Công nghệ đặc biệt ở ‘vườn ‘cam tiến vua’ lớn bậc nhất miền Trung

Công nghệ đặc biệt ở 'vườn ‘cam tiến vua' lớn bậc nhất miền Trung- Ảnh 1.

Vườn cam FVF ứng dụng công nghệ cao tại Nghĩa Đàn, tỉnh Nghệ An

Bảo tồn cam Xã Đoài – từng là “sản vật tiến vua”

Gọi vườn cam FVF là “vườn cam di sản”, “vườn cam tiến Vua” bởi lẽ, ngoài giá trị về kinh tế, dự án này được Tập đoàn TH đầu tư mạnh mẽ nhằm phục tráng lại giống cam Xã Đoài – sản vật tiến Vua vang danh một thời, được ghi chép, lưu trữ trong rất nhiều sử liệu trong nước và nước ngoài.

Mô hình trồng cam thực nghiệm ứng dụng công nghệ cao với thương hiệu cam FVF được TH triển khai từ năm 2018, tại xã Nghĩa Bình, H.Nghĩa Đàn. Đây là thời điểm nghề trồng cam ở địa phương điêu đứng khi bị dịch bệnh tàn phá. Người dân đồng loạt chặt bỏ những vườn cam quý, tuổi đời hàng chục năm chuyển đổi sang cây trồng mới. Diện tích giảm mạnh, cam Xã Đoài đứng trước nguy cơ thất truyền, mất thương hiệu.

Quyết tâm gìn giữ, bảo tồn giống cam nổi tiếng của xứ Nghệ, Tập đoàn TH đầu tư dự án mô hình trồng cam thực nghiệm theo định hướng thực hành nông nghiệp sạch bền vững, ứng dụng công nghệ cao và quy trình khép kín từ khâu trồng trọt, chăm sóc, thu hoạch đến bảo quản và phân phối…

Công nghệ đặc biệt ở 'vườn ‘cam tiến vua' lớn bậc nhất miền Trung- Ảnh 2.

Những trái cam FVF có độ ngọt đồng đều, ruột vàng, mọng nước, thơm ngon

Vườn cam chất lượng phải khởi đầu từ nguồn giống tốt. Cam đưa vào trồng trong dự án này là những cây giống có nguồn gốc từ giống cam CS1 được Trung tâm Nghiên cứu và phát triển cây có múi (Viện Nghiên cứu rau quả) tuyển chọn phát triển từ giống Cam Xã Đoài nổi tiếng. Cam CS1 Xã Đoài cho quả tròn đều, vỏ mỏng, ruột vàng óng, ít hạt, múi đều, tép mọng, có vị ngọt thơm, thanh mát.

Ông Phan Tuấn Cường, Tổng giám đốc Công ty TNHH Phát triển triển Chăn nuôi – Giống gia súc, đơn vị thuộc Tập đoàn TH trực tiếp quản lý điều hành dự án Cam cho biết: vườn cam được ứng dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại nhất của Irasel; tuân thủ nghiêm ngặt tiêu chuẩn VietGAP và không sử dụng phân bón hóa học, thuốc trừ sâu.

Trong đó, đặc biệt nhất là công nghệ tưới nhỏ giọt nhập khẩu từ Irasel giúp giảm 2/3 lượng nước so với tưới thủ công, giảm chi phí thuê nhân công và giúp tăng năng suất đến 30%. Trước đây, để tưới nước cho 70 ha vườn, công ty phải huy động 30 lao động, làm việc trong 15 ngày, nhưng với hệ thống tưới nhỏ giọt, chỉ cần 1 người điều khiển là tưới xong trong 3 ngày.

“Vườn cam này được lắp đặt hệ thống châm, tưới phân tự động, hệ thống cảm biến độ ẩm, nhiệt độ, đo tốc độ gió theo dõi toàn diện quá trình sinh trưởng và phát triển để cung cấp đầy đủ, kịp thời đảm bảo đủ nước và chất dinh dưỡng cho cây cam”, ông Cường nói.

Cũng theo ông Cường, ứng dụng công nghệ cao ngoài giúp giảm được các chi phí về nhân công, vật tư thì một lợi điểm quan trọng là giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

Công nghệ đặc biệt ở 'vườn ‘cam tiến vua' lớn bậc nhất miền Trung- Ảnh 3.

Dự án vườn cam thực nghiệm của Tập đoàn TH tại Nghĩa Đàn góp phần bảo tồn giống cam Xã Đoài, từng là sản vật tiến Vua

Mở hướng khôi phục vùng cam nổi tiếng xứ Nghệ

Gần 6 năm đầu tư hàng chục tỉ đồng vào dự án trồng cam thực nghiệm, vườn cam FVF đang vào mùa thu hoạch những “trái ngọt” đầu tiên. Hiện 60% gốc cam trong vườn đã cho thu hoạch quả ở năm thứ 3, dự kiến sản lượng ra thị trường có thể lên đến 1.000 – 1.400 tấn/vụ.

Cũng theo ông Phan Tuấn Cường, hàng loạt giải pháp công nghệ cao, hiện đại ứng dụng vào dự án thực nghiệm này giúp tăng năng suất, chất lượng vượt trội so với trồng cam truyền thống. Thời gian thu hoạch cam kéo dài liên tục trong hơn 3 tháng, từ tháng 11 năm nay cho đến hết tháng 2 năm sau. Đặc biệt, trái cam đồng đều về kích cỡ, đồng nhất về chất lượng hảo hạng. Trong giai đoạn đầu khai thác, cam đạt năng suất khoảng 20 – 25 tấn/ha nhưng theo tính toán ở giai đoạn cây trưởng thành thì năng suất có thể đạt 40 – 50 tấn/ha.

Công nghệ đặc biệt ở 'vườn ‘cam tiến vua' lớn bậc nhất miền Trung- Ảnh 4.

Vườn cam FVF đang vào mùa thu hoạch

“Qua kiểm nghiệm, độ ngọt của cam luôn đạt từ 11,5 độ brix trở lên (đơn vị đo độ ngọt của rau quả) và đến khi quả đạt độ chín có thể lên đến 14 – 15 brix, giàu dinh dưỡng và vitamin, tốt cho sức khỏe. Trước khi chính thức ra thị trường, cam được Viện Kiểm nghiệm An toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia (Bộ Y tế) công bố đạt các chỉ tiêu về an toàn thực phẩm”, ông Cường nói.

Ông Nguyễn Văn Nam, Phó Trưởng phòng NN-PTNT H.Nghĩa Đàn cho biết, mô hình thực nghiệm cam FVF là một điển hình ứng dụng công nghệ cao, phát triển nông nghiệp xanh bền vững mang lại giá trị kinh tế cao từ nghề trồng cam. Ở thời kỳ phát triển nhất, diện tích cam ở Nghĩa Đàn lên tới 1.800 ha nhưng do dịch bệnh tàn phá, cam thoái hóa, dân chặt bỏ ồ ạt nên diện tích hiện nay chỉ còn hơn 170 ha.

Theo đó, ông Nam cho rằng, mô hình thực nghiệm trồng cam FVF theo hướng nông nghiệp sạch và ứng dụng công nghệ cao giúp người nông dân địa phương thấy được hướng đi mới trong phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập từ nghề trồng cam và cũng mở ra hướng đi mới cho lãnh đạo địa phương để dần khôi phục lại vùng cam nổi tiếng xứ Nghệ phục vụ tiêu thụ trong nước, tạo vùng nguyên liệu chế biến sâu các sản phẩm từ cam.

Những thành quả bước đầu từ dự án “bảo tồn di sản cam tiến vua” của TH đang mở ra những kỳ vọng mới cho chính quyền, người dân địa phương để dần thay thế những cây trồng kém hiệu quả, tạo đột phá phát triển kinh tế nông nghiệp ở miền Tây xứ Nghệ.


Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *