Ngày 23/12 tới, vở nhạc kịch được giới thiệu đạt “chuẩn Broadway” của Việt Nam mang tên Giấc mơ Chí Phèo do dàn nghệ sĩ của Nhà hát ca múa nhạc Thăng Long sẽ công diễn tại Nhà hát Hồ Gươm. Dù vậy, lượng vé của đêm diễn đã được bán hết trước đó một tuần.
Trước buổi ra mắt chính thức trước công chúng này, vở nhạc kịch đã tham gia Liên hoan ca múa nhạc toàn quốc 2024 (diễn ra từ 21- 30/11 tại Vĩnh Phúc) và giành được 8 giải thưởng. Trong đó có giải xuất sắc cho vở nhạc kịch Giấc mơ Chí Phèo và giải Nhạc sĩ xuất sắc cho Đỗ Ngọc Cầm (Dương Cầm). Ngoài ra là 3 huy chương Vàng và 3 huy chương Bạc cho các tiết mục trong vở diễn.
Những yếu tố “made in Việt Nam”
Như chia sẻ của nhạc sĩ Dương Cầm – giám đốc sản xuất chương trình – thì sự ra đời của vở kịch Giấc mơ Chí Phèo đến từ nhu cầu thực tế của khán giả đại chúng Việt Nam mong muốn được thưởng thức nhạc kịch của người Việt Nam theo chuẩn nhạc kịch chuẩn quốc tế.
“Chúng tôi không chỉ nỗ lực biến Giấc mơ Chí Phèo trở thành thương hiệu nhạc kịch Việt Nam (musical made in Vietnam) mà đặc biệt hơn, khán giả được thưởng thức một vở nhạc kịch chuẩn Broadway được dựng từ tác phẩm văn học Việt Nam. Đó là tình yêu dành cho văn hóa dân tộc và cũng là khát vọng đưa nhạc kịch Việt Nam lên sân khấu quốc tế của chúng tôi” – nhạc sĩ Dương Cầm cho hay.
Với thời lượng 90 phút, nhạc kịch Giấc mơ Chí Phèo khắc họa cuộc đấu tranh nội tâm đầy khốc liệt của nhân vật Chí Phèo trước bi kịch số phận của mình. Trong vở diễn, hình ảnh Chí Phèo được tái hiện với xuất thân và diện mạo trung thành với nguyên tác văn học của nhà văn Nam Cao.
Tuy nhiên, vở nhạc kịch không tập trung khắc họa sự u ám trong tâm lý hay hiện thực khắc nghiệt của xã hội phong kiến mà khai thác yếu tố lãng mạn trong câu chuyện lứa đôi của Chí Phèo và Thị Nở. Theo biên kịch Đinh Tiến Dũng, yếu tố tình yêu và giá trị nhân văn trong tác phẩm gốc chính là điểm tựa, đồng thời là nguồn cảm hứng mạnh mẽ cho anh khi viết kịch bản cho tác phẩm này.
“Khi đọc nguyên tác Chí Phèo của nhà văn Nam Cao nhiều lần, ở nhiều giai đoạn nhận thức khác nhau, tôi tưởng tượng ra rằng, nhà văn Nam Cao vào thời đại của ông, sẽ chỉ nhìn thấy một vòng lặp thiện – ác bất tận. Khi Bá Kiến chết đi, Lý Cường con trai lão sẽ lên thay. Thị Nở ôm cái bụng bầu nhìn ra lò gạch, rồi từ cái lò gạch đó, lại sẽ có một Chí Phèo mới ra đời, rồi sẽ lại đi ở đợ cho nhà Lý Cường, rồi lại phải bóp chân cho một bà vợ nào đó của Lý Cường, cứ thế, cứ thế…” – biên kịch Đinh Tiến Dũng cho hay.
Anh nói tiếp: “Nhà văn Nam Cao sẽ không thể biết được là ngày nay, làng Vũ Đại đã thanh bình và có nghề kho cá ngon nổi tiếng khắp nơi trên thế giới, được bán với giá mà xưa chắc chỉ nhà Bá Kiến đủ tiền ăn thường xuyên. Điều đó có nghĩa rằng, vòng lặp đau khổ của quá khứ kia rồi sẽ đến lúc bị “chặt đứt”. Xuất phát từ suy nghĩ đó, tôi đã bắt tay vào viết kịch bản Giấc mơ Chí Phèo với một tinh thần tích cực hơn. Tôi thấy và muốn tôn vinh giá trị từ tình yêu trong tác phẩm văn học này nhiều hơn và đã xây dựng vở diễn từ suy nghĩ này…”
Từ kịch bản, Chí Phèo được tái hiện qua lăng kính âm nhạc của nhạc sĩ Dương Cầm, với hình ảnh đầy thiện lương và nhân ái. Dù có bị vùi dập bởi số phận, dù trong mọi hoàn cảnh, tình yêu luôn là sự cứu rỗi. Vì ai cũng muốn được sống một cuộc đời bình thường và được yêu thương. Đáng kinh ngạc, nhạc sĩ đã sáng tác 19 ca khúc cho vở kịch chỉ trong 5 ngày không ngừng nghỉ.
Được biết, toàn bộ phần âm nhạc bên trong vở diễn được thể hiện đúng theo phong cách âm nhạc Broadway với sự đa dạng của các thể loại âm nhạc thịnh hành như pop, rock, opera… Nhưng, để khẳng định đây là vở nhạc kịch mang dấu ấn Việt Nam với công chúng trong nước và quốc tế, chương trình được mở màn với điệu xẩm Ngược đời và kết thúc bằng khúc hát ru mang đậm bản sắc văn hóa Việt Nam.
Giấc mơ Chí Phèo sẽ là vở diễn mở màn cho hành trình nhạc kịch (musical) mà họ muốn theo đuổi lâu dài trong thời gian tới. Vì vậy, các vở nhạc kịch trong tương lai có thể sẽ hướng đến những nhân vật như Lý Thông, Mị…
Phong cách quốc tế, nhưng nội dung Việt Nam
Qua thời gian rèn luyện bền bỉ, các nghệ sĩ Nhà hát Ca Múa Nhạc Thăng Long đã hội tụ đủ kỹ năng để đạt chuẩn Broadway. Nhạc sĩ Dương Cầm cũng nhấn mạnh rằng, âm nhạc chiếm đến 90% thời lượng vở diễn là một trong những yếu tố đạt tiêu chuẩn hàng đầu của Broadway. Ngoài ra, là sự đảm bảo cả 3 yếu tố ca hát – nhảy múa – diễn xuất được xuyên suốt cả vở diễn và đặc biệt, được thể hiện trong từng vai diễn của mỗi nhân vật.
“Đó là cả một hành trình được chuẩn bị kỹ lưỡng và lâu dài, không phải một sớm một chiều mà chúng tôi có ngay được một ê-kíp như vậy. Ngay cả việc sáng tác âm nhạc cho vở diễn, tôi đã dành một khoảng thời gian dài không ra mắt bất kỳ tác phẩm nào, để tích lũy cảm hứng và dồn hết tâm huyết cho dự án này” – nhạc sĩ Dương Cầm chia sẻ.
Cùng với việc chuẩn hóa các diễn viên cho vở nhạc kịch mang thương hiệu nhạc kịch Việt Nam, ê-kíp của chương trình còn tiết lộ Giấc mơ Chí Phèo sẽ là vở diễn mở màn cho hành trình nhạc kịch (musical) mà họ muốn theo đuổi lâu dài trong thời gian tới. Vì vậy, các vở nhạc kịch trong tương lai có thể sẽ hướng đến những nhân vật như Lý Thông, Mị…
Khi tiết lộ điều này, nhạc sĩ Dương Cầm cho rằng chất liệu văn học Việt Nam đi vào các tác phẩm sáng tạo khác như âm nhạc, điện ảnh, hội hoạ từ trước đến nay không còn là điều xa lạ. Và với suy nghĩ rằng “người Việt Nam ăn đồ Việt Nam là ngon nhất”, nhạc sĩ Dương Cầm đã lựa chọn thực hiện một vở nhạc kịch với phong cách quốc tế nhưng có nội dung Việt Nam để tiếp cận khán giả.
Trước những nỗ lực sáng tạo đem đến cho công chúng những sản phẩm nghệ thuật đẳng cấp có đầu tư của các nghệ sĩ nhà hát Ca Múa Nhạc Thăng Long, NSND Tấn Minh, Giám đốc Nhà hát Ca múa nhạc Thăng Long, chỉ đạo nghệ thuật vở diễn, nhận định: Nhạc kịch Giấc mơ Chí Phèo ra đời xuất phát từ sự lắng nghe, nắm bắt được nhu cầu xem – nghe – thưởng thức của khán giả đại chúng và xu hướng nhạc kịch tại Việt Nam. Do đó, anh mong rằng vở diễn không chỉ khẳng định thương hiệu Broadway Musical của Việt Nam mà còn mở ra cơ hội để nhạc kịch Việt Nam có thể đến với công chúng quốc tế. Theo đó, vở diễn dự kiến sẽ đến với công chúng toàn quốc, ở nhiều không gian biểu diễn khác nhau sau đêm 23/12 tới đây.
Còn bà Nguyễn Thu Quỳnh – Giám đốc Công ty TNHH Phát triển nghệ thuật và giải trí Dương Cầm, đơn vị tổ chức sản xuất – thì vở nhạc kịch Giấc mơ Chí Phèo không chỉ là một sản phẩm sáng tạo nghệ thuật chất lượng mà còn chứa đựng cả tâm huyết của những người nghệ sĩ muốn đóng góp cho nền nhạc kịch của Việt Nam.
“Tôi cho rằng, với thành công vang dội tại Liên hoan ca múa nhạc toàn quốc 2024 và sự đón nhận nồng nhiệt từ khán giả, vở nhạc kịch Giấc mơ Chí Phèo cho thấy sự đáp ứng tốt nhu cầu của khán giả trong việc được thưởng thức một vở nhạc kịch chuẩn Broadway quốc tế ngay tại sân khấu Việt Nam. Hơn thế, vở nhạc kịch dựa trên cảm hứng từ văn học Việt Nam đã nối dài những giá trị văn chương và cái đẹp đến công chúng trong và ngoài nước” – bà Thu Quỳnh chia sẻ.
Từ “Chí Phèo” đến “Giấc mơ Chí Phèo”
Được giới thiệu là vở nhạc kịch Broadway đầu tiên của Việt Nam, lấy cảm tác từ tác phẩm văn học Chí Phèo của nhà văn Nam Cao, Giấc mơ Chí Phèo là dự án tâm huyết được thực hiện sau hàng chục năm ấp ủ, bởi các nghệ sĩ: nhạc sĩ, nhà sản xuất Dương Cầm; biên kịch Đinh Tiến Dũng; đạo diễn, NSƯT Phùng Tiến Minh và chỉ đạo nghệ thuật NSND Huỳnh Tấn Minh.Trong số các nghệ sĩ Nhà hát ca múa nhạc Thăng Long, ca sĩ Đông Hùng tham gia vai Chí Phèo và Hoàng Thái Phương (hiện là sinh viên thanh nhạc trường Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội) tham gia vai Thị Nở.