Tháng 10.2022 khi ông Nguyễn Văn Thắng ngồi vào “ghế nóng” Bộ trưởng GTVT thay ông Nguyễn Văn Thể, ngành giao thông đang ngổn ngang với rất nhiều siêu dự án từ cao tốc Bắc – Nam, sân bay Long Thành…
Áp lực là rất lớn khi Đảng, Quốc hội, Chính phủ đặt mục tiêu phải hoàn thành 3.000 km cao tốc vào cuối 2025 và đưa sân bay Long Thành vào khai thác đầu 2026, trong khi nhiều hạng mục đang chậm tiến độ.
Trong 2 năm qua, có những dấu ấn đã được ghi nhận như lần đầu tiên trong lịch sử, khởi công đồng loạt 12 dự án thành phần cao tốc Bắc – Nam phía đông giai đoạn 2021 – 2025.
Các dự án được khởi công khi tỷ lệ giải phóng mặt bằng được bàn giao đạt tới 70% chỉ trong 1 năm (thay vì mất 3 – 4 năm so với các dự án trước).
Năm 2023, Bộ GTVT cũng xác lập kỷ lục về giải ngân vốn đầu tư công khi được giao 114.000 tỉ đồng.
Bộ GTVT cũng đã hoàn thành các bước nghiên cứu đầu tư xây dựng dự án đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam, được Bộ Chính trị thông qua, để trình Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư.
“Nước rút” 3.000 km cao tốc
Chỉ còn hơn 1 năm để ngành GTVT hoàn thành 3.000 km cao tốc, tương ứng với gần 1.000 km phải đưa vào vận hành trong năm tới.
Theo báo cáo mới nhất của Bộ GTVT, 7 dự án thành phần cao tốc Bắc – Nam phía đông giai đoạn 2021 – 2025 có thể hoàn thành tuyến chính đúng dịp 30.4.2025, vượt tiến độ yêu cầu từ 3 đến 6 tháng.
Tuy nhiên, dự án Chí Thạnh – Vân Phong (đoạn qua Phú Yên, Khánh Hòa) mới đạt khoảng 46% giá trị hợp đồng. Trong đó, hạng mục hầm đường bộ Tuy An dài hơn 1 km gặp địa chất yếu, đá phong hóa, cát chảy nhiều, khác hoàn toàn khảo sát thiết kế ban đầu, nhà thầu bị phát sinh chi phí xử lý và kéo dài thời gian thi công.
Đặc biệt, dự án Cần Thơ – Cà Mau đạt khối lượng khoảng 40%, do thiếu vật liệu, chậm giải phóng mặt bằng. Trong khi đó, nguồn vật liệu cho các dự án phía nam là thách thức rất lớn với Bộ trưởng GTVT.
2 năm chuẩn bị đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam
Bài toán lớn nhất với Bộ trưởng Trần Hồng Minh chính là dự án đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam. Nếu Quốc hội bấm nút thông qua vào 30.11, Bộ GTVT sẽ chỉ có 2 năm chuẩn bị đầu tư dự án, trong khi lượng công việc là khổng lồ.
Chủ đầu tư dự án là Bộ GTVT sẽ phải hoàn thành báo cáo khả thi (F/S) dự án, làm rõ hàng loạt vấn đề như vốn, công nghệ đến lựa chọn nhà đầu tư.
Chính phủ dự kiến thực hiện dự án từ năm 2025, phấn đấu cơ bản hoàn thành năm 2035. Vai trò của Bộ GTVT sẽ rất nặng nề để đảm bảo tiến độ này mà không đội vốn.
Bên cạnh đó, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu khởi công dự án đường sắt Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng kết nối với Côn Minh (Trung Quốc) vào năm 2025. Bên cạnh đó, 2 dự án đường sắt kết nối Trung Quốc khác là Hà Nội – Lạng Sơn, Móng Cái – Hạ Long – Hải Phòng cũng được yêu cầu đẩy nhanh tiến độ.
Với dự án sân bay Long Thành, do nhiều khó khăn, đã được Quốc hội thông qua lùi thời gian hoàn thành vào năm 2026.
Bài toán sáp nhập, tinh gọn
Hạ tầng được xác định là một trong ba đột phá chiến lược quan trọng được Chính phủ đặt ra bên cạnh thể chế và nhân lực. Thủ tướng đã nhấn mạnh cần coi trọng thời gian, trí tuệ và sự quyết đoán đúng lúc, kịp thời.
Thủ tướng cũng giao Bộ trưởng GTVT Trần Hồng Minh và Bộ GTVT tiếp tục triển khai, hoàn thành các công trình quan trọng quốc gia, trọng điểm, nhất là phải cơ bản hoàn thành dự án sân bay Long Thành trong năm 2025.
Bên cạnh đó, Bộ GTVT cần tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế; làm tốt hơn nữa công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí.
Bộ trưởng GTVT Trần Hồng Minh (57 tuổi) quê H.Mỹ Đức, Hà Nội; trình độ tiến sĩ kỹ thuật. Ông Minh có thời gian dài học tập, công tác gắn với ngành công binh.
Tại Đại hội XIII của Đảng (tháng 1.2021), ông Minh được bầu vào T.Ư Đảng khóa XIII, giữ chức Chủ nhiệm Tổng cục Công nghiệp quốc phòng (từ tháng 10.2019). Ông cũng đồng thời là Ủy viên Quân ủy T.Ư (tháng 6.2021), ĐBQH khóa XV (từ tháng 7.2021).
Từ tháng 9.2021 đến trước khi được phê chuẩn bổ nhiệm, ông Minh giữ chức Bí thư Tỉnh ủy Cao Bằng.