Chống lãng phí – chống ‘giặc nội xâm’

Không nói suông

Trong bài viết về chống lãng phí mới đây, Tổng Bí thư Tô Lâm đánh giá công tác chống lãng phí thời gian qua của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội đã góp phần đưa công cuộc đổi mới đạt những thành tựu vĩ đại; đạt và vượt hầu hết các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển KT-XH qua các nhiệm kỳ, kể cả trong bối cảnh có những thách thức chưa từng có tiền lệ như dịch bệnh, thiên tai.

Dù vậy, Tổng Bí thư chỉ ra lãng phí còn diễn ra khá phổ biến, dưới nhiều dạng thức khác nhau, đã và đang gây ra nhiều hệ lụy nghiêm trọng cho phát triển. Đáng chú ý, lãng phí đã gây suy giảm nguồn lực con người, nguồn lực tài chính, giảm hiệu quả sản xuất, tăng gánh nặng chi phí, gây cạn kiệt tài nguyên, gia tăng khoảng cách giàu nghèo.

Lãng phí cũng làm suy giảm lòng tin của người dân với Đảng, Nhà nước, tạo rào cản vô hình trong phát triển KT-XH, bỏ lỡ thời cơ phát triển của đất nước. Trong bối cảnh đất nước đang đứng trước cơ hội lịch sử để bước vào kỷ nguyên mới, Tổng Bí thư nhấn mạnh công tác phòng, chống lãng phí cần được triển khai quyết liệt, đồng bộ với những giải pháp hữu hiệu, tạo sự lan tỏa mạnh mẽ, trở thành tự nguyện, tự giác của mỗi cán bộ, đảng viên và người dân, văn hóa ứng xử trong thời đại mới.

Đấu tranh phòng, chống lãng phí, theo Tổng Bí thư, cần được thống nhất nhận thức là cuộc chiến chống “giặc nội xâm” đầy cam go, phức tạp; là một phần của cuộc đấu tranh giai cấp; có vị trí tương đương với phòng, chống tham nhũng, tiêu cực để xây dựng Đảng vững mạnh, “là đạo đức, là văn minh”.

Quyết tâm chống lãng phí của Tổng Bí thư, của cả hệ thống nhanh chóng được thể hiện qua việc kịp thời bổ sung chức năng “chống lãng phí” cho Ban Chỉ đạo T.Ư về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, cùng với đó là các yêu cầu cụ thể được đặt ra. Nói về tinh thần quyết liệt của Tổng Bí thư, đại biểu Trần Văn Lâm (đoàn Bắc Giang), Ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội, cho rằng chỉ đạo của vị lãnh đạo cao nhất của Đảng giống như “cây đũa thần”, khi đặt công tác chống lãng phí ngang tầm với đấu tranh chống tham nhũng.

Theo đại biểu Trần Văn Lâm, về giải pháp thì lâu nay có đầy đủ rồi, vấn đề vẫn là thực hiện cho tốt. Nên với khí thế, quyết tâm được Tổng Bí thư tạo ra, ông Trần Văn Lâm tin tưởng chắc chắn sẽ có những bước chuyển, kết quả tích cực hơn trong thời gian tới.

Nhớ lại cuộc giám sát tối cao của Quốc hội về việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, đại biểu Trần Văn Lâm thông tin đoàn giám sát đã chỉ ra nhiều công trình từ T.Ư đến địa phương thuộc diện lãng phí, trong đó chậm tiến độ chỉ là một phần. Sau giám sát, nhiều địa phương đã nỗ lực giải quyết, khắc phục; nhiều công trình, dự án đã được đưa vào hoạt động, cho thấy hiệu quả từ cuộc giám sát là có.

Tuy nhiên, ông thừa nhận thực tế cho thấy việc thực hiện Nghị quyết của Quốc hội còn chưa quyết liệt. Một phần nguyên nhân là do các cơ quan có trách nhiệm còn thiếu nỗ lực, vì thế phải làm rõ nguyên nhân, có “địa chỉ” trách nhiệm.

Dẫn chứng 2 dự án Bệnh viện Việt Đức và Bệnh viện Bạch Mai ở Hà Nam, ông Lâm cho hay thời điểm giám sát, Quốc hội đã yêu cầu địa phương, chủ đầu tư phải sớm khắc phục, đưa các công trình vào hoạt động. Thế nhưng từ khi giám sát đến nay đã hơn 3 năm, sự lãng phí vẫn tồn tại khi các công trình chưa thể đưa vào sử dụng. “Rõ ràng, để lãng phí xảy ra trong quá trình lâu dài như vậy, trách nhiệm trước hết thuộc về chủ đầu tư và các cơ quan chức năng có liên quan”, ông nêu quan điểm.

Điểm mặt chỉ tên, quy trách nhiệm

Khẳng định lời hiệu triệu chống lãng phí được Tổng Bí thư nêu ra trong thời điểm này rất đúng, rất trúng, đại biểu Trần Thị Nhị Hà, Ủy viên Ủy ban Xã hội của Quốc hội, nhìn nhận với sự chỉ đạo quyết liệt của Tổng Bí thư, mỗi đơn vị, bộ ngành, địa phương, các cấp chính quyền sẽ phải rà soát lại công việc của đơn vị mình, đặc biệt là các dự án đầu tư không hiệu quả.

Cũng nêu lại 2 dự án bệnh viện tại Hà Nam bị bỏ hoang, lãng phí, bà Hà cho biết Ban Dân nguyện đã nhận được kiến nghị của cử tri và gửi đến Bộ Y tế để giải quyết. “Bộ Y tế cũng đang có động thái tích cực, Chính phủ cũng đã thành lập Ban chỉ đạo để giải quyết nội dung này”, bà Hà ghi nhận. Tuy nhiên, theo nữ đại biểu, trong quá trình giải quyết cần phải quyết liệt, đánh giá thực trạng, nguyên nhân và quan trọng là xác định thời gian sớm nhất để đưa 2 dự án này vào hoạt động.

“Hai bệnh viện này đi vào hoạt động sẽ giúp giảm tải Bệnh viện Bạch Mai, Việt Đức, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân trong việc khám bệnh, chữa bệnh. Đưa dịch vụ y tế gần dân nhất cũng là một biện pháp để chống lãng phí”, bà Hà đánh giá.

Phân tích sâu hơn, đại biểu Trần Thị Nhị Hà chỉ ra phòng chống lãng phí cần được nhìn ở nhiều góc độ, từ việc nhỏ nhất đến những dự án đầu tư lớn. Trong câu chuyện này, bà Hà nói ý thức trách nhiệm của người đứng đầu các đơn vị, ý thức trách nhiệm của mỗi cán bộ công chức, viên chức, người lao động cần được phát huy mạnh mẽ hơn nữa. Đồng thời, cần có giải pháp, biện pháp để thực hiện cho được những chỉ đạo của Tổng Bí thư.

Bên cạnh đó, đại biểu Dương Khắc Mai (đoàn Đắk Nông), Ủy viên Ủy ban Tư pháp, yêu cầu phải “điểm mặt, chỉ tên” những công trình lớn, những lĩnh vực đang để lãng phí. So sánh với công cuộc phòng chống tham nhũng, ông Mai nói vừa qua ai tham nhũng, vấn đề gì, đều đã được Ủy ban Kiểm tra T.Ư, các cơ quan chức năng công khai, đưa hết lên công luận, nên mang tính răn đe rất lớn. “Lãng phí không “kín” như tham nhũng, những dự án không sử dụng được thì đứng sừng sững “trơ gan cùng tuế nguyệt”, người dân nào cũng nhìn thấy”, ông Mai nêu rõ cùng đề nghị phải “theo đến cùng”, nhất là với loạt dự án đã được Quốc hội chỉ ra qua giám sát tối cao.

Vẫn theo đại biểu đoàn Đắk Nông, thời gian qua, Đảng, Nhà nước và cả hệ thống chính trị đã quyết tâm rất cao trong phòng chống tham nhũng. Song, phòng chống tham nhũng phải đi đôi với phòng chống lãng phí. Đây cũng là vấn đề mà tại nhiều kỳ họp Quốc hội, các đại biểu Quốc hội và dư luận xã hội đã nêu.

“Tôi ví dụ, một công trình, có thể có tham nhũng nhưng chỉ ở một phần nào đấy. Nhưng lãng phí là cả công trình đó, thậm chí không dùng được vì những lý do khác nhau, không chỉ lãng phí nguồn lực đầu tư mà còn thách thức dư luận. Những tác hại của lãng phí không kém gì tham nhũng. Tôi rất tán thành lời hiệu triệu của Tổng Bí thư và cho rằng phải quyết liệt trong lĩnh vực này. Thực tế, chúng ta nhìn quanh đây, ngay TP.Hà Nội và một số tỉnh thấy những công trình vật vã lãng phí nằm đó”, đại biểu Dương Khắc Mai bày tỏ.

Về giải pháp, ông Mai cho rằng việc phòng chống tham nhũng, lãng phí từng được Bác Hồ chỉ rõ. Vấn đề hiện nay của chúng ta là xem lại, rà soát lại tinh thần đó và bằng những hành động cụ thể như tuyên truyền để cán bộ, công chức, viên chức, người dân nhận thức đúng, đủ và thực hiện cho tốt. Điểm nữa, ông Mai lưu ý là phải có cơ chế giám sát chặt chẽ của Quốc hội, các cơ quan dân cử, mặt trận và các đoàn thể chính trị – xã hội. “Quan trọng là phải có quyết tâm chính trị cao trong phát hiện, xử lý tội lãng phí, có như thế mới tập trung nguồn lực xây dựng đất nước hùng cường được”, đại biểu Dương Khắc Mai nhấn mạnh.

4 giải pháp chiến lược

Theo Tổng Bí thư Tô Lâm, để chống lãng phí hiệu quả trong thời gian tới cần thực hiện ngay 4 giải pháp chiến lược:

– Đẩy mạnh phòng, chống lãng phí tương đương với phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Từ ban hành quy định của Đảng để nhận diện, chiến lược quốc gia, quy định của pháp luật và thực thi trong toàn Đảng, toàn dân, toàn quân; xử lý nghiêm các cá nhân, tập thể có hành vi, việc làm gây thất thoát, lãng phí tài sản công theo tinh thần “xử lý một vụ cảnh tỉnh cả vùng cả lĩnh vực”.

– Rà soát, bổ sung các quy định về cơ chế quản lý, các định mức kinh tế – kỹ thuật không còn phù hợp với thực tiễn phát triển của đất nước. Hoàn thiện các quy định xử lý hành vi lãng phí; các quy định về quản lý, sử dụng tài sản công; thể chế trong ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, tạo sự đồng bộ trong chuyển đổi để giảm thiểu lãng phí.

– Giải quyết dứt điểm tồn tại kéo dài đối với các dự án quan trọng quốc gia, dự án trọng điểm, dự án hiệu quả thấp, gây thất thoát, lãng phí lớn; các ngân hàng thương mại yếu kém. Sớm hoàn thành cổ phần hóa, nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước.

– Xây dựng văn hóa phòng, chống lãng phí; đưa thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trở thành “tự giác”, “tự nguyện”, “cơm ăn nước uống, áo mặc hằng ngày”.


Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *