Liều thuốc chữa bệnh ‘nhờn luật’

Tăng phạt – tăng ý thức

Ghi nhận của PV Thanh Niên những ngày gần đây cho thấy tại nhiều ngã tư ở Hà Nội hiếm khi xảy ra tình trạng vượt đèn đỏ. Người tham gia giao thông chấp hành đúng quy định, không còn tình trạng lấn vạch, đứng lên vạch sơn phần đường của người đi bộ.

Liều thuốc chữa bệnh 'nhờn luật'- Ảnh 1.

Nghị định 168 đã giúp tăng cường rõ rệt ý thức tuân thủ quy định và văn hóa giao thông

Tại khu vực Ngã Tư Sở, vào giờ cao điểm trước đây thường xuyên xảy ra tình trạng vượt đèn đỏ, đi ngược chiều kể cả khi có CSGT túc trực. Sau khi áp dụng nghị định, người dân chấp hành, dừng đèn đỏ ngay ngắn. Tương tự, tại nút giao Nguyễn Xiển – Nguyễn Trãi – Khuất Duy Tiến, nơi từng là “điểm đen” về vi phạm giao thông với các hành vi như vượt đèn đỏ, đi lên vỉa hè, đi ngược chiều mỗi khi xảy ra ùn tắc, 10 ngày nay tình trạng trên đã giảm đáng kể. Người tham gia giao thông còn tự giác chấp hành việc dừng đèn đỏ ngay cả khi “vắng bóng” lực lượng CSGT.

Nằm ở trung tâm thủ đô, Q.Hoàn Kiếm có lưu lượng phương tiện rất đông, chưa kể những ngày có sự kiện. Từ khi Nghị định 168 có hiệu lực, chỉ huy Đội CSGT – Trật tự Công an Q.Hoàn Kiếm khẳng định ý thức của người tham gia giao thông được cải thiện rất nhiều. Lấy ví dụ, vị chỉ huy cho hay, trước kia mỗi lần đội tuyển bóng đá Việt Nam chiến thắng là cổ động viên lại đổ ra đường ăn mừng, “đi bão” và các tuyến phố tại Q.Hoàn Kiếm như muốn “nghẹt thở”, lực lượng CSGT rất vất vả. Song, từ khi mức phạt tăng, ý thức người dân tăng và hàng triệu người “đi bão” mừng đội tuyển vô địch AFF Cup 2024 dừng chờ đèn đỏ rất ngay ngắn.

Ùn ứ sáng cuối tuần ở TP.HCM, có nơi được rẽ phải cũng ‘rén không dám quẹo’

Liều thuốc chữa bệnh 'nhờn luật'- Ảnh 2.

Các phương tiện tại Hà Nội chấp hành nghiêm chỉnh tín hiệu đèn giao thông dù đường phố ùn ứ

Tại TP.HCM, sau hơn 10 ngày áp dụng Nghị định 168/2024, hầu hết người dân đều nâng cao ý thức khi tham gia giao thông. Đặc biệt, tình trạng chạy ngược chiều, vượt đèn đỏ, chạy lên vỉa hè… đã giảm rõ rệt.

Theo ghi nhận của PV Thanh Niên, ngày 11.1, tại giao lộ Võ Văn Tần – Trương Định (Q.3), dù lượng phương tiện đông, người dân vẫn nhẫn nại chờ 3 – 4 nhịp đèn đỏ, không phương tiện nào rẽ phải vượt đèn tín hiệu. Còn tại giao lộ đường 37 – Kha Vạn Cân (TP.Thủ Đức) hay QL1 trước đây luôn trong tình trạng đông phương tiện qua lại, xe máy thường xuyên leo vỉa hè bất chấp, hiện tình trạng này đã “vắng bóng”.

Theo số liệu thống kê từ Phòng CSGT Công an TP.HCM, trong 7 ngày đầu áp dụng Nghị định 168, CSGT phát hiện 11.830 trường hợp vi phạm, tạm giữ hơn 4.300 phương tiện gồm 11 ô tô, 4.220 xe máy, 102 phương tiện khác, tước khoảng 2.100 giấy phép lái xe. Tổng số tiền phạt ước tính 42,5 tỉ đồng, trung bình mỗi ngày hơn 6 tỉ đồng. Số tiền phạt này tăng 11 tỉ đồng so với thời gian liền kề trước đó.

Trao đổi với PV Thanh Niên, TS Trần Quang Thắng, đại biểu HĐND TP.HCM, đánh giá việc nâng mức xử phạt vi phạm giao thông là cần thiết để xử lý các hành vi phản văn hóa giao thông như leo vỉa hè, vượt đèn đỏ, bấm còi inh ỏi.

“Ban đầu cần phạt mạnh để răn đe, ít nhất cũng 2 – 3 năm để vào nề nếp, sau đó điều chỉnh lại cho phù hợp. Mọi người phải hành xử văn minh, không chỉ đổ lỗi do hạ tầng yếu kém rồi chạy lung tung gây nguy hiểm cho người khác”, TS Thắng nói.

