽ nhân rộng mô hình
TS-BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM, cho biết tại TP.HCM, lĩnh vực điều trị SSTT chưa được phát triển nhiều. Con số 50.000 – 60.000 người cao tuổi SGNT là vấn đề mà TP.HCM quan tâm và cố gắng giải quyết sớm nhất có thể. Việc chăm sóc người bệnh SSTT gây gánh nặng cho người chăm sóc, xã hội và hệ thống y tế. Ngoài bị lẫn, BN có thể kèm các rối loạn hành vi tâm thần… Sở Y tế đang thảo luận với BV Quân y 175 và Trường ĐH Quốc tế triển khai giải pháp quản lý người bệnh SGNT nhẹ và SSTT tại cộng đồng. Sắp tới, sẽ thí điểm 3 quận trong 6 tháng, sau đó đánh giá hiệu quả để áp dụng được cho tuyến y tế cơ sở.
“Nội dung triển khai gồm đánh giá ban đầu người cao tuổi có SGNT, thành lập nhóm tập luyện nhận thức do TYT, trung tâm y tế tổ chức và mời những người này cùng nhau tập luyện nhóm (kích thích nhận thức) 1 – 2 lần/tuần. Tiếp theo là cài đặt sử dụng phần mềm BrainTrain để có thể tập luyện tại nhà và được nhân viên y tế theo dõi, quản lý. Nếu hiệu quả sẽ mở rộng thêm”, Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM nói.