La Nina ngắn hơn bình thường
Ngày 17.1, ông Hoàng Phúc Lâm, Phó giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, cho biết hiện nay, chuẩn sai nhiệt độ mặt nước biển khu vực xích đạo trung tâm Thái Bình Dương đang ở mức thấp hơn trung bình nhiều năm (TBNN) là âm 0,7 độ C.
Dự báo, nhiệt độ mặt nước biển trong tháng 1 sẽ còn duy trì ở mức thấp hơn TBNN từ âm 0,5 đến âm 0,7 với xác suất gần 90%. Trong 3 tháng tiếp theo (tháng 2 – tháng 4.2025), nhiệt độ mặt nước biển tăng chậm, duy trì ở mức thấp hơn TBNN dưới âm 0,5 độ C với xác suất khoảng 55 – 65%.
Sau đó, hiện tượng ENSO có khả năng trở lại trạng thái trung tính với xác suất từ 55 – 65% trong khoảng thời gian 3 tháng (tháng 3 – tháng 5.2025) và có khả năng sẽ duy trì trạng thái trung tính trong những tháng còn lại của năm 2025.
Ông Lâm đánh giá, ENSO ở trong điều kiện La Nina có thể tồn tại trong thời gian ngắn (có thể chỉ trong vài tháng đầu năm 2025, chưa đủ dài để đạt chỉ tiêu về thời gian duy trì để xác định một chu kỳ La Nina). La Nina bất thường sẽ ảnh hưởng đến thời tiết tại Việt Nam.
Cụ thể, trong điều kiện La Nina, ở khu vực Thái Bình Dương, tín phong sẽ mạnh hơn trung bình, hoạt động đối lưu sẽ suy giảm ở khu vực gần trung tâm Thái Bình Dương và gia tăng trên phần phía tây Thái Bình Dương.
Điều này sẽ khiến khu vực Đông Nam Á, đặc biệt khu vực Indonesia, trong đó gồm cả khu vực phía nam của Việt Nam mưa sẽ có xu hướng cao hơn trung bình trong những tháng đầu năm 2025 (khả năng khu vực phía nam Việt Nam xuất hiện mưa trái mùa cục bộ trong những tháng mùa khô).
Năm 2025 có khoảng 11 – 13 cơn bão
Trong năm 2025, bão trên khu vực Biển Đông có khả năng xuất hiện tương đương so với TBNN (khoảng tháng 6), số lượng bão, áp thấp nhiệt đới trên khu vực Biển Đông và ảnh hưởng đến đất liền có khả năng ở mức xấp xỉ TBNN (TBNN trên Biển Đông khoảng 11 – 13 cơn, ảnh hưởng đến đất liền khoảng 5 – 6 cơn).
Dự báo thêm về thời tiết trong năm 2025, ông Lâm cho hay, hiện tượng nắng nóng có khả năng xuất hiện tương đương so với TBNN, nắng nóng có khả năng bắt đầu xuất hiện tại khu vực Nam bộ vào khoảng nửa đầu tháng 3; khu vực Tây Bắc Bắc bộ, vùng núi phía tây bắc Trung bộ vào khoảng tháng 4 và phía đông Bắc bộ, khu vực ven biển Trung bộ từ khoảng tháng 5 trở đi.
Trong năm 2025, số đợt mưa lớn diện rộng xảy ra trên toàn quốc và ở mức xấp xỉ với trung bình nhiều năm (khoảng 20 đợt). Các đợt mưa lớn diện rộng có khả năng bắt đầu từ tháng 6 ở Bắc bộ, sau đó chuyển dần về phía nam và kết thúc vào khoảng tháng 12 ở các tỉnh Trung bộ.
Trong mùa khô đầu năm 2025, xâm nhập mặn ở đồng bằng sông Cửu Long ở mức cao hơn TBNN, từ tháng 2 – 4.2025 xâm nhập mặn tăng cao gây ảnh hưởng đến dân sinh, nông nghiệp tại các địa phương, tuy nhiên tình trạng xâm nhập mặn không nghiêm trọng như mùa khô năm 2015 – 2016 và 2019 – 2020.
Từ tháng 3 – 7.2025, tình hình khô hạn thiếu nước cục bộ ngoài vùng cấp nước của các công trình thủy lợi có khả năng xảy ra tại các tỉnh Phú Yên đến Bình Thuận, Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk.