Sáng 26.12, nhân dịp kỷ niệm 300 năm Ngày sinh Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác (1724 – 2024), Bộ Y tế phối hợp UBND tỉnh Hà Tĩnh tổ chức Hội thảo khoa học Y dược cổ truyền toàn quốc lần thứ 3, năm 2024 với chủ đề “Y dược học cổ truyền kết hợp y dược hiện đại trong điều trị bệnh không lây nhiễm”.
Tham luận tại hội thảo, GS-TS Trần Văn Thanh, Giám đốc Bệnh viện Châm cứu T.Ư, khẳng định Hải Thượng Lãn Ông là người đặt nền móng vững chắc cho y học cổ truyền Việt Nam thông qua bộ sách Hải Thượng y tông tâm lĩnh. Bộ sách tổng hợp các lý thuyết, phương pháp điều trị và kinh nghiệm y học truyền thống.
“Bộ sách là kho tàng kiến thức về y học, bao gồm các lý thuyết về âm dương, ngũ hành, các phương pháp chẩn đoán, điều trị bệnh và những bài thuốc quý được ông đúc kết từ thực tiễn. Di sản này vẫn còn nguyên giá trị, được sử dụng rộng rãi trong việc chẩn đoán và điều trị bằng y học cổ truyền ngày nay. Các bài thuốc, phương pháp điều trị của Hải Thượng Lãn Ông không chỉ là những giải pháp y học mà còn chứa đựng những triết lý sâu sắc về cuộc sống và con người”, ông Thanh bày tỏ.
Theo GS Thanh, một trong những di sản quý báu mà Hải Thượng Lãn Ông để lại cho thế hệ sau không chỉ là những phương pháp chữa bệnh mà còn là triết lý về y đức và đạo làm thầy thuốc.
Trong tác phẩm Y huấn cách ngôn, Hải Thượng Lãn Ông nhấn mạnh rằng, người thầy thuốc không chỉ cần có kiến thức mà còn phải có lòng nhân ái, sự đồng cảm với người bệnh. Theo ông, để trở thành thầy thuốc giỏi, điều quan trọng nhất là phải có tâm, luôn đặt lợi ích của bệnh nhân lên hàng đầu, không màng danh lợi.
“Hải Thượng Lãn Ông đã đề cao vai trò của đạo đức trong y học, coi đó là nền tảng để tạo dựng niềm tin và uy tín cho người thầy thuốc. Triết lý này vẫn còn nguyên giá trị cho đến ngày nay và là kim chỉ nam cho các thế hệ thầy thuốc tiếp tục phát huy”, GS Thanh trình bày.
Dịp này, Bộ Y tế trao Giải thưởng Hải Thượng Lãn Ông về công tác y dược học cổ truyền lần thứ 7 và thứ 8 cho 134 cá nhân có thành tích trong công tác kế thừa, bảo tồn, phát triển y dược cổ truyền.