Chiều 23.12, tại Hà Nội, T.Ư Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam tổ chức Tọa đàm “Bức tranh kinh tế – Xu hướng toàn cầu, cơ hội Việt Nam”. Đây là hoạt động trong khuôn khổ lễ trao Giải thưởng Sao vàng đất Việt năm 2024.
Dự chương trình có anh Bùi Quang Huy, Ủy viên dự khuyết T.Ư Đảng, Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn; ông Hoàng Bình Quân, nguyên Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn, Chủ tịch danh dự T.Ư Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam; anh Nguyễn Minh Triết, Bí thư T.Ư Đoàn, Chủ tịch T.Ư Hội Sinh viên Việt Nam và 200 doanh nghiệp trẻ đạt Giải thưởng Sao vàng đất Việt năm 2024.
Các diễn giả tham gia tọa đàm có ông Lê Trí Thông, Phó chủ tịch T.Ư Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam, Phó chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Công ty CP Vàng bạc đá quý Phú Nhuận; ông Nguyễn Văn Khoa, Phó chủ tịch T.Ư Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam, Tổng giám đốc Tập đoàn FPT.
Theo ban tổ chức, buổi tọa đàm là dịp để các doanh nhân trẻ cùng nhìn lại bức tranh toàn cảnh của kinh tế thế giới và Việt Nam, là cơ hội để cùng nhau trao đổi, tìm kiếm những giải pháp và định hướng chiến lược nhằm khai thác tối đa tiềm năng, cơ hội của đất nước trong bối cảnh hội nhập toàn cầu.
Trước câu hỏi: “Chúng ta đang sống trong một thế giới đầy biến động, nơi những thay đổi diễn ra nhanh chóng và không ngừng tạo ra những cơ hội song hành cùng thách thức. Làm thế nào để doanh nghiệp Việt Nam nắm bắt được các xu thế toàn cầu, tận dụng cơ hội để phát triển bền vững và vươn tầm thế giới?”, các diễn giả đã bàn luận và tìm câu trả lời.
Tìm cơ hội trong nguy cơ
Chia sẻ tại tọa đàm, ông Lê Trí Thông cho rằng bức tranh kinh tế năm 2025 sẽ sáng hơn năm 2024, bởi kinh tế đang phục hồi ngoạn mục và Việt Nam đang đón làn sóng chuyển dịch đầu tư.
“Trong ngắn hạn, năm 2025 chúng ta sẽ hưởng lợi từ logistics, bất động sản, tiêu dùng…”, ông Thông đánh giá.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Khoa lại cho rằng năm 2025 sẽ khó khăn hơn nhiều. Dự báo những khó khăn này sẽ bằng những khó khăn của 2023 và 2024 cộng lại, bởi những biến động của địa chính trị trên thế giới. Điều đó có thể sẽ làm gián đoạn khả năng cung ứng hàng hóa và sẽ có làn sóng dịch chuyển kinh tế.
Ông Khoa khuyến cáo, nếu doanh nghiệp không muốn tụt hậu thì phải bắt tay ngay vào khoa học công nghệ và đưa được vào chiến lược phát triển của mình.
“Truy xuất nguồn gốc sản phẩm đang là vấn đề nan giải của chúng ta; thẻ vàng cũng chưa gỡ được. Vậy muốn lưu thông hàng hóa chỉ có con đường sử dụng công nghệ. Nếu các doanh nghiệp sử dụng tốt AI thì sẽ tăng năng suất hơn nữa. Năng lực về công nghệ sẽ giúp chúng ta tìm cơ hội trong nguy cơ”, ông Khoa khẳng định.
Ông Khoa lưu ý, các doanh nghiệp cần tìm hướng đi mới, tìm mô hình công nghệ để ứng dụng trong doanh nghiệp của mình. “Đừng sợ AI thay thế con người mà nó sẽ là trợ lý cho con người”, ông Khoa nói.
Ông Khoa cũng cho rằng các doanh nghiệp phải có nguồn nhân lực mạnh, liên tục đào tạo để sẵn sàng đón nhận làn sóng dịch chuyển đầu tư vào Việt Nam.