Như một “concert quốc gia” về lòng yêu nước và tự hào dân tộc

Những ngày tháng Tư, cả nước rộn ràng kỷ niệm 50 năm Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước – dấu mốc lịch sử thiêng liêng, in đậm trong tâm trí mỗi người dân Việt.

Sự kiện vừa là dịp nhìn lại chặng đường hào hùng của dân tộc, vừa là nguồn cảm hứng cho nhiều chương trình nghệ thuật, đặc biệt là những bài hát cách mạng vang khắp mọi miền, từ con đường nhỏ đến sân khấu lớn, từ sóng phát thanh truyền hình đến các nền tảng mạng xã hội.

Âm nhạc Việt Nam nhân 50 năm Thống nhất đất nước: Như một "concert quốc gia" về lòng yêu nước và tự hào dân tộc - Ảnh 1.

Nghệ sĩ Đỗ Tố Hoa biểu diễn tác phẩm “Biết ơn chị Võ Thị Sáu” trong Chương trình nghệ thuật đặc biệt giao hưởng thính phòng “Bài ca thống nhất” tối 21/4/2025, tại Nhà hát Quân đội khu vực phía Nam, Thành phố Hồ Chí Minh

Chuỗi hoạt động âm nhạc và nghệ thuật dịp này đã tạo nên một “concert quốc gia” – không gian thiêng liêng, nơi tinh thần yêu nước và lòng tự hào dân tộc được thăng hoa, kết nối mọi thế hệ, mọi tầng lớp xã hội. Đó là giai điệu, ca từ cùng những câu chuyện, ký ức sống động về thời kỳ đấu tranh gian khổ, kiên cường của lớp lớp thế hệ cha ông.

Âm nhạc cách mạng trong dịp kỷ niệm không đơn giản là những bài hát cũ được phát lại mà còn là sự hòa quyện giữa truyền thống và hiện đại, giữa quá khứ hào hùng và khát vọng tương lai. Các ca khúc quen thuộc như Tiến Quân Ca, Như có Bác Hồ trong ngày đại thắng, Bài ca thống nhất, Giải phóng miền Nam, Tiến về Sài Gòn, Mùa xuân trên thành phố Hồ Chí Minh… được phối khí mới, hòa âm tinh tế, tạo sức sống mới, dễ dàng chạm đến trái tim cả những người trẻ chưa từng trải qua chiến tranh, thậm chí còn lay động rất nhiều du khách quốc tế khi đến Việt Nam vào dịp này.

Âm nhạc Việt Nam nhân 50 năm Thống nhất đất nước: Như một "concert quốc gia" về lòng yêu nước và tự hào dân tộc - Ảnh 2.

Anh Tú cùng NSND Tự Long thể hiện bản mashup”Mẹ yêu con” – “Tự nguyện” trong chương trình Hẹn Ước Bắc Nam diễn ra tối ngày 22/4 tại Sân vận động Mỹ Đình, Hà Nội

Nhiều bài hát cách mạng tạo sức hút lớn trên các nền tảng số, đạt hàng trăm triệu lượt xem, thậm chí hàng tỉ lượt nghe, góp phần lan tỏa tinh thần yêu nước. Ví dụ, Như có Bác Hồ trong ngày đại thắng phiên bản phối khí hiện đại thu hút hơn 200 triệu lượt xem trên YouTube, trở thành một trong những bài hát cách mạng được yêu thích nhất năm. Bài ca thống nhất cũng ghi nhận hàng trăm triệu lượt nghe trên các ứng dụng nhạc số, được nhiều thế hệ hát vang trong các sự kiện lớn nhỏ. Các bản hòa tấu, mashup các ca khúc cách mạng cũng được giới trẻ sáng tạo và chia sẻ rộng rãi, tạo nên không khí âm nhạc sôi động, đầy cảm xúc.

Viết tiếp câu chuyện hòa bình do nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung sáng tác và ca sĩ Nguyễn Duyên Quỳnh thể hiện

Đáng chú ý, ca khúc Viết tiếp câu chuyện hòa bình do nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung sáng tác và ca sĩ Nguyễn Duyên Quỳnh thể hiện đã trở thành hiện tượng âm nhạc lan tỏa mạnh mẽ trong dịp kỷ niệm. Bài hát đạt hơn 1 tỷ lượt xem tổng cộng trên các nền tảng mạng xã hội như YouTube, TikTok, Facebook và Instagram, trở thành giai điệu truyền cảm hứng sâu sắc trong cộng đồng. Trên YouTube, ca khúc có hơn 2,8 triệu lượt nghe, đồng thời trên YouTube Music ghi nhận hơn 3,2 triệu lượt streams. Phiên bản remix hiện đại giúp ca khúc dễ dàng hòa nhập với xu hướng âm nhạc số, thu hút đông đảo giới trẻ.

Các chương trình nghệ thuật lớn với sự tham gia của nhiều nghệ sĩ tên tuổi, dàn dựng công phu, đã biến những bài hát cách mạng thành bản hùng ca sống động, đầy cảm xúc, khiến người xem rưng rưng, tự hào. Âm nhạc trở thành cầu nối giữa các thế hệ, nhắc nhở về giá trị hòa bình, độc lập và đoàn kết.

Âm nhạc Việt Nam nhân 50 năm Thống nhất đất nước: Như một "concert quốc gia" về lòng yêu nước và tự hào dân tộc - Ảnh 5.

Một tiết mục trong chương trình nghệ thuật “Rạng rỡ non sông Việt Nam” diễn ra sáng ngày 30/4 tại TP.HCM. Ảnh: TTXVN

Sức lan tỏa rộng khắp của các bài hát cách mạng trên các nền tảng số – YouTube, Facebook, TikTok, các ứng dụng nghe nhạc trực tuyến – tạo nên một hiện tượng văn hóa. Video ca nhạc, chương trình biểu diễn trực tiếp được chia sẻ hàng triệu lượt xem, bình luận, lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng mạng. Người trẻ không chỉ nghe mà còn hát theo, cover, sáng tạo lại, biến âm nhạc cách mạng thành phần của đời sống hiện đại. Sự lan tỏa này góp phần giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống, đồng thời giáo dục lòng yêu nước, ý thức trách nhiệm với lịch sử cho thế hệ trẻ – chủ nhân tương lai của đất nước.

Âm nhạc Việt Nam nhân 50 năm Thống nhất đất nước: Như một "concert quốc gia" về lòng yêu nước và tự hào dân tộc - Ảnh 6.

Du khách quốc tế cùng thưởng thức chương trình nghệ thuật Kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/2025) tối 29/4/2025 tại sân khấu phía trước tượng đài Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh, khu vực đền Bà Kiệu (Hoàn Kiếm, Hà Nội)

Hơn cả chuỗi chương trình nghệ thuật, “concert quốc gia” nhân dịp 50 năm giải phóng miền Nam là biểu tượng sống động của tinh thần đại đoàn kết dân tộc. Tinh thần ấy thể hiện qua sự đồng lòng của toàn dân, sự chung tay của nghệ sĩ, nhà tổ chức, cơ quan truyền thông và cộng đồng mạng. Mỗi bài hát, mỗi tiết mục là lời tri ân sâu sắc đến những người đã hy sinh, cống hiến cho độc lập, tự do của Tổ quốc.

Những giai điệu ấy vang lên trong lễ kỷ niệm chính thức và len lỏi vào từng ngõ phố, mái nhà, trái tim người dân. Đó là minh chứng cho sức sống bền bỉ của lịch sử, tinh thần yêu nước và khát vọng hòa bình, phát triển. Và không quá lời khi nói rằng, những ca khúc ấy như ngọn lửa thiêng, thắp sáng tâm hồn mỗi người Việt, để tinh thần yêu nước, đại đoàn kết dân tộc luôn cháy bùng trong tim mỗi chúng ta, hôm nay và mãi về sau…

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *