Nam bộ bước vào mùa hạn mặn

La Nina tác động thế nào đến mùa khô ở Nam bộ?

Trong những ngày đầu năm, tại TP.HCM tiết trời tương đối dễ chịu ngoại trừ cao điểm buổi trưa và đầu giờ chiều có nắng nóng khá gay gắt, nhiệt độ cảm nhận có thể lên tới 36 – 37 độ C. Tuy nhiên, so với cùng kỳ năm ngoái mức nhiệt năm nay thấp hơn trung bình khoảng 2 – 3 độ C; thậm chí có một số ngày se lạnh về chiều tối và đêm. Có nơi ghi nhận mức nhiệt thấp nhất chỉ từ 19 – 21 độ C, cao nhất phổ biến cũng 32 – 34 độ C. Theo các chuyên gia khí tượng, mùa khô năm nay ít gay gắt hơn so với năm ngoái do các đợt không khí lạnh ở phía bắc khuếch tán sâu xuống phía nam và ảnh hưởng đến Nam bộ.

Nam bộ bước vào mùa hạn mặn- Ảnh 1.

TP.HCM và các tỉnh thành Nam bộ bước vào mùa nắng nóng và hạn mặn

Ảnh: Đào Ngọc Thạch

Ông Lê Đình Quyết, Trưởng phòng Dự báo Đài khí tượng thủy văn khu vực Nam bộ, cho biết: Đợt không khí lạnh cường độ mạnh đang tăng cường xuống phía nam, ảnh hưởng mạnh đến các tỉnh miền Bắc, Trung Trung bộ và cả các tỉnh Nam Trung bộ. Không khí lạnh ảnh hưởng cả đến các tỉnh Nam bộ khiến nền nhiệt khu vực này giảm nhẹ, đặc biệt vào đêm và sáng sớm. Cụ thể như trong ngày 7.2, nhiệt độ thấp nhất ở các tỉnh miền Đông phổ biến 18 – 22 độ C; riêng Tà Lài (Đồng Nai) chỉ 17,4 độ C. Trong những ngày tới do ảnh hưởng của không khí lạnh thời tiết tiếp tục dịu mát ngoại trừ cao điểm buổi trưa có nắng nóng cục bộ một vài nơi. Riêng tại TP.HCM, từ ngày 10 – 13.2, có khả năng xuất hiện mưa trái mùa rải rác với lượng nhỏ. “Trên toàn khu vực Nam bộ, nắng nóng ở mức xấp xỉ trung bình nhiều năm, cao điểm từ tháng 4 – 5, giá trị nhiệt độ cao nhất không vượt quá giá trị lịch sử, khô hạn không gay gắt như mùa khô các năm 2015 – 2016 và 2019 – 2020”, ông Quyết dự báo.

Th.S Lê Thị Xuân Lan, chuyên gia dự báo khí tượng thủy văn, giải thích: Đợt không khí lạnh hiện nay có cường độ rất mạnh và có thể là đợt lạnh có cường độ mạnh nhất ảnh hưởng đến nước ta trong mùa đông năm nay. Các đợt không khí lạnh có cường độ tương đối mạnh và có thể kéo dài đến cuối tháng 3. Do không khí lạnh cường độ mạnh xuất hiện thường xuyên và khuếch tán mạnh xuống phía nam nên khu vực Nam bộ năm nay nắng nóng bớt gay gắt so với cùng kỳ năm trước. Hiện tượng không khí lạnh mạnh và thường xuyên xuất hiện trong năm nay là do khí hậu đang ở pha lạnh La Nina. Hiện tượng này được dự báo sẽ kéo dài đến tháng 4 và trong tháng 5 – 6 sẽ duy trì trạng thái trung tính; nhiều khả năng sau đó sẽ chuyển sang pha nóng El Nino. La Nina khiến cho mùa khô hạn năm nay ở Nam bộ nắng nóng ít gay gắt và kéo dài như cùng kỳ năm trước. “Tuy nhiên, La Nina năm nay khá yếu và xuất hiện thời gian ngắn nên cao điểm mùa khô ở Nam bộ vào tháng 4 – 5, thời điểm cuối La Nina và bước vào trạng thái trung tính nên có thể xuất hiện một vài đợt nắng nóng gay gắt diện rộng”, bà Lan giải thích thêm.

Miền Bắc rét đậm, rét hại

Ngày 7.2, Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cho biết bộ phận không khí lạnh sẽ tiếp tục gây rét đậm, rét hại ở miền Bắc. Nhiệt độ thấp nhất trong đợt không khí lạnh này ở Bắc bộ phổ biến từ 9 – 12 độ C, vùng núi 5 – 8 độ C, vùng núi cao có nơi dưới 3 độ C. Khu vực Bắc Trung bộ phổ biến 11 – 14 độ C, ở khu vực từ Quảng Bình đến Thừa Thiên-Huế phổ biến 14 – 16 độ C. Đợt không khí lạnh này cũng gây nên hiện tượng gió mạnh và sóng lớn trên biển, gió mạnh cấp 7 – 8, giật cấp 9 – 10, nhiều khu vực sóng biển cao từ 5 – 7 m.

Đề phòng mặn xâm nhập bất ngờ

Về hạn mặn, Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cho biết những ngày giáp Tết Nguyên đán vừa qua, ranh mặn 4‰ đã xâm nhập các cửa sông với chiều sâu lên đến 40 – 55 km, ảnh hưởng đến nhiều địa phương như Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Kiên GiangCà Mau.

Th.S Lê Thị Xuân Lan giải thích: Vừa qua, ranh mặn vào sâu các nhánh sông là do triều cường đầu tháng giêng âm lịch. Trùng với đợt triều cường này là không khí lạnh mạnh khiến gió mùa đông bắc – dân gian còn gọi là gió chướng hoạt động mạnh trên biển gây sóng to gió lớn tạo điều kiện đẩy nước mặn vào sâu trong các nhánh sông, gây nên đợt xâm nhập mặn đầu năm khá gay gắt. Đợt mặn này cũng rút nhanh sau một vài ngày theo kỳ triều cường. Trong những ngày tới, lại bước vào kỳ triều cường rằm tháng giêng (giữa tháng 2.2025), dự báo gió chướng tiếp tục hoạt động mạnh đẩy nước mặn vào sâu trong các nhánh sông. Tuy nhiên, trong 2 kỳ triều cường tiếp theo khả năng sẽ còn gay gắt hơn do bước vào giai đoạn cao điểm mùa khô hạn.

“Năm nay xâm nhập mặn không quá gay gắt so với những năm trước, nhưng người dân cần hết sức cảnh giác trước các tình huống mặn có thể bất ngờ xâm nhập sâu theo các đợt triều cường vào đầu và giữa tháng theo âm lịch. Người dân cần đặc biệt lưu ý những mốc thời gian này để chuẩn bị ứng phó, tích trữ nước ngọt phục vụ tưới tiêu và sinh hoạt trước những ngày triều cường cao. Điều này đặc biệt với bà con ở vùng trồng hoa kiểng và cây trái ở Bến Tre, Tiền Giang; nhất là với bà con trồng sầu riêng vì loại cây này rất nhạy cảm với nước mặn”, bà Lan khuyến cáo.

Cảnh báo ô nhiễm không khí và cháy nổ

Cùng với điều kiện thời tiết mát mẻ, một vài ngày gần đây khi nhịp sống gần trở lại mức bình thường sau kỳ nghỉ tết có thể quan sát thấy mức độ ô nhiễm không khí cũng gia tăng trở lại. Cụ thể như sáng 7.2, bầu trời TP.HCM tái xuất hiện tình trạng sương mù hỗn hợp. Tình trạng này có thể tiếp tục lặp lại trong thời gian tới. Cùng với đó là sự chênh lệch nhiệt độ giữa ngày và đêm khá cao, phổ biến trên 10 độ C. Bên cạnh đó, dù có nhiều ngày nắng không quá gay gắt nhưng cường độ tia UV cao, ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe.

Thời gian tới, khi bước vào cao điểm mùa khô, mưa ít nên thời tiết phổ biến khô hanh. Đây là điều kiện thuận lợi phát sinh các sự cố cháy nổ, người dân cần hết sức chú ý giữ an toàn cho bản thân.

Th.S Lê Thị Xuân Lan


Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *