“Biến mất” khá lâu trong làng văn, mới đây, nhà văn Phương Trinh – cây bút có dấu ấn trong văn học thiếu nhi – xuất hiện trở lại trong những sách Bài tập thực hành tiếng Việt, lớp 4 và 5 (NXB Giáo dục).
Những tác phẩm của chị, dù mới viết, hoặc viết đã lâu, vẫn có sức hút, bởi phong cách nhẹ nhàng, ấm áp, cùng những câu chuyện nhân văn.
Viết như cách tự động viên bản thân
* Được biết chị cầm bút khi còn là học sinh. Từ cơ duyên nào mà lúc ấy chị viết?
– Xuất thân trong một gia đình nghèo, tôi nếm trải không ít khó khăn. Có lẽ vì vậy mà tôi sống khép kín, không tâm sự với ai. Bao nhiêu cảm xúc tôi đều thể hiện bằng cách… viết ra.
Vào năm lớp 2, tôi tập làm thơ và gia đình đem gửi báo Nhi đồng TP.HCM. Tôi đã chia sẻ nhuận bút đầu tiên ấy với những bạn đồng trang lứa, có hoàn cảnh khó khăn như mình.
Thời sinh viên đầy cảm xúc, sáng tác là cách tôi tự động viên bản thân cùng những ai đồng cảnh ngộ vượt qua cơn bão lòng và nuôi dưỡng niềm tin vào những điều tốt đẹp.
* Có những lúc cảm giác như chị biến mất trong làng văn. Vì sao như vậy?
– Có mối đồng cảm đối với những cảnh đời khó khăn từ khi còn nhỏ, lớn lên, đi làm, cùng với sáng tác, tôi từng tham gia và cả tổ chức những chuyến thiện nguyện.
Trong chuyến đi cứu trợ lũ lụt vào năm 2010, lúc đó khoảng 28 tuổi, khi thấy một chị trung niên tranh giành phần quà với một bà cụ, tôi đã tự hỏi: “Làm thế nào để đem đến bình an cho mọi người, chứ không chỉ là cứu trợ lương thực và tiền bạc?”. Năm 2012, 30 tuổi, ở nước ngoài, chứng kiến những người đàn ông lực lưỡng sống bằng nghề ăn xin, tôi tự hỏi: “Làm thế nào để nâng cao lòng tự trọng cho mọi người?”.
Cũng trong năm 2012, tôi tham dự các chương trình của trung tâm Inner Space, nay thuộc Hội Khoa học tâm lý – giáo dục TP.HCM, một tổ chức phục vụ cộng đồng không tính phí hơn 25 năm qua, về lĩnh vực sức khỏe tinh thần. Tại Inner Space, tôi thực hành và góp phần giúp người khác thực hành những điều từng khiến mình trăn trở bấy lâu nay, đó là cân bằng cảm xúc, niềm tin vào những điều tốt đẹp, là bình an, là lòng quý trọng bản thân thật sự…
Hạnh phúc của tôi bây giờ là được dành hơi thở cuộc đời mình cho phục vụ cộng đồng của Inner Space. Mải mê phục vụ, tôi trở nên biến mất trong làng văn.
Cám ơn báo Thể thao và Văn hóa (TTXVN) đã trao cho tôi cơ hội quý giá để giãi bày một cách chính thức về sự “biến mất” của mình với đồng nghiệp trong làng văn, với những độc giả đã yêu thương tôi qua các sáng tác.
* Vậy thì văn chương có ý nghĩa thế nào trong cuộc sống của chị?
– Văn chương giúp một người khép kín như tôi có thể bộc lộ cảm xúc, nuôi dưỡng cho bản thân những giá trị tinh thần.
Từ trái tim, tôi thật sự tri ân nhà thơ Phan Hoàng, nhà văn Nguyên Hương, nhà thơ Hường Lý, nhà văn Trương Anh Quốc, nhà văn Võ Thu Hương… vẫn quan tâm, hỏi han khi thấy tôi “biến mất”. Tình cảm giữa những người sáng tác là một trong những điều quý giá nhất mà văn chương mang lại cho tôi.
Không chỉ đối với văn chương, mà đối với nghệ thuật cũng vậy. Chẳng hạn, bản thân tôi cũng luôn cầu chúc nghệ sĩ Huỳnh Lập càng lúc càng thăng hoa trong nghệ thuật vì cảm nhận được giá trị về tình người trong những tác phẩm của anh. Tình cảm này, những ai sáng tác, những ai làm nghệ thuật, sẽ thấu hiểu rõ ràng nhất.
* “Lá nhung và lá xanh” (trong sách “Bài tập thực hành tiếng Việt 4”, tập 2) nhiều ấm áp và nhiều trăn trở. Đây có phải là phong cách đặc trưng của chị?
– Tôi thật sự biết ơn giới chuyên môn và độc giả đã yêu thích Lá nhung và lá xanh. Tôi sáng tác truyện ngắn này vào độ tuổi 23 – 24, với những trăn trở về tình yêu thương đích thực, về ý nghĩa tồn tại của mỗi sinh linh trong cuộc đời. Tôi thích kết thúc truyện một cách tươi sáng, ấm áp, để độc giả có được cảm xúc tốt đẹp. Tôi không dám nói gì về phong cách văn chương của bản thân. Tôi chỉ là một người may mắn trong sáng tác.
