Trên thực tế, các chuyên gia dự đoán rằng đất nước này sẽ chứng kiến giá cả mọi mặt hàng, từ quần áo đến đồ điện tử, tăng mạnh. Và nếu iPhone được sản xuất hoàn toàn tại Mỹ, giá cũng sẽ tăng lên 3.500 USD.

iPhone có sản xuất tại Mỹ cũng không có giá rẻ
Kịch bản này đã được một trong những giám đốc của công ty tài chính Wedbush Securities, Dan Ives, dự đoán. Việc tăng giá iPhone hơn gấp ba lần, vốn đã có giá khoảng 1.000 USD, xuất phát từ nhu cầu tái tạo hệ sinh thái sản xuất phức tạp đã phát triển ở châu Á tại Mỹ. Để chuyển 10% chuỗi cung ứng của mình sang Mỹ, Apple sẽ phải chi khoảng 30 tỉ USD và mất ba năm.
Apple ‘chạy thuế’, chở 600 tấn iPhone từ Ấn Độ sang Mỹ
Nhiều yếu tố khiến giá iPhone sản xuất tại Mỹ tăng chóng mặt
Hoạt động sản xuất và lắp ráp linh kiện smartphone đã chuyển sang châu Á từ nhiều thập kỷ trước, trong khi các công ty Mỹ chuyển sang thiết kế sản phẩm và phát triển phần mềm vì họ có lợi nhuận cao hơn. Kết quả là, Apple đã trở thành một trong những công ty có giá trị nhất thế giới và chiếm vị trí thống lĩnh trên thị trường smartphone. Nhưng kể từ khi ông Donald Trump nhậm chức, cổ phiếu của Apple đã mất khoảng 25% giá trị vì các nhà đầu tư lo ngại về việc thuế quan của tổng thống Mỹ sẽ ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng của Apple, vốn phụ thuộc nhiều vào Trung Quốc và Đài Loan.
Các chip cung cấp sức mạnh cho iPhone chủ yếu được sản xuất tại Đài Loan, tấm nền màn hình được cung cấp bởi các công ty Hàn Quốc và nhiều linh kiện khác được sản xuất tại Trung Quốc, nơi lắp ráp 90% iPhone. Vào tháng 2, Apple đã cam kết đầu tư 500 tỉ USD vào ngành sản xuất tại Mỹ trong 4 năm tới, một phần trong chiến lược mở rộng sản xuất ra bên ngoài Trung Quốc để tránh tác động của thuế quan.
Hiện nay, các nhà phân tích công nghệ đều đồng ý rằng iPhone sẽ trở nên đắt hơn ngay cả khi không có gì thay đổi trong chuỗi cung ứng, với giá tăng ở mức từ 30% đến 43%, tùy thuộc vào địa điểm sản xuất. Trước đó, Apple đã bắt đầu thực hiện đa dạng hóa sản xuất iPhone và chuyển hoạt động này sang Ấn Độ và Brazil, nơi chỉ nhận mức thuế tương ứng là 26% và 10%. Tuy nhiên, năng lực của Brazil có lẽ là không đủ để lấp đầy khoảng trống mà Trung Quốc để lại.