Nửa ngày sau khi thuế đối ứng có hiệu lực, Tổng thống Mỹ Donald Trump bất ngờ thông báo hoãn áp thuế trong 90 ngày với các nước, trừ Trung Quốc. Thông tin này lập tức tác động đến thị trường chứng khoán và tiền mã hóa. Bitcoin và loạt token khác đồng loạt tăng giá.
Giá Bitcoin vụt tăng
Bitcoin (BTC), tiền số giá trị nhất thế giới, đã tăng 5% trong chưa đầy một giờ, kể từ thông báo của ông Trump. Đến 10 giờ ngày 10.4, mỗi BTC được giao dịch quanh mức 82.200 USD, tăng khoảng 8% trong vòng 24 giờ. Có lúc, Bitcoin cán mốc 83.480 USD khi tâm lý lạc quan quay lại thị trường.
Loạt token khác cũng đồng loạt tăng giá, sắc xanh trở lại thị trường tiền số. Ethereum (ETH), tiền mã hóa lớn thứ hai thế giới, tăng 13,9% trong vòng 24 giờ qua. Từ vùng giao dịch 1.400 USD hôm 9.4, sáng nay mỗi ETH được bán với giá 1.600 USD. Solana, XRP cũng lần lượt tăng 11,6% và 12,49%.

Diễn biến giá Bitcoin trong 24 giờ qua, tính đến sáng 10.4
Tuy nhiên, không phải ai cũng thắng khi Bitcoin tăng giá. Dữ liệu từ Coinglass cho thấy trong 24 giờ qua, đã có 131.581 nhà đầu tư bị thanh lý hợp đồng tương lai. Tổng số tiền thanh lý là 495,9 triệu USD. Phần lớn đặt cược Bitcoin sẽ tiếp tục giảm giá, do đó khi tiền số quay đầu tăng, các giao dịch phái sinh này bị thanh lý hợp đồng do tài khoản ký quỹ không đủ để tiếp tục.
Nhà đầu tư vẫn hoài nghi
Dù Bitcoin và thị trường đã tăng giá trở lại, các nhà đầu tư vẫn thận trọng. Tín hiệu quan trọng thị trường đang theo dõi là liệu Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) có hạ lãi suất không.
Những ngày qua, cả thị trường truyền thống lẫn tiền mã hóa đều rung lắc mạnh sau những chính sách thuế quan của ông Trump. Ngày 9.4, Ủy ban Dự trữ Liên bang Mỹ (FOMC) công bố biên bản buổi họp trước đó về lo ngại tình trạng lạm phát sẽ gia tăng.
Ông Trump tạm dừng thuế đối ứng nhưng áp thêm thuế với Trung Quốc
Các nhà giao dịch lo ngại về tác động của lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm. Lợi suất trái phiếu tăng đồng nghĩa người mua đang tìm kiếm lợi nhuận cao hơn từ chính phủ. Điều này có khả năng tạo ra một chu kỳ tiêu cực, làm suy yếu đồng USD. Sự bất ổn này sẽ tác động trực tiếp đến giá Bitcoin trong tương lai.
Các nhà phân tích cho rằng nếu Bitcoin tiếp tục giữ được đà tăng giá trên 83.000 USD, mục tiêu hướng đến 100.000 USD trong tháng 6 sẽ khả quan. Ngược lại, nếu đây chỉ là một đà hồi nhẹ, sau đó Bitcoin giảm giá sâu hơn về vùng 71.000 USD, thị trường có thể chứng kiến một cuộc “tắm máu“.
Theo các nhà phân tích của Glassnode, “vùng giá 65.000 – 71.000 USD sẽ đặc biệt quan trọng với phe mua vào. Nếu giá Bitcoin thấp hơn vùng thử thách, các nhà đầu tư lớn sẽ cắt lỗ, dẫn đến cuộc bán tháo, kích hoạt phản ứng tiêu cực trên toàn thị trường”.
Hai kịch bản giá Bitcoin
Theo Cointelegraph, trường hợp xấu nhất trong chu kỳ này là giá Bitcoin có thể giảm xuống 50.000 USD, nếu để mất mức kháng cự 65.000 – 71.000 USD.
Biểu đồ EMA (Exponential Moving Average – đường trung bình động lũy thừa), giá Bitcoin trong 50 tuần qua cho thấy 77.760 USD là vùng giá kháng cự của Bitcoin. Nếu mất vùng hỗ trợ này, thị trường tiền số có thể chứng kiến một đợt giảm giá mạnh. Bitcoin có thể tiếp tục giảm sâu về 50.000 USD mỗi token.
Lịch sử cho thấy các lần Bitcoin phá vỡ EMA 50 đều dẫn đến các đợt giảm giá mạnh. Đáng chú ý có chu kỳ giảm giá năm 2012 – 2022, trước đó là giai đoạn 2019 – 2020. Ở chiều ngược lại, nếu Bitcoin vượt qua mức kháng cự của EMA 50, thị trường có thể chứng kiến sự trở lại của mốc 100.000 USD mỗi token.