Những dấu hiệu tích cực

Theo thống kê, năm 2024, toàn quốc xảy ra 23.484 vụ tai nạn giao thông, làm 10.944 người chết và 17.342 người bị thương. Bình quân mỗi ngày cả nước xảy ra 64 vụ tai nạn giao thông, làm 30 người chết và 47 người bị thương.

Liều thuốc chữa bệnh 'nhờn luật'- Ảnh 3.

Trưa 11.1, tại giao lộ đường 37 – Kha Vạn Cân (TP.Thủ Đức, TP.HCM), xe đông di chuyển chậm, nhưng không phương tiện nào đi lên vỉa hè

Đại tá Phạm Quang Huy, Cục phó Cục CSGT (Bộ Công an), cho hay trong số các vụ tai nạn năm 2024, có tới hơn 3.000 vụ xảy ra do tài xế đi không đúng chiều đường, phần đường, làn đường quy định và hàng trăm vụ từ việc không chấp hành tín hiệu đèn giao thông, đi ngược chiều. Tình trạng coi thường các quy tắc, quy định an toàn giao thông là nguyên nhân cơ bản dẫn đến tai nạn và những cái chết thương tâm.

Trong 9 ngày, từ 1 – 9.1, Cục CSGT thống kê toàn quốc xảy ra 399 vụ tai nạn, làm 202 người chết và 356 người bị thương; trung bình mỗi ngày xảy ra 44 vụ, làm 22 người chết và 39 người bị thương. Số liệu này cho thấy những dấu hiệu tích cực trong công tác kiềm chế tai nạn, từ khi Nghị định 168 đi vào thực tiễn.

Đại tá Phạm Quang Huy đánh giá việc tăng mức phạt với các hành vi nhằm răn đe những người tham gia giao thông có ý thức kém, góp phần giảm tai nạn và xây dựng hình ảnh văn minh đô thị. “Tai nạn giao thông cướp đi nhiều nhân lực quý giá của đất nước, để lại hệ lụy cho nhiều gia đình phải chăm lo người tai nạn khuyết tật. Mỗi người tham gia giao thông chỉ cần hình thành thói quen tuân thủ các quy định thì sẽ giảm tai nạn. Hãy luôn nhớ nhà là nơi để về!”, đại tá Huy nhấn mạnh.

Đại diện Ủy ban An toàn giao thông quốc gia cũng nhìn nhận ý thức chấp hành giao thông của người dân được nâng cao rõ rệt, từ khi Nghị định 168 có hiệu lực. Việc người dân thực hiện nghiêm túc các quy định khi tham gia giao thông sẽ giảm tai nạn, giảm thương đau và góp phần phát triển KT-XH.

Quy định lái xe liên tục không quá 4 giờ

Nghị định 168 cũng quy định tài xế ô tô kinh doanh vận tải và vận tải nội bộ được lái xe trong ngày tối đa 10 giờ, lái xe liên tục không quá 4 giờ và 1 tuần không được lái xe quá 48 giờ. Nếu lái xe quá thời gian quy định hoặc không thực hiện đúng quy định về thời gian nghỉ giữa 2 lần lái xe liên tục sẽ bị phạt tiền 3 – 5 triệu đồng. Hình phạt bổ sung là trừ 2 điểm giấy phép lái xe.

Ngoài ra, chủ xe để cho tài xế của mình lái xe liên tục quá thời gian quy định cũng sẽ bị phạt 4 – 6 triệu đồng (cá nhân) và 8 – 12 triệu đồng (tổ chức). Đại tá Nguyễn Quang Nhật, Trưởng phòng hướng dẫn tuyên truyền, điều tra, giải quyết tai nạn giao thông (thuộc Cục CSGT), cho hay sau 4 tiếng lái xe liên tục, tài xế có thể nghỉ ngơi khoảng 15 phút mới được phép lái xe tiếp. Ngoài ra, dù chưa lái xe liên tục 4 tiếng nhưng nếu tài xế thấy mệt, buồn ngủ cũng cần nghỉ ngơi ngay, tuyệt đối không cố lái thêm. Điều này giúp tài xế tỉnh táo, tái tạo sức lao động, giảm thiểu rủi ro tai nạn.

Theo đại tá Nhật, thời gian tới, lực lượng chức năng sẽ tập trung kiểm soát các lái xe đường dài, sao cho họ có sự chủ động, lường trước và tính toán về thời gian nghỉ ngơi hợp lý, đúng quy định. Đại tá Nhật cho biết thêm trong các tình huống bất khả kháng, tài xế gặp kẹt xe trong thành phố hoặc điểm dừng xe nghỉ ngơi không đảm bảo, họ có thể tiếp tục hành trình để thoát khỏi khu vực đó. Khi xem xét các tình huống, CSGT sẽ tính toán thêm các yếu tố liên quan, không chỉ tập trung vào xử phạt, nhưng tài xế phải nghỉ ngơi ngay khi thoát khỏi khu vực bất khả kháng.

Trần Cường – Đình Huy

Liều thuốc chữa bệnh 'nhờn luật'- Ảnh 4.


Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *