Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cho biết, sáng nay 21.12, một vùng áp thấp trên vùng biển phía nam của khu vực nam Biển Đông đã mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới.
Lúc 10 giờ cùng ngày, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 5 độ vĩ bắc; 112,4 độ kinh đông, trên vùng biển phía nam của khu vực nam Biển Đông. Áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6 (39 – 49 km/giờ), giật cấp 8; hầu như ít di chuyển.
Trong 24 – 72 giờ tiếp theo, áp thấp nhiệt đới có thể mạnh lên, di chuyển theo hướng tây bắc, mỗi giờ đi được 10 – 15 km, hướng vào vùng biển Nam bộ.
Do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới kết hợp với không khí lạnh, từ đêm 23 – 26.12, ở khu vực Trung và Nam Trung bộ có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to và giông với lượng mưa phổ biến 100 – 300 mm, có nơi trên 500 mm.
Biển Đông xuất hiện áp thấp nhiệt đới, hướng vào vùng biển Nam bộ
Từ ngày 24 – 25.12, khu vực phía đông Tây nguyên có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to với lượng mưa phổ biến 60 – 120 mm, có nơi trên 200 mm.
Ngoài ra, do ảnh hưởng của không khí lạnh, rãnh áp thấp ở phía nam nối với áp thấp nhiệt đới nên Biển Đông diễn biến thời tiết xấu.
Từ ngày 21 – 22.12, khu vực bắc Biển Đông (bao gồm vùng biển quần đảo Hoàng Sa) gió đông bắc cấp 7, giật cấp 8 – cấp 9. Biển động mạnh, sóng cao 4 – 6 m. Vùng biển từ Quảng Ngãi đến Cà Mau, khu vực giữa Biển Đông, vùng biển phía tây khu vực nam Biển Đông (bao gồm vùng biển phía tây quần đảo Trường Sa) gió đông bắc mạnh cấp 6, có lúc cấp 7, giật cấp 8 – cấp 9. Biển động mạnh, sóng cao 3 – 5,5 m.
Khu vực từ Quảng Trị đến Quảng Nam gió đông bắc mạnh cấp 6, giật cấp 8. Biển động, sóng cao 2 – 4 m. Vịnh Bắc bộ gió đông bắc mạnh cấp 5, có lúc cấp 6, giật cấp 7 – cấp 8. Biển động, sóng cao 1 – 3 m.
Cấp độ rủi ro thiên tai do gió mạnh trên biển cấp 2, toàn bộ tàu thuyền hoạt động trên các khu vực trên đều có nguy cơ cao chịu tác động của lốc xoáy, gió mạnh và sóng lớn.