Trong khuôn khổ Chương trình Gặp gỡ hữu nghị thanh niên Việt Nam – Trung Quốc lần thứ 24 năm 2025, sáng 16.4, tại TP.HCM, T.Ư Đoàn tổ chức Hội thảo công tác Việt – Trung với chủ đề “Đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Đoàn và các tổ chức thanh thiếu nhi trong tình hình mới”.
Chủ trì hội thảo có anh Bùi Quang Huy, Ủy viên dự khuyết T.Ư Đảng, Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và anh A Đông, Bí thư thứ nhất Ban Bí thư T.Ư Đoàn TNCS Trung Quốc.
Đổi mới hoạt động của tổ chức Đoàn
Phát biểu đề dẫn hội thảo, anh Bùi Quang Huy cho biết ngay từ thời điểm khai mạc Chương trình Gặp gỡ hữu nghị thanh niên Việt – Trung lần thứ 24, chúng ta đã xác lập việc chia sẻ những giải pháp tăng cường, đổi mới sáng tạo công tác tuyên truyền, giáo dục thế hệ trẻ hai nước là một trong những mục tiêu trọng tâm của chương trình giao lưu. Sau nhiều hoạt động ý nghĩa về văn hóa, nghiệp vụ công tác thanh niên trong những ngày giao lưu gặp gỡ hữu nghị vừa qua, hội thảo tiếp tục thảo luận, phân tích những vấn đề về giải pháp đổi mới hoạt động của tổ chức Đoàn.
“Tôi cho rằng đây là một nội dung có giá trị quan trọng, không chỉ góp phần làm sâu sắc hơn nữa quan hệ hữu nghị truyền thống giữa hai nước, mà còn là cơ hội để Đoàn TNCS hai nước Việt Nam và Trung Quốc cùng chia sẻ, học tập kinh nghiệm, tìm kiếm các giải pháp mới nhằm phát huy hiệu quả hoạt động của tổ chức Đoàn của hai nước”, anh Bùi Quang Huy cho biết.

Anh Bùi Quang Huy, Ủy viên dự khuyết T.Ư Đảng, Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, và đại biểu thanh niên Việt Nam tại buổi hội thảo
Đồng thời anh Bùi Quang Huy nhìn nhận: “Chúng tôi thấy rằng trong thời gian qua, Đoàn TNCS Trung Quốc đã triển khai nhiều mô hình hiệu quả, sáng tạo trong việc đổi mới, ứng dụng công nghệ giúp nâng cao chất lượng hoạt động của Đoàn và tạo môi trường thuận lợi cho thanh niên phát triển. Đây là những kinh nghiệm quý báu mà chúng tôi cần tham khảo và áp dụng phù hợp với điều kiện thực tế tại Việt Nam”.
Phát biểu tại hội thảo, anh A Đông giới thiệu vài nét về một số cách làm của Đoàn TNCS Trung Quốc trong đổi mới nội dung, phương thức hoạt động trong tình hình mới. Trong đó, Đoàn TNCS Trung Quốc đã tổ chức các lớp Đoàn trên không gian mạng với tên là “Thanh niên cùng học tập”, thu hút hàng triệu đoàn viên, thanh niên tham gia. Đồng thời, tổ chức các cuộc thi sáng tạo khoa học công nghệ và nhiều thanh niên đã tích cực tham gia. Ngoài ra, Đoàn TNCS Trung Quốc phát huy vai trò cầu nối để đổi mới cách làm, giúp đỡ thanh niên giải quyết các vấn đề cấp bách, khó khăn cũng như những mong đợi của người trẻ.
Anh A Đông cũng cho biết Đoàn TNCS Trung Quốc rất quan tâm đến vấn đề việc làm của người trẻ, đặc biệt là sinh viên, thanh niên ở nông thôn còn khó khăn. Cũng đó, quan tâm về vấn đề sức khỏe tâm thần của giới trẻ thông qua việc cung cấp các giải pháp tư vấn… Mặt khác, anh A Đông mong muốn trong thời gian tới sẽ phối hợp với Đoàn TNCS Hồ Chí Minh thực hiện tốt việc tổ chức hành trình đỏ nghiên cứu lịch sử cách mạng của hai nước, đây cũng là thực hiện nhận thức chung quan trọng của Tổng Bí thư hai Đảng.

Anh A Đông, Bí thư thứ nhất Ban Bí thư T.Ư Đoàn TNCS Trung Quốc, và đại biểu thanh niên Trung Quốc tại buổi hội thảo
Nhiều giải pháp chuyển đổi số trong công tác Đoàn
Trình bày tham luận tại hội thảo, chị Trần Thị Thu Hà, Phó bí thư Thành đoàn, Chủ tịch Hội Sinh viên Việt Nam TP.HCM, cho biết trong bối cảnh hiện nay, tổ chức Đoàn – Hội – Đội TP.HCM nhận thức rằng ứng dụng công nghệ không còn là một sự lựa chọn mà đó là điều kiện để tồn tại và phát triển, là xu hướng tất yếu.
Chị Thu Hà chia sẻ kinh nghiệm về 4 nhóm giải pháp chuyển đổi số mà Thành đoàn TP.HCM thực hiện trong thời gian qua. Đầu tiên là xây dựng hệ sinh thái truyền thông số, học tập số và đẩy mạnh sáng tạo nội dung số. Đặc biệt từ năm 2022, Thành đoàn cho ra mắt và đưa vào sử dụng hệ thống ứng dụng “Tuổi trẻ thành phố Bác” với chức năng vừa là kênh thông tin hoạt động, vừa là mạng xã hội, vừa là công cụ quản lý, điều hành hoạt động và lưu trữ dữ liệu, mục tiêu hình thành “Cổng dữ liệu mở về thanh niên TP.HCM”…
Nhóm giải pháp thứ hai là ứng dụng công nghệ số, đổi mới phương thức tổ chức hoạt động phong trào, từng bước đưa không gian mạng trở thành không gian hoạt động phong trào thực thụ.
“Đến nay, gần như 100% hoạt động phong trào được lan tỏa trên mạng xã hội, ứng dụng công nghệ số ở nhiều mức độ khác nhau trong công tác tổ chức. Bên cạnh đó, số lượng hoạt động được tổ chức dành cho thanh thiếu nhi cũng tăng trên 30% nhờ sự thuận tiện, tiết kiệm trong tổ chức”, chị Thu Hà chia sẻ.
Giải pháp thứ ba là ứng dụng công nghệ số trong đổi mới phương thức quản lý, chỉ đạo, điều hành của tổ chức giúp việc điều hành nhanh chóng và khoa học, đồng bộ, tiết kiệm chi phí, hình thành được hệ dữ liệu phục vụ cho công tác chỉ đạo. Và nhóm giải pháp cuối cùng chị Thu Hà nhắc đến là khơi dậy tinh thần làm chủ công nghệ trong thanh niên bằng cách tập trung việc đào tạo, trang bị kiến thức và kỹ năng số cho thanh thiếu nhi…
Trong kỷ nguyên mới, chị Thu Hà cho biết bên cạnh việc duy trì tính liên tục và tăng tính thích ứng, đổi mới của các giải pháp đã triển khai, Thành đoàn TP.HCM xác định cần tập trung hoàn thiện hạ tầng số, trong đó tập trung hoàn thiện và phát triển các ứng dụng phục vụ việc quản lý và điều hành của tổ chức theo hướng ứng dụng công nghệ mới, trí tuệ nhân tạo (AI)… Đầu tư cho nguồn nhân lực, đào tạo, bồi dưỡng, trang bị kỹ năng số cho đội ngũ cán bộ Đoàn – Hội – Đội và thanh niên…

Thanh niên hai nước Việt Nam – Trung Quốc tại buổi hội thảo
Sau khi nghe những chia sẻ kinh nghiệm về chuyển đổi số trong hoạt động Đoàn của Thành đoàn TP.HCM, đại diện đoàn đại biểu thanh niên Trung Quốc cho biết Đoàn TNCS Trung Quốc thời gian qua rất quan tâm và chú trọng sử dụng các công nghệ mới như AI, sử dụng AI để thực hiện các sản phẩm tuyên truyền… Đồng thời khai thác hiệu quả không gian mạng xã hội trong việc tuyên truyền, tập hợp thanh niên và tổ chức các hoạt động.
Chia sẻ về những giải pháp nâng cao hiệu quả tổ chức các chương trình giao lưu quốc tế, tăng cường tình hữu nghị, hiểu biết lẫn nhau giữa thanh niên Việt Nam và các nước, đặc biệt là thanh niên Trung Quốc, chị Trần Hoài Minh, Ủy viên Ban Chấp hành, Phó trưởng ban Mặt trận Thanh niên T.Ư Đoàn, cho biết đầu tiên là các hoạt động giao lưu cần được định hướng đi vào chiều sâu, gắn với những nội dung thiết thực và phù hợp với bối cảnh phát triển hiện nay như đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp, phát triển xanh, chuyển đổi số, bảo vệ môi trường hay văn hóa số. Bên cạnh đó, hình thức tổ chức các chương trình cũng cần được đa dạng hóa.
Theo chị Hoài Minh, công tác lựa chọn, đào tạo và sử dụng đại biểu tham gia các chương trình giao lưu cần được đặc biệt chú trọng. Mỗi đại biểu cần được xem như một “đại sứ nhân dân”, người truyền tải hình ảnh đất nước, con người Việt Nam tới bạn bè quốc tế. Bên cạnh đó, giải pháp ứng dụng công nghệ hiện đại vào quá trình tổ chức và duy trì giao lưu cũng là một yếu tố cần được đầu tư. Xây dựng nền tảng trực tuyến chung cho thanh niên các nước, nơi lưu trữ thông tin, hình ảnh, video, bài viết và sáng kiến, sẽ là “ngôi nhà số” cho cộng đồng thanh niên các nước tiếp tục trao đổi, hợp tác…
Quy luật sống còn trong tình hình mới
Kết lại hội thảo, anh Bùi Quang Huy nhận định các tham luận, ý kiến đều khẳng định sâu sắc về tính cần thiết, giá trị của việc không ngừng đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Đoàn và các tổ chức thanh thiếu nhi trong tình hình mới.
“Trong bối cảnh hiện nay, khi thế giới đang bước vào một thời kỳ phát triển đột phá chưa từng có về công nghệ và khoa học kỹ thuật, đổi mới và sáng tạo thì việc đổi mới phương thức hoạt động của Đoàn phù hợp với tình hình mới là quy luật sống còn và là yêu cầu quan trọng của Đoàn TNCS hai nước. Nếu không đổi mới thì chúng ta sẽ tụt hậu, như vậy đoàn viên của chúng ta cũng sẽ tụt hậu, không định vị được bản thân trong xã hội hiện đại. Quan trọng hơn, nếu không đổi mới thì tổ chức Đoàn sẽ không thực hiện được vai trò, sứ mệnh của mình trong việc tham gia phát triển đất nước thịnh vượng, bền vững”, anh Bùi Quang Huy chia sẻ.
Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn TNCS Hồ Chí Minh khẳng định mục tiêu của quá trình đổi mới không chỉ dừng lại ở hình thức, mà cần mang tính toàn diện về tư duy tổ chức, phương pháp tiếp cận thanh niên. Trong đó hướng đến một số khía cạnh: đổi mới để Đoàn luôn đồng hành với thanh niên, đáp ứng kịp thời nguyện vọng và nhu cầu chính đáng của tuổi trẻ; đổi mới để mỗi phong trào, chương trình của Đoàn thực sự trở thành môi trường rèn luyện bổ ích, khơi dậy tinh thần cống hiến và lý tưởng đẹp trong thanh niên; và quan trọng nhất, đổi mới để Đoàn thanh niên tiếp tục khẳng định vai trò đội quân xung kích cách mạng, là cánh tay đắc lực của Đảng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Đồng thời, anh Bùi Quang Huy nhấn mạnh: “Muốn thực hiện được sứ mệnh không ngừng đổi mới phương thức, nội dung hoạt động, đòi hỏi hệ thống Đoàn cần giữ vững ý chí, sự kiên trì. Mỗi cán bộ Đoàn cần xác lập việc học tập suốt đời, không ngừng sáng tạo là nhiệm vụ cách mạng với thái độ nghiêm túc và ý thức tự giác cao. Bên cạnh đó, việc trao đổi, chia sẻ những thông tin dự báo và bài học kinh nghiệm luôn có giá trị rất lớn để quá trình đổi mới, sáng tạo diễn ra thuận lợi, hiệu quả hơn”.