Phục dựng, bảo tồn không gian nhà rông truyền thống

Đối với cộng đồng người dân tộc thiểu số tại Tây Nguyên nói chung và tỉnh Kon Tum nói riêng, nhà rông được xem như “trái tim” của cả ngôi làng. 

Với yếu tố quan trọng trong tín ngưỡng, đời sống, nhà rông luôn được đồng bào dân tộc thiểu số giữ gìn nhằm phát huy các giá trị truyền thống, tạo nên không gian văn hóa mang nét đặc trưng riêng của mỗi dân tộc.

Vui mừng bên nhà rông mới

Với lối kiến trúc độc đáo, nhà rông tại làng Đăk Wâk (xã Đăk Kroong) được xem như nhà rông đẹp nhất, lưu giữ được nét văn hóa đặc trưng của người Gié-Triêng ở huyện Đăk Glei. Người Gié-Triêng quan niệm nhà rông là ngôi nhà chung của cả dân làng, bởi đây thường là nơi họp làng, sinh hoạt và giải quyết các vấn đề quan trọng của cộng đồng.

Trải qua thời gian, phần mái của nhà rông đã dần xuống cấp nên Hội đồng già làng Đăk Wâk họp bàn và quyết định sửa chữa lại ngôi nhà rông ngay sau mùa thu hoạch. Để sửa chữa nhà rông, dân làng Đăk Wâk đã bầu chọn và thành lập Ban điều hành với 25 người cùng chia nhau phụ trách, hướng dẫn các công việc. Có hơn 260 phụ nữ và 300 nam giới trong độ tuổi lao động của làng được chia làm 4 đội để thu gom tranh, mây, tre, nứa.

Phục dựng, bảo tồn không gian nhà rông truyền thống - Ảnh 1.

Nhà Rông truyền thống là biểu tượng trong văn hóa của đồng bào Kon Jơ Dri, xã Đăk Rơ Wa, thành phố Kon Tum. Ảnh tư liệu: Dư Toán/TTXVN

Ông A Quốc (làng Đăk Wâk, xã Đăk Kroong) cho biết, già làng phân công mỗi người một việc, ai nấy đều hăng hái tham gia với mong muốn góp một phần công sức để sửa chữa lại nhà rông truyền thống. Đây là một việc làm quan trọng đối với người dân nơi đây, bởi nhà rông chính là “linh hồn” của cả ngôi làng, được thế hệ đi trước để lại như một nét văn hóa đặc trưng, cần ra sức gìn giữ, bảo tồn.

Với sự quyết tâm, đồng lòng của dân làng, trong 1 tháng, hơn 5.000 ngày công đã được người dân đóng góp để hoàn thành việc sửa chữa nhà rông có chiều dài 12m, rộng 8m, cao 12m.

Ông A Thông (già làng Đăk Wâk, xã Đăk Kroong) phấn khởi cho biết, việc hoàn thành sửa chữa nhà rông đã thể hiện sự đoàn kết, gắn bó trong cộng đồng và cũng là nét đẹp vốn có của người Gié-Triêng. Giờ đây, người dân vui mừng khi nhà rông đã được khang trang, đẹp đẽ hơn, có nơi để tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao, lễ hội.

Những ngày này, người Xơ Đăng, nhánh Tơ Đrá, tại làng Kon Rôn (xã Ngọk Réo, huyện Đăk Hà) đang vui mừng sinh hoạt cộng đồng bên nhà rông mới vừa được hoàn thành sửa chữa trên nền nhà rông cũ. Trong đó, nhà rông mới có 6 trụ, sàn, mái và cầu thang được làm từ gỗ, tre, nứa, mây.

Để đảm bảo giữ nguyên bản nhà rông truyền thống, người dân đã họp để lấy ý kiến của Hội đồng già làng, người có kinh nghiệm, trong việc lựa chọn vật liệu tự nhiên, đến việc trang trí, hoàn thiện các chi tiết, hoa văn. Với sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, người dân làng Kon Kôn đã đóng góp thêm 41 triệu đồng và gần 3.000 ngày công để thi công.

Anh U Nam Huế (Trưởng thôn Kon Rôn, xã Ngọk Réo, huyện Đăk Hà) cho biết, việc sửa chữa nhà rông được cả cộng đồng tại địa phương chung tay cùng làm. Các già làng, người có uy tín luôn tận tâm chỉ bảo, truyền dạy lại cho con cháu hiểu và biết cách làm nhà rông truyền thống. Thế hệ trẻ rất phấn khởi vì được trực tiếp làm và trải nghiệm các việc như đan tranh, lợp mái, góp phần bảo tồn nét đẹp văn hóa của người Xơ Đăng, nhánh Tơ Đrá.

Phát huy giá trị văn hóa

Trước đây, đa phần người dân tộc thiểu số không mặn mà với việc sinh hoạt cộng đồng tại nhà rông, do nhà được xây bằng các vật liệu hiện đại như gạch, đá, mái lợp tôn. Nhờ nguồn lực đầu tư Dự án 6 thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, nhiều nhà rông truyền thống tại tỉnh Kon Tum đã được phục dựng, tạo sự phấn khởi trong cộng đồng.

Theo thống kê của ngành Văn hóa Kon Tum, toàn tỉnh hiện có 503 làng đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ, có 479 nhà rông, nhà sàn cộng đồng; trong đó, có 221 nhà sử dụng nguyên liệu truyền thống để xây dựng như gỗ, tre, mái lợp tranh.

Phục dựng, bảo tồn không gian nhà rông truyền thống - Ảnh 2.

Dưới mái nhà Rông, những nét văn hóa đặc trưng của người Hà Lăng, làng Đăk Đe, xã Rờ Kơi, huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum được tái hiện với điệu múa Chiêu. Ảnh tư liệu: Dư Toán/TTXVN

Khi các nhà rông truyền thống được phục dựng là lúc người dân mang đến nơi đây những giá trị văn hóa đặc sắc khác như: dệt vải, đan lát, cồng chiêng, múa xoang. Bởi lẽ, cộng đồng người dân tộc thiểu số quan niệm rằng, cho dù đi đâu, làm gì, dân làng cũng luôn hướng về “ngôi nhà chung” hùng vĩ của mình. Nhà rông không chỉ là tín ngưỡng, mà còn mang những giá trị văn hóa đặc trưng như lễ hội, nghề truyền thống…

Già làng Blong Vẽ (làng Đăk Răng, xã Đăk Dục, huyện Ngọc Hồi) cho biết, với nguồn lực đầu tư của Đảng, Nhà nước, người Gié-Triêng tại làng rất phấn khởi khi những nét đẹp văn hóa của cộng đồng đã được bảo tồn, phát huy. Làng Đăk Răng cũng đã được công nhận là Làng du lịch cộng đồng, giúp người dân có thêm thu nhập từ văn hóa, đời sống ngày càng phấn khởi.

Ông Josh Herman (du khách Australia) chia sẻ: “Ngôi nhà rông của người dân được làm bằng các vật liệu tự nhiên khiến tôi cảm thấy rất thích thú vì nó thân thiện với môi trường. Cách xây dựng độc đáo, nhất là phần mái lợp tranh đã trở thành nét văn hóa rất ấn tượng và hùng vĩ”.

Thông qua Dự án 6, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Kon Tum đã thực hiện nhiều chương trình khôi phục, bảo tồn và phát triển bản sắc văn hóa truyền thống người dân tộc thiểu số; bảo tồn các lễ hội, khai thác, xây dựng sản phẩm phục vụ phát triển du lịch; hỗ trợ chương trình nghiên cứu, phục dựng, bảo tồn nhạc cụ truyền thống; xây dựng một câu lạc bộ văn hóa dân gian.

Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Kon Tum Phan Văn Hoàng cho biết, để đảm bảo nhà rông truyền thống được bảo tồn, phát huy, nhiều địa phương tại tỉnh đã chủ động xây dựng các vùng nguyên liệu; tuyên truyền, vận động người dân khai thác tre, mây, tranh đủ dùng, tránh tình trạng khan hiếm nguyên liệu truyền thống về sau.

Thời gan tới, Sở tiếp tục tăng cường bảo tồn, phục dựng nhà rông truyền thống tại vùng dân tộc thiểu số. Từ đó, tạo điều kiện cho các di sản văn hóa có không gian để phát triển, kéo theo nhiều giá trị văn hóa khác như nghề truyền thống, cồng chiêng, xoang, lễ hội cũng được bảo tồn. Sở còn xây dựng, hoàn thiện, nâng cao hiệu quả thực hiện chính sách về phát triển kinh tế – xã hội vùng dân tộc và miền núi theo hướng toàn diện, bền vững, gắn với việc tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến du lịch tại địa phương.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *