Bổ sung thẩm quyền về ban hành văn bản quy phạm pháp luật cho Chính phủ

Dự kiến tại kỳ họp bất thường vào tháng 2 tới đây, Quốc hội sẽ thảo luận về dự án luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi).

Một trong những nội dung đáng chú ý được đưa vào dự thảo, đó là bổ sung thẩm quyền của Chính phủ về việc ban hành nghị quyết quy phạm pháp luật, nhằm giải quyết các vấn đề cấp bách phát sinh từ thực tiễn.

Bổ sung thẩm quyền về ban hành văn bản quy phạm pháp luật cho Chính phủ - Ảnh 1.

Chính phủ đề xuất được bổ sung thẩm quyền về việc ban hành nghị quyết quy phạm pháp luật (ảnh minh họa)

Tại tờ trình dự án luật, Chính phủ cho biết trước đây Chính phủ có thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật dưới 2 hình thức là nghị định và nghị quyết. Đến năm 2008, hình thức nghị quyết bị bãi bỏ, chỉ giữ lại hình thức nghị định.

Tuy nhiên, công tác chỉ đạo, điều hành và phản ứng chính sách của Chính phủ trong thời gian qua, đặc biệt là giai đoạn phòng, chống Covid-19 và phục hồi kinh tế sau đại dịch, đã đặt ra yêu cầu phải nghiên cứu, bổ sung thẩm quyền của Chính phủ trong việc ban hành một hình thức văn bản riêng (ngoài nghị định) với quy trình xây dựng, ban hành nhanh gọn, kịp thời để văn bản có hiệu lực sau khi ban hành, nhằm xử lý ngay vấn đề thực tiễn phát sinh.

Chính phủ cũng cho rằng luật hiện hành chưa quy định thẩm quyền của Chính phủ trong việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật để thực hiện thí điểm trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ quyền hạn của Chính phủ. Điều này dẫn đến khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn, chưa bảo đảm được sự linh hoạt và tính kịp thời trong chỉ đạo, điều hành, phát triển kinh tế, bảo đảm quốc phòng, an ninh.

Thời gian qua, một số nghị quyết đã được Chính phủ ban hành để thí điểm những chính sách mới trong ngắn hạn, nhằm giải quyết các vướng mắc phát sinh trong thực tế, khác với các quy định của nghị định hiện hành hoặc các nghị định chưa có quy định hoặc để thực hiện một chủ trương được cấp có thẩm quyền cho phép.

Sau khi kết thúc thí điểm, các bộ, ngành có trách nhiệm tổng kết, báo cáo kết quả thí điểm với Chính phủ. Việc thực hiện thí điểm là tiền đề để nghiên cứu, sửa đổi và bổ sung các quy định hiện hành hoặc kết thúc thí điểm trong trường hợp chính sách thí điểm không đạt được hiệu quả.

Để giải quyết vướng mắc đã nêu, dự thảo luật bổ sung quy định về thẩm quyền của Chính phủ ban hành nghị quyết quy phạm pháp luật trong 2 trường hợp.

Thứ nhất là giải quyết các vấn đề cấp bách phát sinh từ thực tiễn, áp dụng pháp luật trong một thời gian, phạm vi nhất định thuộc thẩm quyền của Chính phủ; ngưng, điều chỉnh hiệu lực hoặc kéo dài thời hạn áp dụng toàn bộ hoặc một phần nghị định của Chính phủ đáp ứng các yêu cầu cấp bách về phát triển kinh tế – xã hội, bảo đảm quyền con người, quyền công dân.

Thứ hai là thực hiện thí điểm một số chính sách chưa có pháp luật điều chỉnh thuộc thẩm quyền của Chính phủ hoặc khác với nghị định, nghị quyết hiện hành.

Tại báo cáo đánh giá tác động chính sách, Bộ Tư pháp nhận định, việc bổ sung thẩm quyền như dự thảo sẽ kịp thời ban hành văn bản để điều chỉnh những vấn đề cấp bách, thực hiện các giải pháp tình thế (xử lý một công việc cụ thể, áp dụng cho một đối tượng, một vụ việc, trong một thời gian nhất định), mà không đặt ra yêu cầu phải ban hành nghị định để sửa đổi, bổ sung thực hiện. Điều này còn đảm bảo tính ổn định của hệ thống pháp luật.

Dù vậy, quy định trên có thể rủi ro khi khó xác định tiêu chí tình huống cấp bách phát sinh từ thực tiễn, dễ dẫn đến tình trạng lạm dụng hình thức nghị quyết để quy định cho các trường hợp cá biệt.


Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *