Chiều 24.12, sau hơn nửa ngày làm việc, phiên tòa xét xử vụ án “chuyến bay giải cứu” giai đoạn 2 kết thúc phần xét hỏi, chuyển sang tranh luận. Đại diện Viện KSND TP.Hà Nội đề nghị mức án đối với 17 bị cáo.
Xử lý sai phạm đến cùng
Vụ án này, cựu Phó giám đốc Sở Ngoại vụ tỉnh Thái Nguyên Trần Tùng là người duy nhất bị truy tố 2 tội nhận hối lộ và lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ; với mức án bị đề nghị lần lượt 7 – 8 năm tù và 5 – 6 năm tù, tổng hợp hình phạt 12 – 14 năm tù.
2 cựu quan chức khác cùng bị truy tố tội nhận hối lộ, gồm Nguyễn Văn Văn, cựu Phó giám đốc Sở Y tế và Lê Ngọc Trường, cựu Phó giám đốc Sở VH-TT-DL tỉnh Quảng Nam, với mức án bị đề nghị đều là 18 – 24 tháng tù.
Bị cáo Nguyễn Xuân Thông, cựu cán bộ công an, người duy nhất bị truy tố tội che giấu tội phạm, bị đề nghị mức án 12 – 18 tháng tù nhưng cho hưởng án treo.
13 bị cáo còn lại, bị truy tố tội nhận hối lộ hoặc đưa hối lộ, với mức án bị đề nghị thấp nhất 12 tháng tù nhưng cho hưởng án treo, cao nhất 4 năm tù giam.
Theo cơ quan công tố, việc tổ chức các chuyến bay đưa công dân về nước là chủ trương nhân đạo của Đảng và Nhà nước, nhằm bảo vệ tính mạng, sức khỏe của người dân.
Tuy nhiên, lợi dụng chủ trương này, các bị cáo trong vụ án “chuyến bay giải cứu” đã nhũng nhiễu, tạo cơ chế xin – cho, buộc doanh nghiệp phải “bôi trơn” trong quá trình cấp phép chuyến bay. Điều này làm mất đi bản chất tốt đẹp của chính sách.
Hành vi của các bị cáo là đặc biệt nghiêm trọng, xâm phạm đến hoạt động đúng đắn của cơ quan nhà nước; gây mất lòng tin của nhân dân.
Tại giai đoạn 1, nhiều bị cáo đã bị đưa ra xét xử. Nhưng do hết thời hạn điều tra, vụ án được tách ra giai đoạn 2. Nay, việc đưa 17 bị cáo ra hầu tòa thể hiện sự nghiêm minh của pháp luật, tinh thần xử lý sai phạm đến cùng.
Đưa hối lộ, nhận hối lộ, che giấu tội phạm
Theo viện kiểm sát, khi dịch Covid-19 bùng phát và diễn biến phức tạp, Chính phủ chỉ đạo tổ chức các chuyến bay đưa công dân Việt Nam từ nước ngoài về nước để phòng, chống dịch.
Văn phòng Chính phủ cùng tổ công tác của một số bộ, ngành và địa phương được giao nhiệm vụ thực hiện quy trình cấp phép chuyến bay và cho chủ trương cách ly.
Lợi dụng chính sách của Đảng, Nhà nước và quyền hạn được giao, một số cá nhân tại UBND các tỉnh, thành phố đã thỏa thuận đưa, nhận hối lộ, làm trái công vụ để tham mưu, đề xuất chấp thuận chủ trương cho các doanh nghiệp đưa công dân về nước cách ly y tế tại các địa phương.
Các bị cáo còn trực tiếp hoặc qua trung gian móc nối, thỏa thuận với cán bộ thuộc Bộ Y tế đưa hối lộ, nhận hối lộ với số tiền lớn để có văn bản chấp thuận, xét duyệt cho công dân (khách lẻ) về trên các chuyến bay đơn lẻ.
Đáng chú ý, tại giai đoạn 2 vụ án “chuyến bay giải cứu” có bị cáo còn lợi dụng vị trí công tác hướng dẫn, xúi giục người liên quan khai báo gian dối, che giấu tội phạm, gây cản trở việc điều tra của cơ quan chức năng.
Trong số những người bị truy tố, bị cáo Trần Tùng bị cáo buộc nhận hối lộ 3 lần, tổng số hơn 4,4 tỉ đồng của doanh nghiệp.
Cựu Phó giám đốc Sở Ngoại vụ tỉnh Thái Nguyên còn lợi dụng chức vụ quyền hạn để tham mưu, đề xuất UBND tỉnh trong việc thực hiện 7 chuyến bay, hưởng lợi số tiền hơn 3,2 tỉ đồng.
Một số bị cáo khác bị cáo buộc tội nhận hối lộ như: Nguyễn Văn Văn nhận 5 lần với tổng số 450 triệu đồng, Lê Ngọc Tường nhận 4 lần với tổng số 400 triệu đồng…