Buổi khai mạc Dự án “Tăng cường năng lực tự bảo vệ cho các bé gái người Khmer trước các vấn đề tảo hôn, bạo lực, xâm hại, bắt cóc, mua bán trẻ em gái tại thị xã Tịnh Biên, tỉnh An Giang” diễn ra ngày 21.12 tại thị xã Tịnh Biên (tỉnh An Giang), có sự tham gia của chính quyền địa phương, đại diện của Trường đại học Khoa học xã hội và nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM) cùng các tổ chức xã hội, các trường học và đông đảo người dân Khmer.
Sự kiện đánh dấu một bước khởi đầu đầy hứa hẹn, thể hiện sự cam kết mạnh mẽ của các bên liên quan trong việc bảo vệ quyền lợi và tương lai của các bé gái. Đây là một sáng kiến nhằm tăng cường năng lực tự bảo vệ cho các bé gái người Khmer, một trong những nhóm đối tượng dễ bị tổn thương nhất trước những thách thức của xã hội như tảo hôn, bạo lực gia đình, xâm hại, bắt cóc và buôn bán trẻ em.
Theo bà Nguyễn Lê Thanh Huyền, điều phối viên, dự án hướng tới 3 mục tiêu chính đó là: Tăng cường nhận thức cho các em gái người Khmer, gia đình các em và cả cộng đồng về hậu quả của tảo hôn, bạo lực, xâm hại, bắt cóc và mua bán trẻ em gái; Phát triển năng lực tự bảo vệ cho các em gái, giúp các em nhận biết được các rủi ro và có khả năng phòng tránh, tự bảo vệ bản thân trong những tình huống nguy hiểm; Xây dựng cơ chế hỗ trợ bền vững, kết nối giữa gia đình, nhà trường và các tổ chức xã hội để tạo thành một mạng lưới bảo vệ các em khỏi những rủi ro trong cuộc sống.
Ban điều hành dự án xây dựng một kế hoạch hành động cụ thể với nhiều hoạt động đa dạng, như: phát hành 4.000 cuốn sổ tay để tuyên truyền, tổ chức các buổi truyền thông trực tiếp trong cộng đồng để nâng cao nhận thức về các nguy cơ và hậu quả mua bán trẻ em nói chung và trẻ em gái người Khmer nói riêng… Dự án cũng tổ chức kết nối chính quyền địa phương, nhà trường, các tổ chức xã hội và cộng đồng dân cư thông qua các buổi thảo luận, đối thoại và chia sẻ ý kiến. Bên cạnh đó, sẽ tổ chức các buổi tập huấn cho 100 giáo viên, cán bộ địa phương và phụ huynh học sinh, người có uy tín trong cộng đồng để trang bị các kiến thức, kỹ năng phát hiện và can thiệp sớm các trường hợp trẻ em gái có nguy cơ bị xâm hại, bị lạm dụng hay có nguy cơ tảo hôn, bạo lực, xâm hại, bắt cóc, mua bán trẻ em gái…
Tiến sĩ Nguyễn Thị Hảo, Trưởng Khoa Khoa học liên ngành, Trường đại học Khoa học xã hội và nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM), cho biết dự án hướng tới việc tạo nên một cộng đồng nhận thức rõ hơn về quyền và trách nhiệm bảo vệ trẻ em, trong đó có các bé gái Khmer. Đồng thời, dự án được kỳ vọng góp phần xây dựng một thế hệ trẻ tự tin, có kiến thức và kỹ năng cần thiết để đối mặt với những thách thức trong cuộc sống. Đây không chỉ là một sáng kiến mang tính thời điểm mà còn là nền tảng để xây dựng một cộng đồng Khmer tại An Giang ngày càng bền vững và phát triển toàn diện hơn.
Tiến sĩ Hảo cũng cho biết dự án được tài trợ bởi Quỹ Canada cho các sáng kiến địa phương (CFLI) thuộc Bộ Ngoại giao Canada.
“Vấn đề tảo hôn, bạo lực, xâm hại, bắt cóc và mua bán trẻ em gái là thách thức chung của nhiều cộng đồng dân tộc thiểu số trên khắp cả nước. Những thách thức này ảnh hưởng nghiêm trọng đến tương lai của các em gái – những người lẽ ra phải được đến trường, được học tập và phát triển toàn diện. Trong bối cảnh đó, việc triển khai dự án này là cơ hội để phát triển năng lực bảo vệ các em gái trước những nguy cơ tảo hôn, bạo lực, xâm hại, bắt cóc, mua bán trẻ em gái, cho các bên liên quan như bản thân các em, gia đình, nhà trường và cộng đồng”. Tiến sĩ Hảo chia sẻ.
Cũng theo tiến sĩ Hảo, sự hợp tác này không chỉ thể hiện tinh thần trách nhiệm của nhà trường mà còn khẳng định mong muốn tạo ra một mạng lưới bảo vệ bền vững, nơi trẻ em gái Khmer được sống trong an toàn, phát triển toàn diện và được trang bị đầy đủ kỹ năng tự bảo vệ bản thân.