“Cám ơn báo Thể thao và Văn hóa (TTXVN) đã trao cho tôi cơ hội quý giá để giãi bày một cách chính thức về sự “biến mất” của mình với đồng nghiệp trong làng văn, với những độc giả đã yêu thương tôi qua các sáng tác” – Phương Trinh.
Viết như để chữa lành
* Vì sao tốt nghiệp thạc sĩ văn học, là tác giả có nhiều dấu ấn với văn chương, nhưng chị không chọn nghề/nghiệp viết hoặc gì khác liên quan tới thế mạnh này?
– Như đã nói, hiện tại tôi đã tìm ra lý tưởng sống của cuộc đời mình, đó là chăm sóc sức khỏe tinh thần cho cộng đồng qua các chương trình không tính phí của Inner Space. Đây là công việc tình nguyện, nên tôi vẫn làm cộng tác viên của báo Thiếu niên tiền phong, viết kịch bản truyện tranh và những bài viết nho nhỏ để trang trải cuộc sống.
* Theo chị, làm sao để có tác phẩm hay cho thiếu nhi?
– Là một người có sáng tác cho thiếu nhi, tôi chỉ biết chọn lựa những ngôn từ, những cách thể hiện mà bản thân thấy phù hợp với thiếu nhi nhất. Còn “hay” hoặc không, tôi muốn được lắng nghe từ những người đọc sáng tác của mình.
* “Văn là người”. Điều này không đúng trong không ít hoàn cảnh. Với chị thì sao?
– Khi gặp tôi, nhiều anh chị và bạn văn thốt lên rằng họ không ngờ tôi nhỏ bé và ít nói đến vậy. Tôi chọn không bộc lộ bản thân nơi đông người, nhưng có thể tâm tình với bạn thân, đưa những điều gan ruột vào trang viết.
Mỗi tác phẩm là một mảnh ghép nhỏ của tâm hồn vào thời điểm sáng tác. Bây giờ, đọc lại Giữa trùng khơi, tôi thấy tâm hồn lúc ấy rất khác lúc này.
Riêng Hãy để cuộc đời yêu bạn (NXB Tổng hợp TP.HCM, xuất bản 2017, tái bản 2019) đã bộc lộ trên 70% những suy nghĩ, tình cảm chính yếu của tôi trong khoảng 10 năm nay. Đây là quyển sách tôi viết dạng nghiên cứu, chứ không phải truyện, để tìm lời giải đáp cho câu hỏi: “Tôi là ai, tôi đến cuộc đời này để làm gì?”.
* Nhân vật trong tác phẩm của chị tạo nhiều ấn tượng với độc giả. Họ có hình tượng thật trong đời sống không?
– Ví dụ như truyện Cuộc gặp gỡ, khoảng 3.000 chữ, viết năm 2013. Thời điểm ấy có một vụ án đăng trên báo, kể về một đứa trẻ chứng kiến cả nhà mình bị sát hại. Nhân vật Hy được lấy cảm hứng từ đứa bé. Tuổi thơ của tên trộm là tuổi thơ của một người bạn. Và tôi tưởng tượng ra cuộc gặp gỡ giữa họ.
Quá trình viết Cuộc gặp gỡ là một kỷ niệm đẹp đối với tôi. Tôi lần lượt “đóng vai” Hy rồi vai tên trộm, cảm nhận họ có thể có cảm xúc gì, diễn biến tâm lý của họ ra sao. Đây là 2 nhân vật hiếm khi xuất hiện trong sáng tác của tôi, nên tôi cảm thấy rất thú vị và bất ngờ với những cảm xúc và hành động của họ. Tôi cũng vui vì kết thúc truyện là sự chữa lành, là niềm tin và tình người.
* Cảm ơn chị đã chia sẻ!
Vài nét về nhà văn Phương Trinh
Tên khai sinh là Trần Thị Phương Trinh. Chị là một cây bút đã gắn bó khá lâu với văn học thiếu nhi, chinh phục bạn đọc nhỏ tuổi nhờ lối viết hồn nhiên, sinh động. Khi viết cho bạn đọc tuổi hoa, Phương Trinh đã hóa thân thành một đứa trẻ để quan sát và sáng tác dưới góc nhìn hồn nhiên và ngộ nghĩnh. Bút pháp miêu tả của chị khá sống động, gần gũi và giàu sức gợi cảm thông qua các từ tượng hình, tượng thanh phong phú.
Tác phẩm chính: Ánh sáng dưới lòng sông (2003), Đường lên thiên đàng (2008), Thế giới giấc mơ của bé Bon (2008), Mi-Min và cuộc sống nhiệm màu (2011), Giống như nhạc Bach được chơi trên một chiếc cưa (2012), Vương quốc Mặt trời (2017), Hãy để cuộc đời yêu bạn (2017)…
Giải thưởng: Giải Nhất Cuộc vận động sáng tác do Dự án Hỗ trợ văn học thiếu nhi Việt Nam – Đan Mạch tổ chức, 2006. Giải Ba Cuộc thi Truyện ngắn 1.200 chữ do báo Tuổi trẻ tổ chức, 2008. Giải Ba Cuộc thi truyện ngắn Quà tặng cuộc sống, 2015 (chuyển thể thành phim hoạt hình và phát sóng trên VTV)…