Từ thời thuộc địa đến những giai đoạn phát triển về sau, văn học Pháp ngữ của người gốc Việt có những đóng góp không nhỏ trong việc khẳng định bản sắc dân tộc, lưu giữ ký ức văn hóa và tái hiện hình ảnh Việt Nam qua nhiều góc nhìn đa chiều.
1. Đây là vấn đề được các nhà nghiên cứu tập trung làm rõ tại tọa đàm khoa học Văn học Pháp ngữ của người gốc Việt ở Pháp: Những lựa chọn bản sắc và sáng tạo do Viện Văn học tổ chức mới đây tại Hà Nội.
Theo TS Nguyễn Giáng Hương (Thư viện Quốc gia Pháp), trong số những di sản ký ức chung giữa Pháp và Việt Nam, cần phải kể đến dòng văn học hình thành trong thời kỳ thuộc địa Pháp. Theo nghĩa rộng – những tác phẩm du ký, hồi ký, tiểu thuyết, tiểu luận, cũng như thơ ca và sân khấu – văn học về Việt Nam đã được hình thành trong suốt gần thế kỷ thuộc địa này tạo thành một kho tàng phong phú.
Ở đây, có thể phân chia thành 3 nhóm lớn, vừa bổ sung cho nhau, vừa khác biệt về chủ đề và góc nhìn: các tác phẩm viết bằng tiếng Pháp của các tác giả Pháp, các tác phẩm viết bằng tiếng Pháp của các tác giả Việt Nam và các tác phẩm viết bằng chữ Quốc ngữ của các tác giả Việt Nam. Bộ ba này làm nổi bật những hình thức tương tác giữa văn hóa Pháp và Việt Nam hình thành theo thời gian, thông qua các hình ảnh về “cái khác”, những hình dung tưởng tượng, ảnh hưởng lẫn nhau, những cái nhìn giao thoa và sự chuyển biến của chúng.

Tọa đàm khoa học “Văn học Pháp ngữ của người gốc Việt ở Pháp: Những lựa chọn bản sắc và sáng tạo”
Cụ thể, về văn học Pháp ngữ Việt Nam, TS Hương cho biết, ngay từ nửa sau thế kỷ 19, những người tiên phong như Pétrus Trương Vĩnh Ký và Paulus Huỳnh Tịnh Của đã công bố các tác phẩm văn học Pháp dịch sang tiếng Việt. Nguyễn Văn Vĩnh đã dịch các tác phẩm kinh điển Pháp như La Fontaine, Molière, Victor Hugo, Balzac sang tiếng Việt. Trong chiều ngược lại, Phạm Quỳnh đã trình bày những bài diễn thuyết đầu tiên bằng tiếng Pháp về ngôn ngữ và văn hóa Việt Nam.
“Trong thời kỳ này, đối tượng độc giả chính của dòng văn học Pháp ngữ là người Việt Nam biết đọc, viết tiếng Pháp, hoặc song ngữ, bao gồm cả giới trí thức thực sự và những người Việt Nam đã học qua các trường Pháp bản xứ. Chính đối tượng độc giả này mà các nhà văn hướng tới, nhằm phổ biến tri thức mới và xây dựng một bản sắc dân tộc mới thông qua văn học”.
Cũng theo nhà nghiên cứu này, dù văn học Pháp ngữ Việt Nam là kết quả trực tiếp của công cuộc khai thác thuộc địa, nhưng không có nghĩa là các nhà văn Pháp ngữ phục tùng diễn ngôn thực dân. Bản sắc dân tộc thấm đẫm trong các tác phẩm của họ.
“Bằng việc sử dụng tiếng Pháp như một ngôn ngữ biểu đạt, các nhà văn Pháp ngữ Việt Nam như Phạm Văn Ký, Phạm Duy Khiêm, Cung Giũ Nguyên, Trần Văn Tùng và những người khác đã thể hiện sự ngưỡng mộ đối với văn hóa Pháp, đồng thời cũng khẳng định bản sắc của dân tộc mình” – bà Hương nhấn mạnh.
2. Khẳng định giá trị của văn học Pháp ngữ Việt Nam, theo nhà nghiên cứu Nguyễn Giáng Hương, dòng văn học này tôn vinh di sản văn hóa dân gian, mở cánh cửa ra phương Tây. Theo đó, thể loại thần thoại, cổ tích được khai thác khá rộng rãi trong văn học Việt Nam bằng tiếng Pháp.
“Tập truyện đầu tiên Truyện cổ tích và huyền thoại xứ An Nam của Lê Văn Phát được xuất bản vào năm 1913. Sau đó, ông tiếp tục ra mắt tập truyện thứ hai Huyền thoại về con tằm vào năm 1924″ – bà Hương dẫn chứng – “Trong những thập niên 1930 – 1940, nhiều tác giả Trịnh Thục Oanh (Con rùa vàng, với Marguerite Triaire 1940), hay Phạm Duy Khiêm với tập truyện nổi tiếng Huyền truyện miền thanh lãng được trao giải thưởng văn học Đông Dương (1943), đã nỗ lực tham gia vào việc tôn vinh di sản văn hóa Việt Nam. Sứ mệnh này đáp ứng nhu cầu khẳng định bản sắc dân tộc trước sự xâm lấn của văn hóa phương Tây trong xã hội thuộc địa”.
Đáng chú ý, TS Hương còn cho biết, một thế hệ người Việt Nam mới, được gửi sang Pháp để học tập thể hiện một tuổi trẻ khao khát những điều mới mẻ và văn hóa phương Tây. Điển hình là Nguyễn Mạnh Tường với Nụ cười và nước mắt của tuổi trẻ (1937), Kiến tạo phương Đông: những viên gạch từ Pháp (1937), Học hỏi từ Địa Trung Hải (1939) hay Trần Văn Tùng với Trường học của Pháp (1938), Cuộc phiêu lưu trí thức (1939)… Trong khi đó, các tác giả sống xa xứ như Phạm Văn Ký (Kẻ từ nơi vô định, 1946), Trần Văn Tùng (Tấm lòng kim cương, 1944)… đi tìm những con đường kết nối với cội nguồn của họ bằng cách giới thiệu với công chúng Pháp về văn hóa và tư tưởng Việt Nam thông qua việc viết lại các truyện cổ tích và huyền thoại.
Mặt khác, các tác giả Việt Nam cư trú tại Pháp cũng muốn bảo vệ văn hóa dân tộc; điển hình là Hoàng Xuân Nhị với các tác phẩm phê bình văn học: Tiếng than của một Chinh-Phu (1939) hay Thuy-Kiêou: tiếng nói mới về một đề tài vĩnh cửu là nỗi đau (1942), hoặc Trần Văn Tùng với tiểu luận về phong tục và truyền thống Việt Nam An Nam, đất nước của giấc mơ và thi ca (1945).
Ngoài ra, nhà nghiên cứu Nguyễn Giáng Hương còn đề cập đến ảnh hưởng của phong trào lãng mạn phương Tây và sự giao thoa văn hóa cũng là những đặc điểm nổi bật làm nên sắc thái riêng của dòng văn học Pháp ngữ Việt Nam. Đây là những yếu tố cần tiếp tục được nghiên cứu rõ hơn nhằm nhận diện toàn diện giá trị của dòng văn học này.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Giáng Hương chia sẻ tại tọa đàm
3. Bên cạnh những thành tựu được ghi nhận, văn học Pháp ngữ Việt Nam cũng chịu tác động đáng kể từ những biến động lịch sử, địa lý và văn hóa. Kể từ năm 1945, các nhà văn nói tiếng Pháp dần dần rời xa không gian văn học Việt Nam, ngoại trừ Hoàng Xuân Nhị và Cung Giũ Nguyên, những người vẫn ở lại Việt Nam cho đến cuối đời.
“Sự xa cách về địa lý của các tác giả nói tiếng Pháp với quê hương của họ tạo ra một khoảng cách về tư tưởng và chủ đề so với tiến trình phát triển của văn học trong nước” – bà Hương phân tích – “Ngược lại, văn học Việt Nam Pháp ngữ tiệm cận với các nền văn học Pháp ngữ của các quốc gia khác, đặc biệt là về vấn đề quan trọng của bản sắc. Việc sinh sống xa đất nước tạo ra một vấn đề của vị thế “ở giữa”, liên quan đến sự “đứt gãy” giữa quê hương và đất nước tiếp nhận”.
Cũng theo nhà nghiên cứu này, trong những năm 1960 và 1970, văn học Việt Nam nói tiếng Pháp trải qua một giai đoạn suy thoái, ngoại trừ Phạm Văn Ký, người vẫn tiếp tục xuất bản cho đến năm 1970.
Bắt đầu từ những năm 1980, một luồng gió mới xuất hiện với những tiếng nói chủ yếu là nữ. Đi sâu vào những lựa chọn “quê hương” trong các nhà văn nữ Pháp gốc Việt từ sau những năm 1990, qua 2 trường hợp cụ thể là Kim Lefèvre và Linda Lê, PGS-TS Phùng Ngọc Kiên (Trường ĐH KHXH&NV, ĐHQGHN) cho rằng, với 2 nhà văn này, Việt Nam – Đông Dương như một điểm tham chiếu và một nơi để trở về.
“Trong sáng tác của Kim Lefèvre, nhà văn viết về một Việt Nam như một tham chiếu văn hóa và lịch sử. Đơn cử ở tác phẩm Cô gái lai da trắng, Kim Lefèvre xây dựng một tiểu thuyết tuyến tính, mang màu sắc tự truyện, hồi nhớ về quá khứ ở Việt Nam. Hiện thực trong tác phẩm là số phận cá nhân đan cài vào số phận dân tộc, quá khứ xen vào lịch sử” – ông Kiên phân tích.
Trong khi đó với trường hợp của Linda Lê, nhà nghiên cứu Phùng Ngọc Kiên cho hay, tác phẩm của nhà văn này xây dựng những câu chuyện phi tuyến tính, hiện thực được nội tâm hóa kiệt cùng bằng dòng độc thoại đa hướng. Thực tại bị xóa mờ gần hết, không thể xác định được các tọa độ văn hóa và lịch sử trong tác phẩm của nữ nhà văn này.
“Hình ảnh Việt Nam khiếm diện (vắng bóng) trong câu chuyện của “tôi”. Và, “tôi” truy tìm sự phổ quát dựa trên ý thức sâu sắc của cá nhân về gốc gác và xứ sở. Đó là một sự “nội tâm hóa” đời sống Việt Nam để truy tìm ý thức sâu sắc về cá nhân” – ông Kiên khẳng định – “Đây cũng là một khác biệt rất lớn của Linda Lê so với Kim Lefèvre và nhiều nhà văn gốc Việt viết bằng tiếng Pháp khác, khi họ gần như viết theo mạch tuyến tính và kể “bằng” chính vai của mình, hay nói cách khác, những sáng tác của họ đều ít nhiều mang màu sắc tự truyện”.
Từ những dấu ấn được khẳng định, các nhà nghiên cứu bày tỏ trăn trở về việc định danh văn học Pháp ngữ của người gốc Việt: Nên xếp họ vào bộ phận văn học nào? Sáng tác của họ thuộc văn học Việt Nam hay văn học Pháp?
“Việc phân loại những tác phẩm này vào một thể loại riêng biệt, được gọi là “văn học Việt Nam nói tiếng Pháp” dường như không còn phù hợp, thậm chí còn hạn chế trong bối cảnh mà tất cả các nền văn hóa, cả tập thể lẫn cá nhân, trở thành chất liệu hiển nhiên cho sự sáng tạo nghệ thuật và văn học” – bà Hương bày tỏ.