Theo đó, sân bay Long Thành là dự án quốc gia được thực hiện trên địa bàn tỉnh Đồng Nai. Với tiến độ thi công dự án như hiện nay, sân bay Long Thành sẽ được đưa vào khai thác cuối năm 2026.
![Phê duyệt đề án đào tạo nguồn nhân lực tại chỗ cho sân bay Long Thành- Ảnh 1. Phê duyệt đề án đào tạo nguồn nhân lực tại chỗ cho sân bay Long Thành- Ảnh 1.](https://images2.thanhnien.vn/528068263637045248/2025/2/10/lao-dong-san-bay-17391640163471578569063.jpg)
Dự kiến sân bay Long Thành đi vào vận hành vào 2026
Cục Hàng không Việt Nam dự báo nhu cầu nhân sự, lao động phục vụ tại sân bay Long Thành giai đoạn 1 là 13.769 lao động (với 5 lĩnh vực).
Ngoài ra, nhu cầu nhân lực các ngành nghề dịch vụ phục vụ ngoài sân bay Long Thành như: dịch vụ logistics, dịch vụ nhà hàng, dịch vụ khách sạn, dịch vụ du lịch, dịch vụ thương mại (tài chính – ngân hàng) và lưu thông hàng hóa, dịch vụ taxi… cũng rất lớn.
UBND tỉnh Đồng Nai nhận định, năm 2026 khi sân bay Long Thành đi vào vận hành, không chỉ mở ra bước ngoặt mới cho ngành hàng không Việt Nam mà còn là dấu mốc lịch sử quan trọng cho nền kinh tế của tỉnh Đồng Nai.
Theo UBND tỉnh Đồng Nai, tính đến cuối năm 2024, dân số trên địa bàn hơn 3 triệu người, trong đó từ 15 tuổi trở lên khoảng 1,75 triệu người. Hàng năm có khoảng 30.000 – 35.000 người tốt nghiệp THPT…, rất thuận lợi cho việc phát triển nguồn nhân lực.
![Phê duyệt đề án đào tạo nguồn nhân lực tại chỗ cho sân bay Long Thành- Ảnh 2. Phê duyệt đề án đào tạo nguồn nhân lực tại chỗ cho sân bay Long Thành- Ảnh 2.](https://images2.thanhnien.vn/528068263637045248/2025/2/10/sblt-17391640163971504431325.jpg)
Lao động tham gia xây dựng dự án sân bay Long Thành
Toàn tỉnh có 10 trường cao đẳng, 5 trường trung cấp và 5 trường đại học. Quy mô và khả năng đào tạo hàng năm từ 20.000 – 25.000 người. “Tuy nhiên, tỷ lệ lao động qua đào tạo có văn bằng chứng chỉ còn thấp (năm 2023 chỉ đạt 22,82%). Vì vậy, có khoảng 77,18% nguồn nhân lực tỉnh Đồng Nai cần phải đào tạo hoặc đặt hàng đào tạo để có cơ hội tham gia vào thị trường lao động chuyên ngành hàng không và đáp ứng được yêu cầu theo quy định của ngành hàng không”, đề án nhấn mạnh.
Mặt khác, hiện nay các trường đại học, cao đẳng, trung cấp trên địa bàn tỉnh chưa đáp ứng đủ điều kiện để mở mã nghề đào tạo các ngành nghề liên quan hàng không theo quy định của Cục Hàng không Việt Nam.
Lãnh đạo UBND tỉnh Đồng Nai nhận định: “Đây là một trong những khó khăn, thách thức đối với công tác đào tạo nhân lực tỉnh Đồng Nai phục vụ trong và ngoài sân bay Long Thành đi vào hoạt động vào cuối năm 2026, giai đoạn 2026 – 2030”.
Vì vậy việc đào tạo nhân lực tại địa phương phục vụ trong và ngoài sân bay Long Thành, đặc biệt là ưu tiên đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho người dân bị thu hồi đất thuộc dự án sân bay Long Thành trở nên cấp thiết.
Đó là lý do Đồng Nai phải nghiên cứu, xây dựng đề án đào tạo và phát triển nguồn nhân lực tại chỗ phục vụ hoạt động sân bay Long Thành giai đoạn 2024 – 2026, định hướng đến 2030.