Các bị cáo nói lời sau cùng

Đảo nợ hay chiếm đoạt tài sản?

Trước khi nói lời sau cùng, bị cáo Trương Mỹ Lan đề nghị tòa làm rõ các số liệu của vụ án. “SCB nhập nhằng! Viện kiểm sát yêu cầu cung cấp số liệu về đảo nợ, nhưng SCB lại từ chối cung cấp hồ sơ thì có ý gì đây? Khi đây là sinh mạng của bị cáo. SCB cũng từ chối cung cấp hồ sơ liên quan 54.000 tỉ đồng. Đây là số tiền không ít đâu. Bị cáo nếu không nói thì không biết cầu cứu ở đâu”, bị cáo Lan trình bày và cho rằng nếu SCB không cung cấp hồ sơ thì đề nghị tòa sử dụng tài liệu có lợi cho bị cáo.

 - Ảnh 1.

Bị cáo Trương Mỹ Lan bị tòa sơ thẩm tuyên án tử hình

Cũng theo bị cáo Trương Mỹ Lan, mấu chốt vụ án là đảo nợ, nhưng từ đây bị biến thành chiếm đoạt tài sản. Đề nghị tòa xem xét lại tội tham ô tài sản và những tài sản khoảng 87.000 tỉ đồng bị cáo cho SCB mượn để tái cơ cấu.

Ngoài ra, trong phần đối đáp, Viện kiểm sát cho rằng: “440 mã tài sản của bị cáo, thực chất là không định giá được chứ không phải định giá bằng 0 đồng. Các tài sản này sẽ có giá trị khi thi hành án và đã có đầy đủ cơ sở pháp lý”.

Cũng theo Viện kiểm sát, còn 658 mã tài sản đang bị kê biên của bị cáo Lan cũng có nhiều mã là do người khác đứng tên, chưa đánh giá được giá trị thực chất của tài sản.

Tranh luận lại với Viện kiểm sát, luật sư Giang Hồng Thanh (bào chữa cho bị cáo Trương Mỹ Lan) cho rằng Viện kiểm sát nhận định như trên là “chưa đi đến tận cùng giá trị cụ thể của những tài sản này”.

Theo luật sư Thanh, trong số 415.000 tỉ đồng mà bị cáo Trương Mỹ Lan bị quy buộc chiếm đoạt của SCB, tính tổng số tiền mà bị cáo đã nộp và tài sản mà bị cáo đang bị kê biên (không tính 440 mã tài sản không được định giá) là hơn 323.000 tỉ đồng.

Như vậy bị cáo đã khắc phục vượt quá 3/4 giá trị tài sản chiếm đoạt. Đối chiếu với điều 40 bộ luật Hình sự và Nghị quyết số 03 năm 2020 của Hội đồng thẩm phán TAND tối cao, bị cáo Lan có thể được xem xét giảm án tử hình. Vì thế luật sư đề nghị cho thân chủ mình cơ hội được sống.

“Vụ án chưa từng có”

Trước khi tòa vào nghị án, trong phần nói sau cùng, bị cáo Trương Mỹ Lan chỉ mong muốn làm cách nào nhanh nhất để trả tiền cho nhà nước, người dân.

“Nếu tài sản còn lại mà dư, bị cáo không cần lo cho gia đình bị cáo, bị cáo sẵn sàng đưa vào quỹ để làm bệnh viện”, bị cáo Lan nói và cho rằng bị cáo có khu đất ở H.Bình Chánh (TP.HCM), bị cáo không bán mà chuyển vào làm bệnh viện. Bị cáo mong tòa ghi nhận cho bị cáo dùng số tiền nếu còn dư của vụ án để làm trường học, để thu tiền của những người có tiền và miễn phí cho người nghèo, xây nhà ở xã hội.

Chồng bị cáo Lan là bị cáo Chu Lập Cơ (69 tuổi, Chủ tịch HĐQT Công ty CP đầu tư Times Square) nói lời sau cùng: “Tôi đã suy nghĩ suốt 2 năm qua về gia đình, kể từ khi bị tạm giam. Đây là câu chuyện ly kỳ về một số phận. Vợ tôi là Trương Mỹ Lan – một người vợ, người mẹ tuyệt vời”.

Cũng theo bị cáo Cơ, người vợ Trương Mỹ Lan cùng với cháu gái là Trương Huệ Vân đã hỗ trợ rất lớn cho cộng đồng trong đại dịch Covid-19. Vì thế, bị cáo xin tòa giảm nhẹ hình phạt cho vợ, cháu gái dưới mức thấp nhất có thể.

Còn cháu gái của bị cáo Trương Mỹ Lan là bị cáo Trương Huệ Vân (Tổng giám đốc Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) cho rằng: “Đây là vụ án kinh tế lớn nhất chưa từng có trong lịch sử. Bị cáo mong sẽ không bao giờ có thêm một Trương Mỹ Lan để xảy ra vụ án như thế này. Cô Trương Mỹ Lan đã dấn thân, hy sinh để giúp cho hàng ngàn những mảnh đời bất hạnh mà cô nâng đỡ”.

Các bị cáo đồng phạm cũng xin tòa xem xét giảm nhẹ hình phạt cho mình và khoan hồng cho bị cáo Trương Mỹ Lan. “Kính mong tòa mở lòng khoan hồng cho bị cáo và cho chị Lan (bị cáo Lan)”, bị cáo Trần Thị Mỹ Dung, cựu Phó tổng giám đốc SCB, nói.

Tương tự, bị cáo Đỗ Thị Nhàn (58 tuổi, cựu Cục trưởng Cục Thanh tra, giám sát ngân hàng II, Ngân hàng Nhà nước), người nhận hối lộ của bị cáo Trương Mỹ Lan tới 5,2 triệu USD, nói mong được tiếp tục đóng góp cho cộng đồng để chuộc lỗi lầm.

Ngày 3.12, tòa sẽ tuyên án đối với các bị cáo.


Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *