Phát huy dân chủ, đoàn kết trong Đảng, dựa vào sức mạnh của nhân dân
Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Có dân chủ mới làm cho cán bộ và quần chúng đề ra sáng kiến”. Với sự nghiệp cách mạng, phát huy dân chủ sẽ động viên được lực lượng toàn dân hoàn thành nhiệm vụ. Người cũng viết: “Có phát huy dân chủ đến cao độ thì mới động viên được tất cả lực lượng của nhân dân đưa cách mạng tiến lên”.
Trong Di chúc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu rõ nguyên nhân những thắng lợi của cách mạng Việt Nam là nhờ đoàn kết – đoàn kết chặt chẽ trong Đảng và Đảng lãnh đạo đoàn kết toàn dân: “Đoàn kết là truyền thống cực kỳ quý báu của Đảng và của nhân dân ta”. Để tiếp tục đạt được những thắng lợi trong hiện tại và tương lai, phải biết phát huy truyền thống quý báu đó, “phải giữ gìn sự đoàn kết nhất trí của Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình”. Cách tốt nhất để củng cố và phát triển sự đoàn kết thống nhất của Đảng được Người chỉ rõ là: “Trong Đảng thực hành dân chủ rộng rãi, thường xuyên và nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình”. Điều cốt yếu khi nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình là “phải có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau”.
Nêu nhiệm vụ phát triển sau khi đất nước đã thống nhất, Người nhấn mạnh vai trò, sức mạnh và năng lực sáng tạo của nhân dân: “Đây là một cuộc chiến đấu chống lại những gì đã cũ kỹ, hư hỏng, để tạo ra những cái mới mẻ, tốt tươi. Để giành lấy thắng lợi trong cuộc chiến đấu khổng lồ này cần phải động viên toàn dân, tổ chức và giáo dục toàn dân, dựa vào lực lượng vĩ đại của toàn dân”. Coi “dân là gốc”, tin vào dân, dựa vào lực lượng của nhân dân là nét nhất quán xuyên suốt trong tư tưởng Hồ Chí Minh. Những dòng Di chúc đó còn mang ý nghĩa lớn hơn, rộng hơn khi chúng ta đang nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tăng cường mối quan hệ khăng khít Đảng – Dân, Dân – Đảng để Đảng gần dân, dân tin Đảng và tham gia tích cực những công việc do Đảng lãnh đạo: Chống tham nhũng, tiêu cực, phát huy dân chủ; phát triển kinh tế – xã hội, nâng cao mức an sinh, xây dựng một xã hội phát triển “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.
Thực hiện “chiến lược con người”
Lòng nhân ái bao la bao trùm và xuyên suốt trong chủ nghĩa nhân văn Hồ Chí Minh. Từ ngày 18.6.1919, khi cái tên Nguyễn Ái Quốc lần đầu tiên xuất hiện trên diễn đàn chính trị với bản Yêu sách của nhân dân An Nam gửi tới Hội nghị Versailles, Người đã đặt vấn đề con người, bênh vực và giải phóng con người. Hồ Chí Minh đã thực hiện “chiến lược con người” khi khái niệm này còn chưa xuất hiện trên báo chí, sách vở. Cả cuộc đời Người đã đấu tranh không mệt mỏi để khẳng định và bảo vệ những giá trị cao quý của con người, đem lại ấm no hạnh phúc cho nhân dân. Đến tác phẩm cuối cùng là Di chúc, chúng ta lại thấy Người nhấn mạnh: “Đầu tiên là công việc đối với con người”.
Tháng 5.1968, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết riêng một đoạn di chúc về công việc hàn gắn vết thương chiến tranh, trong đó Người tập trung nêu lên những chính sách cần thực hiện với nhiều tầng lớp xã hội: thương binh, liệt sĩ, những gia đình chính sách, những thanh niên đã qua thử thách chiến tranh, phụ nữ, nông dân. Người căn dặn những chính sách chăm lo đối với từng tầng lớp nhân dân, từng đối tượng cụ thể. Người còn quan tâm đến “những nạn nhân của chế độ xã hội cũ, như trộm cắp, gái điếm, cờ bạc, buôn lậu…, thì Nhà nước phải vừa giáo dục, vừa phải dùng pháp luật để cải tạo họ, giúp họ trở nên những người lao động lương thiện”.
Một loạt những chính sách xã hội được nêu trong Di chúc khi viết về những chính sách chăm lo, “khoan thư sức dân” sau chiến tranh bao hàm ý nghĩa nâng cao toàn diện đời sống của nhân dân, chăm lo xây dựng xã hội mới phát triển đầy đủ cả về vật chất (phát triển kinh tế), cả về tinh thần (phát triển văn hóa). Quan trọng hơn, những điều đó còn hàm chứa yêu cầu về trách nhiệm với nhân dân của đảng cầm quyền. Đó cũng là sự cụ thể hóa những lý tưởng giải phóng và phát triển con người. Những dòng căn dặn của Người mang tính nhân văn sâu sắc và in đậm tư tưởng tin dân, trọng dân, vì dân và gắn bó với dân.
Phát triển kinh tế – xã hội
Với Chủ tịch Hồ Chí Minh, độc lập dân tộc bao giờ cũng gắn chặt với hạnh phúc của nhân dân. Trên cơ sở lòng tin sắt đá vào thắng lợi cuối cùng, Di chúc chỉ đề cập những vấn đề mà Đảng và Nhà nước cần chú ý thực hiện sau khi cuộc kháng chiến kết thúc thắng lợi. Mỗi việc trong Di chúc Người chỉ nói vắn tắt nhưng là những định hướng chiến lược phát triển kinh tế – xã hội lâu dài cho đất nước.
Trích Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh
Chẳng hạn, trong Di chúc, Người căn dặn: Sau ngày chiến thắng, “Đảng cần phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và văn hóa, nhằm không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân”. Người chỉ rõ những công việc cần làm: “Ở đây nói về kế hoạch xây dựng lại thành phố và làng mạc đẹp đẽ, đàng hoàng hơn trước chiến tranh. Khôi phục và mở rộng các ngành kinh tế. Phát triển công tác vệ sinh, y tế. Sửa đổi chế độ giáo dục cho hợp với hoàn cảnh mới của nhân dân, như phát triển các trường nửa ngày học tập nửa ngày lao động. Củng cố quốc phòng…”. Bản Di chúc của Người ngời sáng tấm lòng cao cả, trăn trở với công cuộc tái thiết đất nước, tràn đầy tình cảm thương yêu và lo toan cho hạnh phúc, ấm no của nhân dân.
*****
Tác phẩm cuối cùng của Chủ tịch Hồ Chí Minh gói trọn tình cảm và niềm tin với nhân dân, với tương lai dân tộc, bao chứa tinh thần và định hướng sự nghiệp chấn hưng và phát triển đất nước phồn thịnh. Nhìn lại những chỉ dẫn cuối cùng Người để lại trong bản Di chúc thiêng liêng có thể giúp chúng ta suy ngẫm, nhận thức, phát huy những nguồn lực khi chúng ta đang phấn đấu hoàn thành những mục tiêu, nhiệm vụ để đất nước phát triển bền vững.