Đạo luật CHIPS trước nguy cơ bị bãi bỏ sau bầu cử Mỹ

Trong một cuộc phỏng vấn với truyền thông địa phương, ông Johnson đến từ đảng Cộng hòa cho biết nếu đảng của ông giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống, họ có thể sẽ bãi bỏ Đạo luật CHIPS. Ông cho biết: “Tôi tin rằng điều này có thể xảy ra, mặc dù chúng tôi vẫn chưa phát triển kế hoạch này trong chương trình nghị sự”.

Đạo luật CHIPS trước nguy cơ bị bãi bỏ sau bầu cử Mỹ- Ảnh 1.

Nhiều công ty đã xây dựng nhà máy bán dẫn tại Mỹ và chờ nguồn tiền tài trợ giải ngân từ Đạo luật CHIPS

Tầm quan trọng của Đạo luật CHIPS

Sau khi tuyên bố của ông Johnson được đưa ra, Hạ nghị sĩ Brandon Williams (đảng Cộng hòa) đã bày tỏ sự phản đối việc bãi bỏ luật. Williams nhấn mạnh tầm quan trọng của Đạo luật CHIPS đối với khu vực ông quản lý là New York, nơi Micron đang có kế hoạch xây dựng một nhà máy bán dẫn lớn tại đây. Williams cho biết: “Tôi sẽ nhắc nhở Johnson về tầm quan trọng của đạo luật này và sự cần thiết phải bắt đầu xây dựng nhà máy Micron”.

Đạo luật CHIPS đã được Quốc hội Mỹ khóa 117 thông qua và được Tổng thống Joe Biden ký vào tháng 8.2022 với mục tiêu củng cố ngành công nghiệp bán dẫn trong nước. Luật này đã phân bổ khoảng 53 tỉ USD để phát triển sản xuất chip, trong đó có 39 tỉ USD dành cho trợ cấp xây dựng các nhà máy.

Đáng chú ý, mặc dù Bộ Thương mại Mỹ đã phân phối 36 tỉ USD, chủ yếu cho Intel, Micron, TSMC và Samsung, nhưng phần lớn số tiền vẫn chưa được thanh toán. Bất kỳ việc ngừng hỗ trợ tài chính nào cũng đều có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng cho các công ty này, đặc biệt khi Intel, TSMC và Samsung đã bắt đầu xây dựng các nhà máy ở Arizona, Texas, Ohio và đang chờ hoàn trả chi phí.


Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *