Phát biểu khai mạc, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn thông tin Tổng Bí thư Tô Lâm đã kết luận giữa tháng 2.2025 sẽ họp T.Ư Đảng và cuối tháng 2.2025 thì Quốc hội sẽ họp bất thường để sửa đổi các luật liên quan sắp xếp, tinh gọn bộ máy.
“Từ tháng 3 sẽ triển khai đồng bộ ở các khối Đảng, Quốc hội, Chính phủ”, Chủ tịch Quốc hội nói và cho biết lần này không chỉ sắp xếp tổ chức bộ máy ở T.Ư mà ở địa phương hiện cũng đang gấp rút chuẩn bị cho việc này. Ông đề nghị các cơ quan Quốc hội, Chính phủ khẩn trương hoàn thành phương án, đề án sửa đổi các luật liên quan.
Báo cáo công tác dân nguyện tháng 10 – 11 của Quốc hội tại phiên họp sau đó, Phó ban Dân nguyện Hoàng Anh Công cho biết, nhân dân tin tưởng và đánh giá cao chủ trương đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, kỳ vọng tạo sinh lực mới cho nhiệm vụ bảo vệ, xây dựng và phát triển đất nước, tạo đòn bẩy để bứt phá, hoàn thành toàn bộ các mục tiêu Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã đề ra.
Góp ý vào báo cáo, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh đề nghị, trong phần kiến nghị cần bổ sung nội dung làm tốt hơn nữa công tác tuyên truyền về các chủ trương mới của Đảng, Nhà nước như tinh gọn bộ máy hay các quyết sách KT-XH.
Theo bà Thanh, khi đi vào sắp xếp tinh gọn bộ máy sẽ “đụng chạm”, ảnh hưởng đến quyền lợi người này, người kia. Do đó, nếu chỉ ghi chung chung là nhân dân đồng tình, ủng hộ mà thiếu quan tâm đến công tác tuyên truyền sâu, tạo sự thống nhất thì dễ phát sinh những việc ngoài dự tính, rất khó để thực hiện thắng lợi chủ trương tinh gọn bộ máy.
Bên cạnh đó, bà Thanh cho rằng một nội dung rất quan trọng trong sắp xếp, tinh gọn bộ máy là phải có cơ chế chính sách hợp lý, thuận lợi cho đội ngũ cán bộ nằm trong diện sắp xếp, tinh giản biên chế nhằm cơ cấu lại đội ngũ cán bộ công chức viên chức, người lao động sau khi sắp xếp.
Phó chủ tịch Quốc hội đề nghị báo cáo bổ sung kiến nghị là có cơ chế chính sách hợp lý, thậm chí cơ chế thật mạnh, vượt trội so với trước đây để khuyến khích những người còn thời gian công tác 2, 3 thậm chí 4 năm sẵn sàng nghỉ để cán bộ trẻ, đào tạo bài bản được giữ lại trong hệ thống.
“Trước đây chúng ta đã nói xu hướng là chuyển từ khu vực công sang tư rất nhiều. Về tổng thể việc này không vấn đề gì. Nhưng tôi e rằng người từ khu vực công sang tư là những người làm tốt, còn người không tốt, trung bình ở lại. Do đó, nếu không có chính sách tốt thì không giữ lại được những cán bộ cần giữ, mà không cho ra được những cán bộ cần chuyển sang lĩnh vực khác”, bà Thanh nhấn mạnh.
* Sáng 10.12, với 100% thành viên tán thành, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua nghị quyết sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã tỉnh Ninh Bình giai đoạn 2023 – 2025.
Theo nghị quyết được thông qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định sẽ thành lập TP.Hoa Lư trên cơ sở sáp nhập toàn bộ diện tích và dân số của H.Hoa Lư và TP.Ninh Bình. Sau khi thành lập, TP.Hoa Lư có diện tích tự nhiên là 150,24 m2 và quy mô dân số là 238.209 người. Cùng với đó, nghị quyết cũng quyết định thành lập, sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã thuộc TP.Hoa Lư. Sau khi sắp xếp, TP.Hoa Lư có 20 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 12 phường và 8 xã. Nghị quyết có hiệu lực từ 1.1.2025.