Tính đến thời điểm này khi năm 2024 chỉ còn 1 tháng và ASEAN Cup 2024 thì vắt sang năm 2025, bóng đá Việt Nam đã có một năm khó nói là thành công, với vỏn vẹn 2 thành tích quốc tế đáng chú ý là U17 giành vé dự VCK châu Á và futsal nữ vô địch Đông Nam Á. Trong bối cảnh ấy, ASEAN Cup 2024 bỗng trở nên quan trọng.
1. Hội nghị Ban chấp hành VFF vừa kết thúc đã nhấn mạnh mục tiêu vô địch ASEAN Cup 2024. Pha “hạ quyết tâm” này không chỉ vì thành tích trước mắt nhằm giữ cho con tàu bóng đá Việt không lạc lối, mà thậm chí còn là được xem là khởi đầu cho mục tiêu vươn tầm châu Á, xa hơn là dự World Cup theo Chiến lược phát triển thể thao 2030-2045.
Bóng đá Việt Nam chưa từng ở trong hoàn cảnh như lúc này. Thực tế là trước đây, chúng ta có nhiều giai đoạn khủng hoảng, còn “xuống” thấp hơn bây giờ, tiêu biểu là các năm 2011-2013 với sự sa sút toàn diện trên mọi cấp độ. Nhưng khi đó, có câu nói khá quen thuộc, đó là “bỏ hết làm lại”.
Giờ thì không có đường lùi. Bóng đá Việt Nam đã đạt đến những cột mốc quá cao. Chúng ta đã dự World Cup trẻ thế giới, futsal nam (2 kỳ) và bóng đá nữ. Đội tuyển nam đã vào chung kết 2 trong 3 kỳ AFF Cup gần nhất, trong đó có 1 lần vô địch. Chúng ta đã đi đến tứ kết Asian Cup và lần đầu tiên vào đến vòng loại thứ 3 World Cup khu vực châu Á.
Chúng ta đã mở ra nhiều cánh cửa lớn, việc duy nhất phải làm, đó là phải bước tới. Những thành tựu ấy đã giúp cho VFF nhận được nguồn hỗ trợ tài chính chưa từng có từ các doanh nghiệp, còn ở V-League, công việc kinh doanh của Công ty VPF đều có mức tăng 100%-200% về doanh thu. Quan trọng hơn cả, đó là niềm tin của người hâm mộ, những người đang nói về “Giấc mơ World Cup” như điều gì đó trước sau gì cũng sẽ đến.
Trên tiến trình ấy, thành – bại ở ASEAN Cup 2024 trở nên rất quan trọng. Từ năm 2016 đến nay, đội tuyển Việt Nam đều có mặt ở vòng 4 đội mạnh nhất. Tuy nhiên, lịch sử cũng ghi nhận, mỗi khi đội tuyển Việt Nam bị loại ngay từ vòng bảng AFF Cup (2004, 2012) đều là khởi nguồn cho một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng ở làng cầu nội địa. Đó là điều không thể tái diễn ở thời điểm này, nhất là sau khi trong Chiến lược phát triển TDTT mà Chính phủ đã phê duyệt đã đặt ra mục tiêu vào Top 10 châu Á, dự World Cup trong 2 thập niên tới.
2. Những áp lực thành công tại ASEAN Cup 2024 có lẽ cũng là lý do để VFF đăng ký cho tiền đạo vừa được nhập tịch Nguyễn Xuân Son và nhiều khả năng chân sút của Nam Định sẽ là cầu thủ nhập tịch đầu tiên thi đấu chính thức cho đội tuyển Việt Nam tại 1 giải đấu quốc tế chính thức – ASEAN Cup.
Đây không phải là điều mới mẻ trong thế giới bóng đá, nhưng với bóng đá Việt Nam, có thể xem là một chọn lựa hoàn toàn mới. Thế nhưng, dù chưa biết FIFA sẽ thông qua trường hợp của Xuân Son kịp trước ASEAN Cup 2024 hay không, nhưng rõ ràng đây chỉ là giải pháp mang tính thời điểm và hướng đến thành tích nhất thời, bởi cho dù việc sử dụng cầu thủ nhập tịch dù không hiếm nhưng cũng không hoàn toàn phổ biến.
Không có bất kỳ đội tuyển quốc gia nào trên thế giới có thể phát triển bằng nguồn nhân lực “nhập khẩu 100%”. Càng sử dụng nhiều cầu thủ nhập tịch trên đội tuyển quốc gia càng chỉ là thừa nhận sự thất bại trong việc phát triển nền bóng đá nội địa.
Với bóng đá Việt Nam, ngay cả trường hợp Xuân Son xuất hiện tại ASEAN Cup 2024 hoặc không kịp để ra sân, thì câu hỏi giống nhau: Sau đó là gì? Chúng ta tiếp tục theo đuổi chính sách nhập tịch để hy vọng cải thiện đẳng cấp của đội tuyển hay tập trung cho việc xây dựng lại chất lượng con người và tìm kiếm một lối chơi phù hợp để có thể vươn xa. Bởi nói cho cùng, việc sử dụng cầu thủ nhập tịch chỉ để tìm kiếm danh hiệu ở ASEAN Cup, kể cả khi chúng ta vô địch nhờ các bàn thắng của Xuân Son, thì cũng chẳng chứng minh được gì về tiềm lực của nền bóng đá.
3. Công bằng mà nói, một chiến thắng ở ASEAN Cup tại thời điểm này, chắc chắn có tác động tích cực đến con đường phía trước của bóng đá Việt Nam. VFF đang làm những việc có thể nhằm đạt được mục tiêu này. Điều đó đáng ghi nhận.
Nhưng việc chúng ta đang dồn toàn lực để thắng giải đấu khu vực này, bao gồm cả quyết định đăng ký một cầu thủ nhập tịch, để lại dấu hỏi lớn: Đâu là con đường để vươn tầm châu Á, xa hơn là dự World Cup?
Thái Lan không vì ASEAN Cup mà hoãn các giải đấu nội địa của mình. Indonesia mạo hiểm đưa đội bóng có độ tuổi U21 dự giải. Singapore quyết định giảm giá vé đến mức thấp nhất có thể tất cả các trận đấu trên sân nhà của họ chỉ để hi vọng khán giả đến sân đông đảo.
Nhìn nhận một cách khách quan, ASEAN Cup mặc dù là giải đấu số 1 khu vực nhưng giá trị đem lại cho các làng cầu Đông Nam Á không nhiều. Nói đơn giản, là có vô địch hay không cũng không dùng để làm thước đo về đẳng cấp so với châu lục.
Singapore từng 4 lần nhưng vị thế của họ tại châu Á gần như không thay đổi và lần cuối cùng họ đăng quang đã hơn một thập niên. Thái Lan có đến 7 danh hiệu, nhưng họ hiện vẫn phải tìm vé dự Asian Cup 2027 thông qua vòng loại như Việt Nam. Còn với Indonesia, có thể là vì chưa từng vô địch nên… quen, hoặc cũng có thể nhìn thấy bài học của Singapore và Thái Lan để điều chỉnh chiến lược bằng cách tập trung cho các mục tiêu tầm cao.
Với bóng đá Việt Nam, có một điều chắc chắn: ASEAN Cup vẫn đang quá quan trọng trong thời điểm hiện nay. Nói như tờ Bola của Indonesia thì Việt Nam “nghiêm túc nhất”. Việc tập trung cho ASEAN Cup cho thấy chúng ta đang có quá ít sự chọn lựa trong việc tìm đường tiến lên phía trước. Nói cách khác, phải “giải quyết” xong ASEAN Cup rồi mới… tính tiếp được.
Vấn đề là, thành công thì chẳng nói làm gì, nhưng nếu chẳng may đội bóng của HLV Kim Sang Sik thất bại thì sao?
Báo Thể thao và Văn hóa (Thông tấn xã Việt Nam) xây dựng, triển khai tuyến thông tin và truyền thông giải pháp chuyên đề “THỂ THAO VIỆT NAM VÀ THÁCH THỨC TOP 50 OLYMPIC” trên tất cả các ấn phẩm của tòa soạn, bao gồm báo giấy, báo điện tử và truyền hình, cũng như trên các sản phẩm thông tin mạng xã hội nhằm tạo ra thêm cầu nối giữa các tổ chức, cá nhân với thể thao góp phần vào sự phát triển bền vững hơn cho thể thao nước nhà thông qua việc nâng cao thành tích trên đấu trường quốc tế và vị thế trên mặt bằng xã hội.
Hình thức thông tin cũng được triển khai đa dạng, từ các bài, phóng sự nghiên cứu, phân tích chuyên sâu, ý kiến các chuyên gia thể thao, chuyên gia quản lý, kinh tế, doanh nghiệp… Bên cạnh đó là các bài học kinh nghiệm từ thể thao trong nước đến nước ngoài do chính phóng viên các cơ quan thường trú của Thông tấn xã Việt Nam thể hiện.
Song song trong quá trình triển khai thông tin báo chí, phối hợp cùng ngành thể thao, cũng như các bộ ngành, địa phương liên quan và doanh nghiệp tổ chức các buổi Hội thảo, trao đổi trực tiếp để mổ xẻ, tìm kiếm giải pháp hiệu quả.