Học sinh các lớp đã được làm quen với PGS-TS Phạm Văn Tình qua một số bài thơ của ông được in trong các sách Ngữ văn. Trong sách Ngữ văn 11, tập 1, bộ Cánh diều, học sinh tiếp tục gặp ông ở bài viết Tiếng Việt của lớp trẻ bây giờ.
Đây là một trong số rất nhiều những bài viết về tiếng Việt của ông – một nhà ngôn ngữ học – cây viết quen thuộc của mục “Chữ và nghĩa” trên báo Thể thao và Văn hóa. Viết về tiếng Việt vừa là chuyên môn, vừa là cách ông thể hiện tình yêu ngôn ngữ của mình.
Giới trẻ có nhiều cách thể hiện
* Ông cộng tác với nhiều báo đài. Bài “Tiếng Việt của lớp trẻ bây giờ” được ông viết từ “đơn đặt hàng” của một tờ báo phải không?
– Nói cho đúng thì chính “cuộc sống ngôn ngữ đặt hàng”. Bởi vì, những năm qua, trong bối cảnh mở cửa hội nhập và hòa nhập, cùng với kinh tế – khoa học – công nghệ phát triển, xã hội Việt Nam đã có nhiều thay đổi. Ngôn ngữ phản ánh cuộc sống và trong “bức tranh ngôn ngữ muôn màu” không thể không nói tới ngôn ngữ giới trẻ.
Các thế hệ 8X, 9X, Gen Z chiếm một số lượng lớn của dân số Việt Nam hiện nay. Nói tới ngôn ngữ thời đại mới không thể bỏ qua ngôn ngữ lớp trẻ. Tôi đã đề cập đến chủ đề này không chỉ trong một tờ báo.
* Một bài báo có tính thời sự thường rất khác với bài in trong sách giáo khoa. Vậy, ông có nghĩ khi bài viết này được đưa vào sách sẽ không còn là hiện tượng và những vấn đề của hiện tại không?
– Tôi hoàn toàn bất ngờ khi bài viết trên báo của tôi lại được đưa vào sách giáo khoa. Vì với tính chất “mô phạm”, sách giáo khoa thường lựa chọn các tác phẩm (văn học hoặc báo chí) đã được định hình qua sự “kiểm chứng” của thời gian. Các nhà soạn sách giáo khoa (theo chương trình mới) đã có quan điểm rất mới (và táo bạo) là đi trước một bước: Đưa những chủ đề ngôn ngữ hôm nay, phản ánh một mặt trong xu thế phát triển ngôn ngữ. Đó cũng là vấn đề mang tính thời sự mà các nhà ngôn ngữ học xã hội, các nhà soạn sách không thể bỏ qua.
* Bài viết của ông có phân tích việc sử dụng ngôn ngữ chưa đúng như một hiện tượng, chứ không phán xét giới trẻ. Thiết nghĩ đó là điều cần thiết của một nhà ngôn ngữ học khi viết về ngôn ngữ của giới trẻ: đứng ở vị trí của họ để hiểu họ?
– Ngôn ngữ là sản phẩm chung của cộng đồng. Trong cái cộng đồng lớn ấy có những cộng đồng nhỏ hơn: Người già, người trẻ, đàn ông, phụ nữ, những người đang làm việc với những cương vị khác nhau.
Giới trẻ hội tụ những đặc thù “nhiều trong một”. Ngôn từ của giới trẻ xứng đáng được lắng nghe, dù có khác lạ đến mấy. Giới trẻ có nhiều cách thể hiện mình, có những sáng tạo, sự phá cách và cả sự bồng bột trong nhiều việc, trong đó có lời ăn tiếng nói.
“Xu hướng phát triển của tiếng Việt là ổn và tôi lạc quan về điều này” – PGS-TS Phạm Văn Tình.
Ngôn ngữ có cơ chế tự điều chỉnh
* Ông có thể nói một cách khái quát về cái nhìn lạc quan và bi quan của mình về cách giới trẻ sử dụng ngôn ngữ ở thời điểm hiện tại?
– Giới trẻ bao giờ cũng vẫn là giới trẻ. Nhưng giới trẻ ngày nay có nhiều cái khác. Điều kiện sống, sự mở rộng kênh tiếp nhận tri thức với thành tựu công nghệ phát triển vượt bậc khiến họ có khả năng phát triển cả về thể chất và tinh thần. Họ là những “chủ nhân ông” thực sự chứ không còn là trẻ con, là “trẻ người non dạ” để người lớn “từ trên nhìn xuống” rồi “xoa đầu”, nhắc nhở.
Tôi tin tưởng ở họ như tin vào một thực tiễn xã hội. Đa số giới trẻ nhận thức đúng những hành vi của mình. Cũng phải nói rằng, bản thân ngôn ngữ cũng có cơ chế tự điều chỉnh. Cơ chế này giúp cho những nhân tố mới được coi trọng và có cơ hội phát triển một cách bình thường như nó vốn có.
Tuy nhiên, ngoài những nhân tố tích cực vẫn có những vấn đề bất cập, đi ngược lại sự phát triển lành mạnh của ngôn ngữ. Vẫn có những lối nói “phá rào”, phản chuẩn, thậm chí phản cảm. Đáng tiếc là những cái đó lại được không ít người trong giới trẻ cổ súy, ủng hộ. Càng lạ hơn là những điều đó lại nhanh chóng lan tỏa với hội chứng “vết dầu loang” với tốc độ không ngờ. Cùng với công nghệ số, cùng với mạng xã hội, hội chứng này sẽ tạo “hiệu ứng ngược”, gây bất lợi cho sự phát triển ngôn ngữ của cộng đồng chung và cộng đồng giới trẻ.
Tôi không đến nỗi quá bi quan, nhưng tôi lo lắng, vì không khéo, chính những hiện tượng cá biệt này lan tỏa sẽ làm vẩn đục bầu không khí ngôn ngữ tự nhiên, giàu biểu cảm của tiếng Việt.
* Như đã nói, ông là một người khá mở lòng với ngôn ngữ của giới trẻ và điều đó có khiến ông gặp không ít phiền toái từ những người thủ cựu?
– Tôi không nghĩ mình là người “cấp tiến” (để đối lập với những người được coi là “thủ cựu”). Tôi chỉ muốn mình là người cùng tham gia nghiên cứu ngôn ngữ giới trẻ để từ đó nhận chân được quy luật và những giá trị ngôn ngữ đích thực, một cách khách quan. Từ sự nhận chân này mà nhìn ra hướng phát triển của ngôn ngữ. Xu hướng phát triển của tiếng Việt là ổn và tôi lạc quan về điều này.
Già và trẻ hợp tác phát triển tiếng Việt
* Một số cách dùng tiếng Việt của giới trẻ bị người lớn cho là biến tướng, thậm chí lo lắng học sinh sẽ quen dùng trong bài kiểm tra và các văn bản khác. Nếu điều ấy xảy ra thì lỗi nằm ở cách đào tạo, chứ không thể đổ lỗi hoàn toàn cho học sinh phải không, thưa ông?
– Tôi đã có bài Những cái lỗi nằm ngoài kiến thức để nói về chuyện học sinh dùng ngôn ngữ nói, ngôn ngữ chat, ngôn ngữ ký hiệu, thậm chí từ lóng… trong học đường. Dùng như thế trong giao tiếp nội bộ (nhóm hoặc phạm vi hẹp) cho tiện, cho vui vẻ tếu táo thì được, chứ nếu đưa vào văn bản trường quy (bài viết, bài kiểm tra, bài thi) thì không được. Giáo viên cần phải biết và phân biệt để bắt lỗi.
Trách nhiệm của các nhà giáo là làm sao học sinh trân trọng, yêu tiếng Việt và biết sử dụng tiếng Việt chính xác, hay, trong mọi môi trường giao tiếp: Ở nhà, ở trường, ngoài xã hội. Bởi có yêu mới có động lực và cảm hứng học hỏi, trau dồi tiếng Việt.
* Cũng lại có nhận xét rằng: Ngôn ngữ của giới trẻ bây giờ thiếu hẳn tính lễ nghi, điều này thật không hay. Ông đồng tình hay phản đối với nhận xét này?
– Ý kiến đó phần nào đúng, rất đáng để các nhà giáo dục ngôn ngữ suy nghĩ. Giới trẻ năng động, bận bịu, nhiều áp lực cuộc sống, nên “đơn giản hóa” cách nói và nghi thức nói. Nghi thức nói năng (chào hỏi, cám ơn, cầu chúc, xin lỗi, hứa hẹn, thề thốt…) là một mặt của văn hóa giao tiếp. Những vấn đề này có nguồn gốc sâu xa từ truyền thống, thói quen dân tộc. Dù thế nào, chúng ta cũng không quên đi gốc gác ngôn ngữ cha ông. “Giấy rách phải giữ lấy lề” mà!
* Ngược lại, không ít người trẻ lại hay cho rằng người già dùng từ rất “quê mùa”, rất “sến”. Vậy, làm thế nào để giới trẻ hiểu rằng rất nhiều từ thời đại chúng ta không hay dùng nhưng không có nghĩa là chúng không hay, không thú vị và nên tìm hiểu để thấy sự phong phú của tiếng Việt?
– Thực tế có không ít người trẻ chê bai ngôn ngữ các “ông bô bà khốt” cổ hủ, lạc hậu, lỗi thời. Trong khi đó cũng không ít người già khăng khăng cho rằng ngôn từ giới trẻ bây giờ “hỏng, bát nháo, tùy hứng”, làm mất đi sự trong sáng của tiếng Việt.
Chúng ta phải xác định rõ “thế nào là trong sáng”? Trong sáng không có nghĩa là không chấp nhận những yếu tố “nội sinh và ngoại sinh” trên nền tảng đã có. Trong sáng là đầy đủ, hợp lý, đúng mực và tạo sự thuận lợi cho giao tiếp. Già và trẻ cần phải hợp tác với nhau vì sự phát triển của tiếng Việt.
* Các nhà ngôn ngữ có thường trăn trở làm thế nào để tiếng Việt trở thành một ngôn ngữ mạnh trên thế giới không, thưa ông?
– Không có “ngôn ngữ mạnh” và “ngôn ngữ yếu”, chỉ có ngôn ngữ “giàu đẹp” và ngôn ngữ “giàu tính biểu cảm” (về ngữ âm, từ vựng, ngữ pháp…). Tiếng Việt càng ngày càng phát huy vai trò và thế mạnh của mình với tư cách là một ngôn ngữ tiêu biểu cho loại hình ngôn ngữ đơn lập.
* Cảm ông đã chia sẻ!
Vài nét về PGS-TS Phạm Văn Tình
Sinh năm 1954 tại Yên Thắng, Ý Yên, Nam Định. PGS-TS ngôn ngữ học. Hội viên Hội Nhà văn Hà Nội.
Ông từng là: Phó Trưởng phòng biên tập Ngôn ngữ – Từ điển, NXB Khoa học xã hội; Phó Trưởng phòng Ngữ pháp, Viện Ngôn ngữ học; Phó Tổng biên tập tạp chí Từ điển học & Bách khoa thư (Viện Từ điển học và Bách khoa thư Việt Nam); Tổng thư ký Hội Ngôn ngữ học Việt Nam; hiện là Phó Viện trưởng Viện Việt Nam học kiêm Giám đốc Trung tâm Việt Nam học.
Một số sách đã xuất bản: Giai điệu cho mình, Tiếng Việt từ cuộc sống, Tiếng Việt: Từ chữ đến nghĩa, Luận ngữ – luận nghĩa, Chuyện chữ ra chuyện đời, Tiếng Việt chữ nghĩa – Hồn vía dân gian…
(Còn tiếp)