Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cho biết, hiện nay, có một bộ phận không khí lạnh đang di chuyển xuống miền Bắc nước ta.
![Thêm đợt không khí lạnh gây nồm ẩm cho Hà Nội và miền Bắc- Ảnh 1. Thêm đợt không khí lạnh gây nồm ẩm cho Hà Nội và miền Bắc- Ảnh 1.](https://images2.thanhnien.vn/528068263637045248/2025/2/11/thoi-tiet-nom-am-16757244822531811631685-17392685370241074614210.jpg)
Không khí lạnh tăng cường, Hà Nội và các tỉnh miền Bắc nồm ẩm
Dự báo, đêm 12 và sáng 13.2, bộ phận không khí lạnh này sẽ ảnh hưởng đến khu vực Đông Bắc bộ, sau đó đến khu vực Bắc Trung bộ và một số nơi ở Tây Bắc bộ. Gió trong đất liền chuyển hướng đông bắc mạnh cấp 2 – cấp 3, vùng ven biển cấp 3.
Do ảnh hưởng của không khí lạnh tăng cường, miền Bắc và Bắc Trung bộ từ ngày 13.2 trời rét, vùng núi có nơi rét đậm, rét hại. Nhiệt độ thấp nhất trong đợt không khí lạnh này phổ biến từ 14 – 17 độ C, vùng núi 11 – 13 độ C, vùng núi cao có nơi dưới 10 độ C; Bắc Trung bộ phổ biến 16 – 18 độ C.
Khu vực Hà Nội từ ngày 13.2 trời rét. Nhiệt độ thấp nhất trong đợt không khí lạnh này phổ biến 15 – 17 độ C, mức nhiệt này sẽ duy trì trong khoảng 1 tuần.
Cơ quan khí tượng cảnh báo, do ảnh hưởng của không khí lạnh kết hợp với dòng xiết trong đới gió tây trên cao nên từ đêm 12 – 13.2, Đông Bắc bộ và Bắc Trung bộ có mưa, mưa nhỏ.
Từ gần sáng 13.2, ở vịnh Bắc bộ, gió chuyển hướng đông bắc mạnh cấp 5, có lúc cấp 6, giật cấp 7 – cấp 8, biển động, sóng biển cao 1,5 – 2,5 m; khu vực bắc Biển Đông (bao gồm vùng biển quần đảo Hoàng Sa) gió đông bắc mạnh dần lên cấp 6, giật cấp 7 – cấp 8, biển động, sóng cao 2 – 4 m.
Từ ngày 11.2 – 10.3, không khí lạnh tiếp tục tác động đến thời tiết nước ta. Tuy nhiên, do trung tâm áp cao lạnh lục địa có xu hướng lệch ra phía đông nên có thể gây ra nhiều ngày mưa nhỏ, mưa phùn và sương mù.
Nhiệt độ trung bình trên cả nước trong giai đoạn này phổ biến ở mức xấp xỉ so với trung bình nhiều năm, Tây Bắc bộ cao hơn từ 0,5 – 1 độ C so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ.