‘Cuộc chiến’ của Tiến Linh

Cho dù vẫn còn nhiều khen chê, Tiến Linh vẫn được xem là tiền đạo nội đẳng cấp nhất trong hơn nửa thập kỷ qua. Và anh cũng đang đứng trước cơ hội trở thành cầu thủ Việt đầu tiên kể từ năm 2017 đoạt danh hiệu Vua phá lưới.

1. Năm 2017, lão tướng Nguyễn Anh Đức đã có một mùa giải cực ấn tượng khi vượt qua một loạt những chân sút ngoại như Nsi Amougou (Cần Thơ), và Dyachenko (TPHCM), Errol Steven (Hải Phòng) để trở thành Vua phá lưới V-League với 17 bàn thắng. Anh cũng là cầu thủ Việt đầu tiên sau 15 năm đoạt danh hiệu Vua phá lưới.

Ngay ở mùa giải sau đó, đàn em của Đức “Eto’o” ở Bình Dương là Tiến Linh nổi lên với 15 bàn thắng sau 19 trận. Dù không thể đoạt danh hiệu Vua phá lưới vì kém Ganiyu Oseni (Hà Nội) đúng 1 bàn, song tiền đạo sinh năm 1997 này đã được giới chuyên môn xem như Anh Đức mới của bóng đá Bình Dương cũng như ĐTQG. Chỉ có điều đó cũng là mùa giải duy nhất, Tiến Linh ghi được hơn 10 bàn thắng.

Mùa giải hiện tại thì sao? Với hiệu suất 7 bàn/9 trận, và còn một nửa chặng đường nữa, Tiến Linh đang đồng dẫn đầu danh sách phá lưới V-League 2024-25 với hai chân sút khác là Xuân Son (Nam Định) và Leo Artur (CAHN). Với việc Xuân Son phải nghỉ thi đấu hết mùa, Tiến Linh đã bớt đi một đối thủ cạnh tranh. Nên nhớ, Xuân Son chính là Vua phá lưới V-League hai mùa liên tiếp với số bàn thắng lần lượt là 16 và 31.

Theo sát ba chân sút trên là Lucao do Break (Hải Phòng) với 6 bàn thắng. Còn ở dưới nữa là Châu Ngọc Quang (HAGL), Geovane Magno (Hà Tĩnh) và Luiz Antonio (Thanh Hóa) với 4 bàn.

Tiêu điểm: “Cuộc chiến” của Tiến Linh - Ảnh 1.

Tiến Linh đang có cơ hội lớn đua danh hiệu Vua phá lưới. Ảnh: Becamex Bình Dương

2. Dù Bình Dương có nhiều biến động trong khu vực kỹ thuật, Tiến Linh vẫn là trung tâm trong lối chơi của đội bóng đất Thủ. Việc không có ngoại binh giỏi trên hàng công khiến anh càng trở nên quan trọng, khi là điểm đến số một trong các đợt tấn công.

So với các mùa trước, Tiến Linh đã hoàn thiện khả năng săn bàn. Ngoài sở trường đánh đầu, kỹ năng dứt điểm bằng chân của anh cũng được cải thiện rõ rệt. Đồng đội như Vĩ Hào, Việt Cường hay Minh Khoa luôn ưu tiên tìm kiếm Tiến Linh trong các pha triển khai bóng, giúp anh có nhiều cơ hội ghi bàn hơn. Nhưng khác với các ứng viên khác, Tiến Linh không có đồng đội ngoại binh chất lượng để làm nhiệm vụ càn lướt và thu hút hàng thủ đối phương. Điều này buộc anh phải tự xoay xở nhiều hơn, đối mặt với sự theo kèm chặt chẽ từ các hậu vệ đối phương – phần lớn là ngoại binh. Dù vậy, đây cũng là động lực để Tiến Linh chứng tỏ khả năng. Nếu vượt qua thử thách này, anh sẽ khẳng định vị thế của tiền đạo nội số một Việt Nam.

Các đối thủ của Tiến Linh thì sao? Sau khi Xuân Son chấn thương, Leo Artur chắc chắn là đối thủ đáng gờm nhất. Cho dù không phải một trung phong cắm, nhưng ngôi sao người Brazil có khả năng ghi bàn đa dạng. Anh còn nhận được nhiều sự hỗ trợ chất lượng như Văn Thanh, Quang Hải, Jason Pendant Quang Vinh, Alan Grafite. Tuy nhiên, việc CAHN phải chinh chiến ở nhiều đấu trường, khiến thể lực của Artur có thể bị ảnh hưởng. Trong khi đó, Lucao là một trung phong đúng nghĩa, có thể bùng nổ ở giai đoạn cuối mùa. Tuy nhiên, Hải Phòng đang gặp khó khăn về phong độ, ảnh hưởng đến khả năng cung cấp bóng cho anh.

Những đối thủ còn lại của Tiến Linh không quá đáng ngại. Hà Tĩnh chơi phòng ngự phản công, không phải đội bóng tấn công mạnh. Điều này khiến Geovanne (4 bàn) có ít cơ hội ghi bàn hơn so với các đối thủ khác. Tương tự là trường hợp của Luiz Antonio (Thanh Hóa), trong khi Châu Ngọc Quang (HAGL) vốn là một tiền vệ trung tâm. Tóm lại, chân sút gốc Hải Dương đang là niềm hy vọng lớn nhất của các chân sút nội trong cuộc đua mà các tiền đạo ngoại thường xuyên chiếm ưu thế trong nhiều năm qua.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *