Bóng chết trở thành mốt ở Premier League

Bóng đá ngày nay được quyết định bởi từng chi tiết nhỏ nhất, khi các CLB luôn có đội ngũ chuyên gia phân tích dữ liệu. Ở Premier League, khai thác bóng chết đang tạo nên nhiều khác biệt.

Chức vô địch Premier League hay suất xuống hạng có thể được định đoạt với chỉ 1 điểm. Vì thế, Premier League ngày nay là vùng đất cho các chuyên gia về tình huống cố định.

Vùng đất cho các chuyên gia bóng chết

Vào dịp Boxing Day 2023, phút 22 trận đấu giữa MU với Aston Villa tại Old Trafford, Andre Onana chuẩn bị cho tình huống đối thủ đá phạt. Anh giật mình nhận ra có ai đứng sau lưng. Đó là Leon Bailey. Thủ môn của MU nhìn đối phương với vẻ bối rối. Làm sao mà Bailey lại đứng đó, giữa anh và khung thành, trong một tình huống đá phạt? Không chỉ vậy, Bailey còn hát chọc ghẹo Onana dựa theo điệp khúc bản hit “Na Na” của Trey Songz.

“Mục đích chính của tôi là làm phân tâm cậu ấy”, Bailey giải thích sau đó. Pha dàn xếp kết thúc với việc John McGinn ghi bàn mở tỷ số cho Aston Villa. Chỉ 4 phút sau, Dendoncker dứt điểm cận thành trong pha tổ chức phạt góc. MU sau đó ngược dòng thắng 3-2. Thế nhưng, hơn một năm trôi qua, từ Erik ten Hag đến Ruben Amorim, các pha bóng cố định vẫn là một ám ảnh với đội.

Vì sao Bailey lại đứng vị trí như vậy? Austin MacPhee, HLV tình huống cố định của Villa, đã chỉ đạo anh như vậy. Việc một cầu thủ đứng sau thủ môn đối phương trong tình huống đá phạt là hợp lệ. Điều kiện là anh này không can thiệp hay đứng trong tầm nhìn của thủ môn, cũng không tham gia vào tình huống tiếp theo. MacPhee hướng dẫn Bailey trong căn tin ở trung tâm huấn luyện của Villa. “Tôi chỉ nghĩ điều đó mới mẻ và thú vị”, Bailey kể lại. “Tôi nói với Austin, tôi sẽ đứng sau anh ấy và hát một bài hát”.

Ngồi cạnh Unai Emery trên băng ghế kỹ thuật, MacPhee mỉm cười khi kế hoạch của ông mang lại hiệu quả. MacPhee là một trong số các HLV tình huống cố định đang có ảnh hưởng lớn ở Premier League. Đối với một số CLB, tầm quan trọng của các chuyên gia này có lẽ chỉ sau HLV trưởng. Nicolas Jover đứng sau kỷ lục 22 bàn từ tình huống cố định của Arsenal mùa 2023-24 (chủ yếu từ phạt góc). Mùa giải 2022-23, Tottenham của Antonio Conte đứng đầu Premier League với 19 bàn từ các pha cố định, nhờ sự hướng dẫn của Gianni Vio. Ông được xem là người tiên phong về thứ bóng đá này, trong các tình huống cố định, với biệt danh “phù thủy nhỏ”.

Bóng chết trở thành mốt ở Premier League - Ảnh 1.

Arsenal và Aston Villa dẫn đầu về bàn thắng từ bóng chết

MacPhee, kiêm công việc trợ lý đội tuyển Scotland và Aston Villa, là người đẩy mọi thứ đi xa nhất. Cách ông phát triển các tình huống cố định khiến nhiều cầu thủ thích thú. Ông luôn tạo ra các phương pháp đặc biệt khiến đối thủ khó phòng ngự. Mùa này, Villa ghi 8 bàn từ bóng chết (không tính phạt đền), chỉ sau Arsenal (10). Xét về tỷ lệ, số bàn từ cố định mà đội bóng của Emery ghi được chiếm 26,67%, trong khi Arsenal là 21,27%.

Trước đây, các pha cố định vẫn được xem là thực hiện ngẫu nhiên. Mục tiêu của người đá phạt là đưa bóng vào gần khu 5m50, rồi hy vọng đồng đội đủ nhanh nhẹn hoặc cao lớn dứt điểm vào lưới. Những chuyên gia như MacPhee, Vio hay Jover đang thay đổi quan niệm này.

Tiền đạo ảo”

Gần đây, các đội dành thời gian tập luyện bóng chết nhiều hơn. Với dữ liệu có sẵn, người ta nhận ra rằng tối ưu hóa các tình huống cố định có thể mang lại hàng chục bàn thắng mỗi mùa. Tất nhiên, yêu cầu đầu tiên là phải thuê chuyên gia chỉ làm công việc này. Vài năm trước, khi còn là đội bóng nhỏ, Brentford đã thuê Vio để xử lý tình huống cố định và mở ra con đường thăng tiến chóng mặt. Ngày nay, họ chiếm vị trí giữa bảng Premier League với bản sắc riêng.

Là một cựu nhân viên ngân hàng, Vio từng viết một luận án về khía cạnh này để lấy chứng chỉ huấn luyện UEFA. Ông đề cập rằng việc khai thác các quả đá phạt và phạt góc tương đương với việc sở hữu một tiền đạo ghi 15 bàn mỗi mùa. “Điều khác biệt là một tiền đạo cụ thể có thể chấn thương hoặc bị treo giò”, người đàn ông đến từ Venice (Italy) giải thích. Khi đến Brentford, Vio được xem là người tiên phong. Dù vậy, ban đầu các cầu thủ ngạc nhiên và không thích những gì ông chỉ đạo. Một số thậm chí càu nhàu. Theo thời gian, họ đã biết thích nghi.

“Tình huống cố định là một khoảnh khắc khác biệt”, Vio lập luận. “Trong trận đấu bình thường, hai đội đá với nhau. Nhưng khi có tình huống cố định, chúng tôi làm chủ thời gian. Điều đó thay đổi mọi thứ. Tôi có thể quyết định số cầu thủ trong vòng cấm, khi nào mọi người ở đâu và điều gì sẽ xảy ra trong khoảnh khắc đầu tiên”.

Những gì Vio mô tả đang thể hiện rõ tại Premier League mùa này. Mùa 2021-22, chỉ Brentford, Arsenal và Aston Villa sử dụng HLV tình huống cố định. Hiện nay, có ít nhất 12 trong 20 CLB Premier League sử dụng các chuyên gia này. Họ kín đáo, được coi là vũ khí bí mật và mỗi người có thuật toán riêng. Nếu có yếu tố nào để Arsenal hy vọng đua ngôi đầu với Liverpool thì đó là bóng chết. Cách đây không lâu, Arsenal vượt qua MU 2-0 nhờ những tình huống phạt góc. Nhân tiện, MU kém nhất khi chống các pha cố định. Thậm chí, họ nhận 2 bàn thua từ những cú đá phạt góc trực tiếp vào lưới (Tottenham ở League Cup; Wolves tại Premier League).

Cho đến nay, sau vòng đầu tiên giai đoạn lượt đi, toàn bộ 20 CLB Premier League đều đã ghi bàn từ bóng chết. Fulham ít nhất (1 bàn), trong khi 10 đội có từ 5 bàn trở lên. Khi bóng đá đề cao sự chặt chẽ, các pha cố định trở thành chìa khóa quan trọng để định đoạt trận đấu.

Các CLB ghi bàn từ bóng chết ở Premier League (không tính phạt đền)

10 bàn Arsenal

8 bàn Aston Villa, Crystal Palace

7 bàn Bournemouth, Nottingham Forest, West Ham

6 bàn Everton, Tottenham

5 bàn Brentford, Brighton, Chelsea, Man City, MU, Newcastle

4 bàn Ipswich, Leicester, Wolves

2 bàn Liverpool, Southampton

1 bàn Fulham

Ngọc Linh

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *