Cần huy động nguồn lực xã hội phát triển VH-TT-DL

Ngày 18.12, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự Hội nghị trực tuyến tổng kết công tác năm 2024 và triển khai nhiệm vụ trọng tâm năm 2025 của ngành văn hóa, thể thao và du lịch (VH-TT-DL).

NHÂN RỘNG MÔ HÌNH 2 CONCERT THÀNH CÔNG

Tại hội nghị, Thủ tướng đánh giá cao bước tiến cả về văn hóa, thể thao và du lịch trong năm 2024. Thủ tướng khẳng định Việt Nam đã tổ chức thành công nhiều sự kiện văn hóa lớn.

Cần huy động nguồn lực xã hội phát triển VH-TT-DL- Ảnh 1.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo tại hội nghị

Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, ngành VH-TT-DL cần xây dựng các điển hình tiên tiến, nhân rộng các mô hình hay, cách làm tốt để tạo xu thế phát triển. “Tại sao chúng ta không tổng kết, nhân rộng 2 concert vừa rồi ? Tại sao bóng đá nữ, bóng chuyền nữ đạt thành tựu như vậy ? Tại sao du lịch có những điểm đến hấp dẫn như thế ?”, Thủ tướng đặt vấn đề.

Hai concert được Thủ tướng đề cập là Anh trai vượt ngàn chông gai Anh trai say hi, đã thu hút hàng chục nghìn khán giả tại Hà Nội và TP.HCM sau 5 đêm diễn. Người đứng đầu Chính phủ khẳng định 2 concert đã chứng minh trí tuệ và nguồn lực của con người Việt Nam, đạt được mục tiêu phát huy giá trị văn hóa con người Việt Nam. Bởi vậy, Bộ VH-TT-DL và các cơ quan ban ngành cần nghiên cứu mấu chốt tạo nên thành công, để xây dựng được những mô hình văn hóa, giải trí đặc sắc vừa nêu cao tinh thần Việt Nam, vừa thu hút sự chú ý của công chúng.

CẦN HUY ĐỘNG NGUỒN LỰC XÃ HỘI

Tại hội nghị, Thủ tướng cũng nêu 7 nhiệm vụ trọng tâm để ngành VH-TT-DL bứt phá trong năm 2025.

Thứ nhất, cần tạo đột phá về thể chế theo hướng dứt khoát từ bỏ tư duy “không quản được thì cấm”, kiên quyết loại bỏ cơ chế “xin – cho”; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính gắn với chuyển đổi số.

Thứ hai, đẩy mạnh phát triển hạ tầng chiến lược, toàn diện các thiết chế VH-TT-DL, cả về hạ tầng cứng và hạ tầng mềm, hạ tầng kết nối, đặc biệt là hạ tầng số. Trong đó Thủ tướng nhấn mạnh Bộ VH-TT-DL cần có hệ thống cơ sở dữ liệu tốt để phát huy cơ sở vật chất và trí tuệ của ngành.

Thứ ba, đào tạo nhân lực chất lượng cao cho ngành, có cơ chế, chính sách đặc thù phù hợp cho các ngành nghệ thuật, thể thao, có chính sách giữ chân người tài, động viên người có năng khiếu, đam mê và khuyến khích những người dám nghĩ, dám làm, dám đổi mới sáng tạo và xử lý những người né tránh, sợ trách nhiệm.

Thứ tư, huy động nguồn lực cho sự phát triển thông qua cơ chế, chính sách phù hợp, nhất là hợp tác công-tư, lấy nguồn vốn nhà nước dẫn dắt, kích hoạt mọi nguồn lực xã hội, của người dân và doanh nghiệp. Theo Thủ tướng, ngoài nguồn lực đã có như tài chính, đất đai, con người thì thể chế, cơ chế, chính sách cũng là biện pháp huy động nguồn lực. Do đó, cần tích cực suy nghĩ, đề xuất chính sách để phát huy các hình thức hợp tác công-tư vốn phong phú, dư địa còn rất lớn để khai thác các thiết chế văn hóa, ví dụ như sân vận động Mỹ Đình.

Thứ năm, nâng cao năng lực quản lý, quản trị ngành theo hướng thông minh, dựa trên cơ sở dữ liệu. Thứ sáu, nghiên cứu nhân rộng các mô hình thành công. Thứ bảy, tạo cơ hội, cơ chế cho người dân được thụ hưởng thành quả của VH-TT-DL.

Thủ tướng đánh giá ngành VH-TT-DL có vai trò hết sức quan trọng, tác động sâu rộng, mang tính toàn dân, toàn diện, toàn cầu, vừa mang tính cấp bách, vừa có tính chiến lược, lâu dài đối với sự phát triển kinh tế – xã hội, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, góp phần tạo nền tảng vững chắc đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc…


Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *