Như Thanh Niên đã thông tin, bác sĩ Huỳnh Trung Tuần, nhân viên y tế trường học công tác tại Q.11 (TP.HCM), cho biết nhân viên y tế trường học nắm giữ trách nhiệm lớn trong chăm sóc, phòng ngừa dịch bệnh, đảm bảo sức khỏe cho đội ngũ học sinh (HS), giáo viên (GV), nhân viên trường học (NVTH).
Hiện nay, theo quy định, nhân viên y tế trường học được phụ cấp ưu đãi nghề tối đa là 20%. Nhân viên thiết bị trường học, thư viện nếu được phụ cấp độc hại sẽ là 0,1 – 0,2. Nhân viên thủ quỹ được phụ cấp 0,1. Nhân viên kế toán, văn thư, công nghệ thông tin không có phụ cấp, chỉ hưởng lương theo ngạch bậc. TP.HCM có một số ưu đãi đặc thù như Nghị quyết 08 chi thu nhập tăng thêm cho công chức, viên chức; còn ở các tỉnh thành không có khoản tiền này nên đời sống NVTH rất chật vật.
Do đó, bác sĩ Tuần nhấn mạnh quan điểm cần tăng các khoản phụ cấp cho nhân viên y tế trường học nói riêng và NVTH nói chung. Điều này mang tính nhân văn và giúp thu hút nhân lực giỏi vào ngành GD-ĐT, giúp ích cho HS và thúc đẩy sự phát triển chung của ngành.
Nhiều cán bộ quản lý, chuyên gia giáo dục cũng cho rằng về gốc rễ, Bộ GD-ĐT, Bộ Nội vụ cần rà soát, đề xuất để đội ngũ NVTH được hưởng phụ cấp nghề, phụ cấp thâm niên phù hợp vị trí, việc làm, tương xứng với những đóng góp của họ, giúp họ được cải thiện thu nhập, ổn định cuộc sống.
Chạnh lòng khi so với giáo viên
Nói về công việc của NVTH, cụ thể là nhân viên văn thư, BĐ Le Hong Lien cho biết: “Làm nhân viên văn thư trường học được 14 năm, nhưng giờ lương vẫn chưa qua được 7 triệu đồng/tháng. Mỗi lần nhìn bảng lương thấy lương GV, tự nhiên mình cảm thấy chạnh lòng, cho dù mình tốt nghiệp cao đẳng. Nhân viên văn thư trường học không hề có bất kỳ một khoản phụ cấp nào ngoài lương. Rất mong các cấp quan tâm đến NVTH để chúng tôi được đảm bảo tốt hơn cuộc sống và cống hiến với nghề”.
Cùng ý kiến, BĐ có nickname là Bạn Đọc Mới kể: “Em làm nhân viên văn thư 14 năm rồi, lương chỉ có hệ số 2,86 x lương cơ sở hiện nay là 2.340.000 đồng, trong khi đó em còn phải nuôi 2 con đi học… Thêm nữa là nhân viên thư viện, thiết bị còn được hưởng phụ cấp độc hại 0,2, nhân viên văn thư không được hưởng gì cả. Được phân công kiêm nhiệm thư ký hội đồng trường nếu là GV sẽ được giảm 2 tiết/tuần, còn nhân viên văn thư kiêm nhiệm không được gì cả. Chỉ có lương ít ỏi đó thôi. Trong khi đó, em còn đang học liên thông lên đại học, vì hy vọng khi có bằng ĐH lương sẽ được cao hơn thế, nhưng nỗi lo cơm áo gạo tiền rồi thêm việc học lên, thật sự rất vất vả đối với nhân viên như em”.
Trong khi đó, BĐ Navy cũng than thở: “NVTH đã khổ nhưng nhân viên hợp đồng còn khổ hơn nữa, chỉ vì không có chỉ tiêu mà không được thi biên chế, làm hợp đồng chế độ thì không có, chỉ có lương khoán”.
Mong được quan tâm hơn nữa
BĐ Yen Mai Linh cho biết: “Theo tôi được biết, trong khi chờ đợi những thay đổi về chính sách tiền lương cho đội ngũ NVTH, nhiều trường cũng đã chủ động xây dựng quy chế chi tiêu nội bộ, nhằm có thể hỗ trợ nhiều hơn cho đội ngũ này. Đây cũng là cách để giữ chân người lao động, vì nhân viên y tế, nhân viên thư viện hoặc nhân viên thiết bị… nhiệt tình, yêu thích công việc, chuyên môn khá thì không dễ gì tuyển được đâu”. BĐ Lien Minh chia sẻ: “Tôi là GV, trong công việc giảng dạy hằng ngày, tôi được nhân viên thiết bị và nhân viên thư viện… giúp đỡ nhiều để tôi hoàn thành công việc. Nhưng khi biết thu nhập của NVTH tại trường thì tôi hơi buồn. GV cũng khó khăn, còn NVTH thì khó khăn hơn GV”.
“Mong trong khi chờ chính sách chung, các tỉnh, thành cũng sớm có nghị quyết riêng để hỗ trợ đội ngũ NVTH không có phụ cấp ưu đãi được hưởng 20% phụ cấp (từ nguồn thu khác của tỉnh hoặc của đơn vị), giống tỉnh Bình Dương“, BĐ Nguyen Tuan Anh bày tỏ.
Bài viết của Thanh Niên nói rất đúng thực tế về đời sống cũng như mức lương hiện có đối với nhân viên trường học. Kính mong quan tâm và cho đội ngũ này được hưởng thêm 20% phụ cấp và thâm niên nghề.
BĐ Mới
GV vất vả, khó khăn thì ai cũng thấy và được quan tâm, nhưng NVTH cũng vất vả, khó khăn không kém thì ít được quan tâm, khiến họ bị thiệt thòi.
Hoang Lan