Hốc chọ (NXB Hội Nhà văn) của Bùi Sỹ Hoa là trường ca hiện đại, đi trên đường biên tự sự – trữ tình hội tụ cảm thức, tinh thần thời đại. Nhưng không hiểu sao, đọc Hốc chọ, tôi thấy mình như được sống trong bầu không khí sử thi, với những câu chuyện kể nối dài hàng đêm bên bếp lửa.
1. Nói chuyện đất, chuyện người của một miền quê cụ thể (xứ Nghệ), Bùi Sỹ Hoa đã thành công mở rộng không gian, thời gian, cuốn người đọc vào trường ca gồm 9 khúc rời, vừa độc lập vừa liền mạch, chữ nối chữ, tình cuộn tình như sông, bay lên từ chân chất nặng đằm quê xứ.
Trước hết, có thể nói, khởi nguyên của trường ca là trường ca anh hùng, sử thi cổ đại với nội dung kể về những vấn đề lớn của cộng đồng, trạng huống xung đột cao nhất là chiến tranh, nhân vật trung tâm là người anh hùng đại diện cho phẩm chất tốt đẹp của cộng đồng. Khi cộng đồng đối mặt với vấn đề sống còn, cảm hứng sử thi thường trở lại, xuất hiện những bài thơ dài hơi mang cảm hứng ngợi ca, đủ sức dung chứa và khái quát hiện thực rộng lớn, suy tư về lịch sử.
Trường ca hiện đại mang màu sắc mới, gia tăng tính chất trữ tình cá nhân, nhưng vẫn hướng đến khái quát những vấn đề lớn của lịch sử – dân tộc. Xét về phương diện này, phạm vi bao quát của Hốc chọ khá hẹp khi gắn với một địa phương cụ thể, cũng không xuất hiện người anh hùng của cộng đồng, dù có nhắc đến những nhân vật văn hóa (công chúa La Bình, Uy Minh Vương), câu chuyện kể gắn với con người nhỏ bé ông tôi, bà tôi… Nhưng chính điều này làm nên vẻ đẹp độc đáo của Hốc chọ, tác giả chỉ kể những chuyện đời thường nhưng đưa được người đọc vào không khí sử thi cổ xưa.
Bùi Sỹ Hoa dẫn dắt người đọc vào không khí của thiên trường ca khởi từ đêm, ông tôi. Thử đảo vị trí của các khúc ca, chẳng hạn khúc V, bắt đầu bằng Tôi là cá gỗ, lên đầu tiên, không khí sử thi sẽ mất đi nhiều. Đêm là không – thời gian của những câu chuyện kể xa xưa, với ánh lửa thiêng kết nối linh hồn cộng đồng – linh hồn vũ trụ, với sự hiện diện của người già mang tính chất nối kết thế hệ quá khứ – hiện tại.
Đoạn I mở ra đêm, đoạn II nhắc về bếp lửa: “Bếp lửa mơ quần tụ vai kề vai đượm/ Tiếng tiếng người xưa bập bùng bập bùng đâu đây quanh đây”. Từ đêm, ông tôi, thiên trường ca kể về đất và người mà khiến người đọc như thể sống trong không khí anh hùng, dù chẳng xuất hiện người anh hùng nào. Trong sử thi, thường nhân vật như ông tôi sẽ đóng vai trò người kể chuyện, kể về một người anh hùng của cộng đồng, còn trong Hốc chọ, ông tôi lặng im, nhưng sự hiện diện không lời của ông lại mang màu sắc anh hùng.
Mở đầu trường ca: “Đêm đầy sao/ Tiếng vạc nhạt vào khuya loãng/ Ông tôi ngồi xa xăm/ Bóng xiên liếp nhà húng hắng/ Chắt cạn ấm chè xanh/ Hớp cuối cùng ực nghẹn/ Thơm ngọt đầy tràn, đắng chát chưa trôi”. Chỉ vậy thôi, ông ngồi uống trà khuya, ho húng hắng, bóng ông lồng vào đêm sao, vẳng tiếng vạc, mang xa xăm trong dáng ngồi yên lặng.
Đêm luân phiên đối lập với mai, mai trong tất cả sự khắc nghiệt, bóc tách từng lớp tột cùng khốn khó đất đai, vạn vật, “Đêm sao tốt tươi”thì “Mai nắng hun, gió rang/ Mai sá đất quằn vỏ đỗ/ Trâu gác sừng nằm thở/ Phì phò giấc vũng đằm”;”Đêm sao rơi rơi” mà “Mai cháy lựng đôi vai/ Mai tõe chân dốc đứng”; “Đêm ngàn sao, ngàn sao” nhưng “Đại ngàn kiệt sức/ Sông suối kiệt sức chảy/ Lá cành kiệt sức xanh/ Rễ siêng kiệt sức rỉ giọt”…
Bùi Sỹ Hoa nói về sự kiệt sức của vạn vật, dù là sông suối, đại ngàn làm nền, để từ đó người đọc tự hình dung ra sự kiệt sức của người. Vạn vật đã thế, người sống thế nào? Nhà thơ sẽ cho câu trả lời sau đó: “Người cấy cày kiệt sức gồng gánh giấc mơ”.
Câu thơ như đòn gánh chông chênh thể hiện bản lĩnh nhà thơ, bản lĩnh người, nửa này cấy cày kiệt sức, nửa kia gồng gánh giấc mơ. Đêm đầy sao là dự báo, biểu tượng của giấc mơ nối tiếp. Đoạn sau triển khai gian nan gieo trồng những giấc mơ người, từ cụ thể, thiết thân đến vượt thoát: “Giấc mơ gieo trồng dày nhánh sây bông/ Giấc mơ khai khẩn hốc chọ bòn mót/…/ Giấc mơ làm người lương thiện/ Giấc mơ làm thông reo xanh giữa trời”… Nhà thơ quay lại với đêm sao: “Đêm chi chít những chòm sao mơ/ Cháy kiệt cạn, lại thắp bừng đuốc sáng”.
Mạch thơ xô nhau chảy, cuộn xoáy, có triển có phục, bộn bề mà nhất quán tài hoa. Giữa đêm mơ và mai thực, vũ trụ mênh mông, một dáng ông ngồi yên lặng để rồi hành động: “Ông tôi thở dài nằng nặng/ Rồi vươn tay lấy nước – mát/ mềm/ Rồi vươn vai lấy đá – nóng/ rắn/ Mài dao/ Mài đêm/ Tiếng mài ngọt xớt/ Đêm thâu”.
Khép lại khúc I là hành động mài, lặp lại, vô hạn trong không gian, thời gian, ông tôi cũng biến mất, cũng biến mất cụ thể một con người để hình dung ra cộng đồng: “Đêm đá mài kiên gan/ Đêm trăng tà hõm vẹt/ Đêm đêm mài sắc”.Hành động của ông được kể lại cụ thể, tiết chế mà có sức mạnh như chạm khắc: vươn tay, vươn vai… từ mài cái hữu hình sang mài cái vô hình: mài dao, mài đêm, phải kiên gan thế nào mới khiến đêm trăng tà hõm vẹt. Một cách tự nhiên, người đọc liên tưởng đến cái vươn vai Thánh Gióng, cách bao phen mang gươm báu ra mài dưới trăng, hay mài cả ánh trăng “Kỷ độ long tuyền đái nguyệt ma” của Đặng Dung… tất cả hội tụ trong dáng mài dao của ông tôi.
Nếu sử thi kể về những chiến công anh hùng, những người anh hùng, thì những người bình thường như ông tôi, trong cuộc chiến không tính bằng ngày, bằng tháng, bằng năm, mà vô tận, ngày ngày, đêm đêm, với sự khắc nghiệt không thôi của đời sống, có thể gọi họ là anh hùng chăng?
“Tôi là cá gỗ/ Từ đẽo gọt mà nên/ Từ thẹo thừa bỏ đi mà có/ Tôi phù sa sục bùn mơ cá lúa đằm vai/ Tôi giọt đèn mơ thắp sáng trời sao” (Trường ca “Hốc chọ”)
2. Trong cả 9 đoạn của trường ca, Bùi Sỹ Hoa đã dẫn dắt người đọc đi từ mảnh ghép này sang mảnh ghép kia của mơ và thực, câu chuyện về nhà tôi, bà tôi, địa danh cụ thể… đặt câu chuyện về tôi ở khúc V – chính giữa – như tình cờ mà có chủ tâm.
Từ tôi, câu chuyện được viết tiếp, nhưng thật ra tôi không còn là một con người cá nhân – cụ thể trong phép đồng nhất: tôi là cá gỗ, đồng nhất người – vật, trong sự lăn lóc, chấp nhận nhưng không hề cam chịu, đời cá – đời người vì vậy lại tiếp tục là số phận – tính cách chung của một miền đất, và rộng ra, thấp thoáng bóng dáng một cộng đồng: “Tôi là cá gỗ/ Từ đẽo gọt mà nên/ Từ thẹo thừa bỏ đi mà có/ Tôi phù sa sục bùn mơ cá lúa đằm vai/ Tôi giọt đèn mơ thắp sáng trời sao”.
Đêm khởi đầu huyền thoại, xuyên suốt hiện thực ngày, thắp giấc mơ sao, dày đặc những câu hỏi, đại từ phiếm chỉ ai, nào mang tính khái quát, trường ca Hốc chọ của Bùi Sỹ Hoa không hề là những mảnh rời mà liên tục khai triển, nhất quán, xuyên suốt, để kết lại là cánh chim bay lên mang tính biểu tượng: “Bay lên thoát kiếp người không/ Bay là sống giữa mênh mông đất lành”.
3. Kể lại câu chuyện về con người nhỏ bé, bình thường trong cuộc chiến khắc nghiệt sinh tồn nhưng gợi lên không khí sử thi là thành công của Bùi Sỹ Hoa với Hốc chọ.
Thiên trường ca cũng được kể bằng giọng điệu hùng tráng của sử thi với cách sử dụng triệt để từ láy, phép lặp, phép đối, từ nối từ, câu nối câu xô nhau như sóng. Phương thức lặp tưởng dễ mà khó, nếu không chắc tay sẽ rơi vào trùng lắp, dư thừa, đơn điệu, nghèo nàn, nhưng Bùi Sỹ Hoa đã tung hứng bằng vốn ngôn ngữ dồi dào, giàu sức mạnh biểu đạt, đặt đúng chỗ, tiếp nối, bổ trợ, đối lập, khiến tác phẩm rộng mở, khái quát mà vẫn cụ thể, sinh động, âm vang điệu ví dặm, câu lục bát đậm hồn dân tộc.
Ngôn từ mộc mạc, lấm láp như đời sống mà chắc nịch, như chạm như khắc. Có thể nhặt ra rất nhiều câu thơ, đoạn thơ đẹp, giàu sức tạo hình trong xuyên suốt thiên trường ca: “Thây lẩy rèm trăng, Mặt trời quẫy sóng ngoi lên từ cuối nguồn, Con dao sắc ngủ cùn trong vỏ tối, Lời thớ gỗ vân lên sau vỏ tạp, Sóng ngầm đáy sông dâng khuyết cả rằm trăng, Đêm rằm trăng mây tắm đáy sông lừng, Mây sương chất ngất dãy dãy giăng màn/ Vừa sà sà đất vừa mơ cao xanh/ Suối ngọt vừa tìm dòng trôi vừa róc rách mơ biển mặn/ Hạt quả vừa rơi vừa mơ nảy mầm trên đất no lành, Lối cũ thì gần/ Xa lắc nẻo lạ/ Bước trẻ vụng trượt/ Kín khẽ bước già/ Tươi sương bước sớm/ Bước chiều nhẹ lâng”…
Ngòi bút của nhà thơ tạo dựng một vũ trụ đủ đầy mặt trời, trăng sao, sông suối, cỏ cây… đẹp đẽ, nguyên sơ lẫn khốc liệt, đặt con người vào giữa mà chạm khắc vẻ đẹp người không ngừng mơ vươn lên từ khốn khó. Hốc chọ của Bùi Sỹ Hoa thực sự là một trường ca được viết chắc tay, đẹp chân chất mà tài hoa trong văn học Việt Nam hiện đại.
“Hốc chọ” là gì?
Theo giải thích của tác giả, vùng khai trang, lập trại nơi rừng sâu, núi thẳm; vùng đất khó dưới hoặc giữa chân đồi núi theo từng con nước… được người dân nhiều nơi ở Nghệ An gọi là hốc/hóc, chọ, hay hốc chọ.