Đà Nẵng nhân rộng mô hình nuôi thương phẩm cá thát lát cườm

Ngày 21.12, Trung tâm Khuyến ngư nông lâm TP.Đà Nẵng cho biết mô hình nuôi cá thát lát cườm đã phát huy hiệu quả sau 2 năm thực hiện.

Bà Ngô Thị Kim Cương, Phó giám đốc Trung tâm Khuyến ngư nông lâm, cho biết tại TP.Đà Nẵng thời gian qua lĩnh vực nuôi trồng thủy sản nước ngọt với diện tích 150 ha (chủ yếu ở H.Hòa Vang) đã mang lại hiệu quả và nguồn thu nhập đáng kể, tạo công ăn việc làm, xóa đói giảm nghèo và đặc biệt có một số hộ thu nhập cao.

cá thát lát cườm

Kiểm tra quá trình nuôi cá thát lát cườm

Tuy nhiên, nghề nuôi cá nước ngọt chưa được khai thác đúng mức, hiệu quả kinh tế chưa tương xứng với tiềm năng do đa phần nuôi các loài truyền thống, phổ biến…

Thời gian gần đây, một số hộ dân tại các vùng nuôi trồng thủy sản ở H.Hòa Vang đã du nhập nuôi thử nghiệm cá thát lát cườm. 

Ban đầu, cá giống được mua từ nhiều nguồn khác nhau nên giá cao, không chủ động nguồn cấp, chất lượng con giống khó kiểm soát, tỷ lệ hao hụt cao, kinh nghiệm nuôi chưa nhiều… nên chi phí sản xuất cao.

Do đó, trong năm 2023 và 2024, Trung tâm Khuyến ngư nông lâm đã thực hiện đề tài “Nghiên cứu xây dựng quy trình sinh sản nhân tạo và nuôi thương phẩm loài cá thát lát cườm tại TP.Đà Nẵng”.

cá thát lát cườm

Khu vực nuôi thí điểm tại H.Hòa Vang

Kết quả đã cho sinh sản được 30.000 cá giống thát lát cườm kích cỡ 8 -10 cm. Riêng năm 2023 đã sinh sản được 16.000 con cá giống và hỗ trợ cho 4 hộ trên địa bàn H.Hòa Vang nuôi thương phẩm, thí điểm 2 hình thức nuôi trong ao và nuôi trong lồng đặt trong ao xen ghép với 8.000 con cá loài khác (mè, chép).

Sau 1 năm nuôi thương phẩm, 4 hộ thu được 7,65 tấn cá các loại. Trong đó, cá thát lát 5,2 tấn, các loại cá khác (mè, chép) 2,45 tấn. Với giá bán hiện tại 80.000 đồng/kg cá thát lát cườm, cá mè chép giá 45.000 đồng/kg, tỷ lệ sống từ 61 – 70%, sau khi trừ chi phí, các hộ lợi nhuận từ 15 – 28 triệu đồng/1.000 m2 diện tích ao nuôi.

“Tạo ra con giống có nguồn gốc tại chỗ phù hợp với điều kiện sinh thái của vùng nuôi là cơ sở bước đầu thuận lợi cho việc phát triển nuôi thương phẩm. Việc chủ động nguồn cá giống thát lát cườm góp phần thúc đẩy nuôi trồng thủy sản phát triển bền vững, theo hướng phát triển các loài có giá trị cao, nhằm mang lại hiệu quả kinh tế cho người nuôi địa phương. Từ đó, góp phần phát triển nghề nuôi cá nước ngọt trên địa bàn thành phố theo hướng đa dạng hoá, khai thác hết tiềm năng diện tích mặt nước và các điều kiện sẵn có”, bà Ngô Thị Kim Cương nói.


Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *