Thời điểm đó, nhà cửa ở huyện vùng sâu này đa số là nhà tre lá ẩm thấp; đường sá, cầu cống chật hẹp, lầy lội; giao thông đi lại chủ yếu là ghe thuyền; chợ búa nghèo nàn, hàng hóa chủ yếu là nông, thủy sản địa phương; trường học, bệnh xá đơn sơ; những cánh đồng ngập phèn sản xuất mỗi năm một vụ lúa, chỉ giải quyết được cái ăn cho người dân.
Tuy ở vị trí trung tâm huyện nhưng thị trấn Mỹ An (Đồng Tháp) vẫn chưa có điện lưới quốc gia. Cả thị trấn chỉ có một máy diesel phát điện cho các cơ quan huyện từ 18 – 20 giờ. Người dân chủ yếu xài đèn dầu – thường gọi là “đèn hột vịt”, nhà nào khá lắm mới có đèn bình, còn máy phát điện gia đình thì… toàn huyện chỉ đếm được trên đầu ngón tay.
Điện lưới quốc gia được kéo về Tháp Mười năm 1987 khi đường dây 15 kV nối tuyến Cao Lãnh – Mỹ Thuận – Cai Lậy hoàn thành, người dân Tháp Mười chính thức được sử dụng dòng điện “chính quy” thay cho ánh đèn dầu leo lét và ánh sáng trắng nhờ nhờ đục của đèn bình. Từ đó đến nay, điện luôn “đồng hành” cùng với sự phát triển của kinh tế – xã hội xứ bưng biền Tháp Mười.

Bên trong Trạm biến áp 110 kV Tháp Mười tại xã Mỹ Hòa, huyện Tháp Mười, Đồng Tháp
Trong những thập niên trước của thế kỷ 20, Đảng và Nhà nước triển khai thực hiện chương trình phát triển nông thôn thông qua khẩu hiệu “điện – đường – trường – trạm”. Một vùng nông thôn được hiện đại hóa khi có điện lực kéo dây tới, khi có đường giao thông được xây dựng, có trường học mang lại tri thức và cuối cùng là trạm y tế giúp cho sức khỏe nhân dân.
Thế nên, khi điện lưới quốc gia về Tháp Mười là một trong những động lực lớn làm đổi thay bộ mặt kinh tế, xã hội xứ bưng biền. Từ xuất phát điểm về điện là con số không tròn trĩnh, đến nay trên 99,5% hộ dân Tháp Mười đã được sử dụng điện cho sinh hoạt từ lưới điện quốc gia, những thiết bị gia dụng như tivi, máy giặt, máy lạnh không còn là thứ xa xỉ đối với người dân, ngay cả những đứa trẻ 5 – 6 tuổi cũng sử dụng thành thạo remote để điều khiển các thiết bị sử dụng điện trong gia đình. Hệ thống trạm bơm điện phát triển đều khắp đã giải quyết cơ bản nhu cầu tưới tiêu cho sản xuất nông nghiệp. Trên 90% diện tích gieo trồng được tưới từ nguồn nước do các trạm bơm điện cung cấp, giúp nông dân chủ động gieo trồng và giảm giá thành sản xuất, các trạm bơm điện còn giúp chống úng, thoát ngập trong mùa lũ.
Không những thế, nguồn điện dồi dào đã tạo điều kiện thuận lợi để phát triển công nghiệp, kêu gọi đầu tư trên địa bàn huyện. Đơn cử, cụm công nghiệp dịch vụ – thương mại Trường Xuân rộng 36 ha được quy hoạch tại trung tâm của vùng sản xuất lúa gạo Đồng Tháp Mười, có vị trí thuận lợi về đường thủy và đường bộ. Với hệ thống điện trung thế 22 kV đảm bảo cho nhu cầu sản xuất, cụm công nghiệp dịch vụ – thương mại Trường Xuân đã từng bước hình thành khu sản xuất tập trung để khai thác tiềm năng và lợi thế của khu trung tâm Đồng Tháp Mười theo hướng là cụm công nghiệp đa ngành, trọng tâm là công nghiệp chế biến lương thực, thực phẩm và hàng tiêu dùng, ngành công nghiệp hóa chất, ngành công nghiệp điện tử, sản xuất máy nông nghiệp, cơ khí phụ trợ và thương mại dịch vụ…
Công ty TNHH Tỷ Thạc tại thị trấn Mỹ An là doanh nghiệp có 100% vốn đầu tư của Đài Loan, hoạt động trong lĩnh vực may giày da xuất khẩu tại Tháp Mười gần 15 năm qua với quy mô gần 8.000 công nhân, sản lượng trên 15 triệu đôi giày hàng năm. Nhiều cơ sở cơ khí, xây dựng… trên địa bàn huyện đã sử dụng điện lưới quốc gia để phát triển sản xuất.
“Điện – đường – trường – trạm” đã làm cho bộ mặt nông thôn Tháp Mười ngày càng thay da đổi thịt. Mong rằng trong thời gian tới, ngành điện – dù cho thay đổi cơ chế, bộ máy tổ chức như thế nào đi nữa do sắp xếp, thay đổi địa giới hành chính – vẫn tiếp tục phát triển hệ thống cơ sở vật chất hiện đại, đảm bảo cung ứng điện cho phát triển kinh tế – xã hội, góp phần duy trì và nâng cao tốc độ tăng trưởng kinh tế và ổn định an ninh, chính trị, nâng cao đời sống nhân dân cả nước nói chung – xứ bưng biền Tháp Mười nói riêng.