Năm 2025 đánh dấu tròn nửa thế kỷ kể từ thời khắc lịch sử ngày 30/4/1975, ngày đất nước thống nhất, chấm dứt cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ, cứu nước trường kỳ, mở ra kỷ nguyên mới cho dân tộc Việt Nam.
Nhìn lại chặng đường 50 năm, Đại thắng mùa Xuân năm 1975 không chỉ là biểu tượng của bản lĩnh và trí tuệ Việt Nam, mà còn là nền tảng tinh thần, là điểm tựa chiến lược vững chắc để đất nước tiếp tục phát triển bền vững trong thời đại hội nhập và toàn cầu hóa. Từ những giá trị ấy, nhiều chuyên gia, nhà nghiên cứu đã chỉ ra những bài học lớn, có thể vận dụng sâu sắc trong giai đoạn hiện nay.
Tầm nhìn chiến lược từ bản lĩnh lịch sử
Theo Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Văn Nhật, Phó Tổng Thư ký Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, Đại thắng mùa Xuân 1975 là kết tinh của bản lĩnh dân tộc, tầm nhìn chiến lược của Đảng và sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại. Chiến thắng ấy không chỉ khẳng định vai trò lãnh đạo tài tình của Đảng trong sự nghiệp giải phóng dân tộc mà còn là tiền đề lịch sử, mở ra kỷ nguyên phát triển độc lập, tự chủ, hội nhập và hiện đại hóa của đất nước.

Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hoà bình tại Việt Nam (1973) là một thắng lợi có ý nghĩa lịch sử của dân tộc Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Nhân dân Việt Nam đã thực hiện được mục tiêu “đánh cho Mỹ cút”, mở ra một giai đoạn mới, tạo thuận lợi để tiếp tục “đánh cho Ngụy nhào” trong Đại thắng Mùa Xuân 1975, hoàn thành tâm nguyện của Bác Hồ kính yêu, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Ảnh: TTXVN
Để hiện thực hóa tinh thần Đại thắng trong thời kỳ mới, Phó Giáo sư Nguyễn Văn Nhật cho rằng cần tiếp tục phát huy tinh thần đổi mới tư duy, cải cách thể chế mạnh mẽ, giữ vững vai trò hạt nhân của Đảng trong bối cảnh cạnh tranh chiến lược toàn cầu. Trên nền tảng những thành quả đã đạt được, Việt Nam cần chủ động thích ứng với các thách thức toàn cầu như chuyển đổi số, biến đổi khí hậu, biến động kinh tế… bằng cách xây dựng một nền kinh tế độc lập, tự chủ dựa trên khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chất lượng nguồn nhân lực.
Đặc biệt, trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và xu thế hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, Đảng và Nhà nước cần phát huy vai trò trong việc xây dựng và hoàn thiện thể chế, chính sách nhằm tạo môi trường thuận lợi cho phát triển kinh tế, xã hội bền vững, gắn với mục tiêu nâng cao năng suất, chất lượng và năng lực cạnh tranh quốc gia. Cùng với đó, cần mở rộng không gian phát triển công nghệ, đầu tư nước ngoài có chọn lọc và liên kết chuỗi giá trị toàn cầu.
Phó Giáo sư, Nguyễn Văn Nhật cho rằng, bài học lớn từ chiến thắng 30/4/1975 là sức mạnh của đại đoàn kết toàn dân tộc. Trong giai đoạn mới, để tạo dựng sự đồng thuận xã hội vững chắc, cần chăm lo lợi ích thiết thực của nhân dân, phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa và lấy con người làm trung tâm trong mọi chính sách phát triển. Có như vậy, Việt Nam mới có thể chuyển hóa những bài học lịch sử thành động lực phát triển thực chất, vững chắc, tiến tới xây dựng một quốc gia hùng cường, dân chủ, công bằng và văn minh.

Sáng sớm ngày 30/4/1975, từ khắp các hướng quân đội ta ào ạt tiến vào Sài Gòn. Quân ta nhanh chóng chiếm được Bộ tư lệnh không quân và Bộ tư lệnh sư đoàn dù của địch làm chủ sân bay Tân Sơn Nhất.Trong ảnh: Cờ giải phóng tung bay trên sân bay Tân Sơn Nhất, ngày 30/4/1975. Ảnh: Quang Thành – TTXVN
Giá trị lịch sử trong chiến lược phát triển bền vững
Thạc sỹ Nguyễn Thị Huệ, Viện Nghiên cứu Văn hóa, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam chia sẻ, bài học lớn nhất từ Đại thắng mùa Xuân năm 1975 không chỉ nằm ở giá trị tinh thần và bản lĩnh dân tộc, mà còn là nền tảng chiến lược để xác định mô hình phát triển trong kỷ nguyên mới. Đó là sự kết hợp giữa sức mạnh truyền thống với yêu cầu của thời đại, giữa ý chí tự lực, tự cường với tinh thần đổi mới và hội nhập.
Trên hành trình phát triển hiện nay, Việt Nam đang sở hữu nhiều lợi thế mang tính chiến lược. Đó là lực lượng “dân số vàng” với khoảng 70% dân số ở độ tuổi lao động; là vị trí địa kinh tế trọng yếu trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương; là nền văn hóa thống nhất, đa dạng và khát vọng phát triển mạnh mẽ của toàn dân tộc. Những lợi thế này nếu được phát huy hiệu quả sẽ tạo nên xung lực mới cho tăng trưởng, giúp đất nước rút ngắn khoảng cách phát triển so với các quốc gia tiên tiến. Tuy nhiên, theo Thạc sỹ Nguyễn Thị Huệ, để những tiềm năng đó thực sự trở thành động lực phát triển bền vững, cần có sự đổi mới căn bản về tư duy, chính sách và hành động.
Về giải pháp, Thạc sỹ Nguyễn Thị Huệ cho rằng, cải cách thể chế phải được coi là khâu đột phá chiến lược. Trước hết, cần xây dựng một hệ thống pháp luật đồng bộ, minh bạch, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người dân, doanh nghiệp. Bộ máy nhà nước cần được tinh gọn, hiệu quả, tập trung nâng cao năng lực thực thi chính sách… Bên cạnh đó, cần đổi mới toàn diện giáo dục và đào tạo nhằm xây dựng đội ngũ nhân lực chất lượng cao, có khả năng thích ứng linh hoạt với chuyển đổi số, kinh tế số và các ngành công nghiệp nền tảng mới của kỷ nguyên tri thức. Phát triển bền vững không chỉ nằm ở tăng trưởng kinh tế mà còn là sự kết hợp hài hòa giữa tăng trưởng với công bằng xã hội, bảo vệ môi trường và giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc. Để làm được điều đó, Việt Nam cần có chiến lược phát triển văn hóa lâu dài, coi văn hóa là nền tảng tinh thần, là sức mạnh nội sinh và là giá trị mềm của quốc gia. Mỗi chính sách phát triển phải hướng tới con người, lấy con người làm trung tâm và mục tiêu. Bởi lẽ, phát triển bền vững trong thế kỷ XXI là phát triển vì con người, do con người và vì tương lai của thế hệ mai sau.

Sáng 30/4/1975, từ khắp mọi hướng, hàng trăm xe tăng, xe thiết giáp cùng bộ binh đồng loạt thẳng tiến Phủ Tổng thống Ngụy quyền Sài Gòn, giải phóng Sài Gòn. Ảnh: Hứa Kiểm – TTXVN
Từ truyền thống đến khát vọng phát triển
Thạc sỹ Hoàng Thị Thu Hằng, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam cho rằng, việc kế thừa và phát huy truyền thống lịch sử cần được cụ thể hóa thành những hành động thiết thực trong bối cảnh mới; không chỉ là việc ôn lại niềm tự hào dân tộc, tiếp lửa truyền thống mà còn là trách nhiệm xây dựng nền tảng tư tưởng, bản lĩnh và khát vọng vươn lên cho thế hệ trẻ, những người sẽ quyết định diện mạo đất nước trong tương lai.
Theo Thạc sỹ Hoàng Thị Thu Hằng, để khơi dậy tinh thần dân tộc và nuôi dưỡng lý tưởng phát triển quốc gia, cần có chiến lược đồng bộ giữa giáo dục, truyền thông và thể chế. Trong đó, giáo dục lịch sử đóng vai trò then chốt. Việc đổi mới chương trình và phương pháp giảng dạy lịch sử trong nhà trường phổ thông cần được đẩy mạnh theo hướng gần gũi, sinh động, gắn với các câu chuyện người thật, việc thật. Có thể ứng dụng công nghệ thực tế ảo (AI), mô phỏng 3D, phim tài liệu tương tác, hoặc các nền tảng số để tái hiện những cột mốc lịch sử như Chiến dịch Hồ Chí Minh, qua đó giúp học sinh cảm nhận sâu sắc giá trị độc lập, tự do mà thế hệ cha anh đã đánh đổi bằng xương máu.

Đồng bào Tây Nguyên múa hát mừng chiến thắng (1975). Ảnh: Thanh Tụng – TTXVN
Bên cạnh đó, truyền thông cần đóng vai trò truyền cảm hứng, đặc biệt là trên không gian số, nơi người trẻ tiếp cận thông tin nhiều nhất. Những giá trị truyền thống cần được “hiện đại hóa” cách thể hiện, thông qua các sản phẩm sáng tạo như podcast lịch sử, video ngắn, mạng xã hội, giúp tinh thần tự tôn dân tộc lan tỏa tự nhiên trong đời sống hiện đại. Các chiến dịch truyền thông cộng đồng có thể gắn với các dịp kỷ niệm lớn, tạo thành đợt sinh hoạt chính trị, văn hóa sâu rộng trong giới trẻ; cần xây dựng hệ thống thể chế, chính sách phù hợp để tạo điều kiện cho thế hệ trẻ phát huy vai trò, đóng góp tích cực vào sự phát triển đất nước. Những không gian thảo luận chính sách mở, các chương trình thực tập thực tế, sáng kiến thanh niên đổi mới sáng tạo… chính là cơ hội để họ biến khát vọng thành hành động cụ thể vì đất nước. Theo Thạc sỹ Hoàng Thị Thu Hằng, khi mỗi người trẻ nhận thức được vai trò của mình và được tạo cơ hội để cống hiến, họ sẽ trở thành lực lượng nòng cốt đưa đất nước phát triển vững mạnh trong giai đoạn mới.