Đó là những gì mà hệ thống tòa án điện tử (TAĐT) đem lại, theo Phó chánh án TAND TP.HCM Quách Hữu Thái (Trưởng ban chỉ đạo về chuyển đổi số, xây dựng tòa án điện tử tại TAND hai cấp TP.HCM, ảnh) trong cuộc trao đổi với Thanh Niên.
Thưa ông, từ ngày 1.1.2025, phần mềm TAĐT chính thức được TAND Q.1 áp dụng, vậy TAND TP.HCM và các tòa quận, huyện, TP.Thủ Đức có áp dụng hay không?
Ông Quách Hữu Thái: Công tác chuyển đổi số hiện nay được TAND hai cấp TP.HCM thực hiện quyết liệt theo tinh thần chuyển đổi số của TAND tối cao, đặc biệt đẩy mạnh phần mềm trợ lý ảo và một số ứng dụng khác. Bên cạnh đó TAND TP.HCM có chương trình riêng áp dụng chuyển đổi số cho tòa án hai cấp của TP.HCM đầy đủ chức năng, theo đúng tinh thần TAĐT.
Hiện nay, TAND Q.1 là tòa đầu tiên, tiên phong xây dựng được hệ thống đúng ý nghĩa TAĐT. Ban chuyển đổi số của TAND TP.HCM đã thẩm định 2 lần và đánh giá rất cao hệ thống này. Theo yêu cầu của lãnh đạo TAND TP.HCM, phía TAND Q.1 sẽ phải hoàn thiện một số nội dung nữa để áp dụng luôn phần mềm cho TAND TP.HCM; và đang triển khai, thiết lập hệ thống này áp dụng cho các tòa quận, huyện, TAND TP.Thủ Đức để cùng vận hành từ ngày 1.1.2025.
Hệ thống này là quy trình khép kín từ khi nộp đơn khởi kiện cho đến khi kết thúc vụ án. Khi đương sự nộp đơn khởi kiện, tòa sẽ dùng công nghệ AI cho quét đơn khởi kiện, kể cả đơn viết bằng tay. Từ đó sẽ tạo một kho dữ liệu, đương sự bấm là ra thông báo báo thụ lý, quyết định xét xử, giấy triệu tập…
Theo ông, những điểm lợi của TAĐT là gì?
Đầu tiên, người dân sẽ có lợi từ việc theo dõi, giám sát hồ sơ của mình, được tống đạt văn bản tố tụng điện tử qua sinh trắc học. Đồng thời nội dung khiếu nại, tố cáo cũng sẽ được tích hợp vào phần mềm để người dân tiện thực hiện và lãnh đạo tòa tiện theo dõi.
Thứ hai, TAĐT giúp tinh gọn bộ máy tòa án. Thẩm phán chỉ biết trong phạm vi hồ sơ của mình. Đồng thời, văn bản tố tụng đều có hệ thống dữ liệu trong phần mềm, thẩm phán cần soạn văn bản tố tụng nào, chẳng hạn quyết định xét xử, giấy triệu tập thì vào hệ thống sẽ có sẵn, hỗ trợ thẩm phán rút ngắn thời gian giải quyết tiến độ vụ án.
Ở góc độ lãnh đạo sẽ nắm được hồ sơ đang ở giai đoạn nào, thẩm phán tác động hồ sơ như thế nào, tác động thời điểm nào, lần tác động cuối cùng là khi nào, công văn đến đi như thế nào…, hoãn xét xử ra sao, lý do hoãn có phù hợp…
Đối với vụ án hình sự, chánh án sẽ nắm được đến khâu thi hành án hình sự. Khi nào thi hành án xong, phần mềm sẽ kết thúc và báo cáo cho chánh án, nhằm dõi chặt chẽ các vụ án.
Đối với nội dung tống đạt điện tử, hiện nay tòa án có một phần mềm tống đạt điện tử riêng, nhưng ở hệ thống TAĐT này, đương sự sẽ được tống đạt điện tử thông qua sinh trắc học, tức cấp cho đương sự một tài khoản truy cập để đương sự biết hồ sơ của mình tới đâu, có quyền kiểm tra hồ sơ tới giai đoạn nào.
Tòa án sẽ cấp cho đương sự tài khoản, khi đăng nhập sẽ yêu cầu nhận dạng sinh trắc học bằng khuôn mặt và quét căn cước công dân. Khi đương sự đăng nhập bằng sinh trắc học, xem toàn bộ tài liệu trong kho dữ liệu cũng được lưu lại dấu vết rằng đương sự xem vào thời gian nào, và thông tin này được tòa xác định đã tống đạt cho đương sự bằng hình thức tống đạt điện tử.
Đối với cơ quan tiến hành tố tụng khác như Viện kiểm sát, trước đây, tòa sẽ chuyển hồ sơ giấy, thì nay tòa sẽ cấp mật khẩu cho kiểm sát viên để họ vào tài khoản, và tải hồ sơ xuống.
Khi xét xử, tại phiên tòa, toàn bộ dữ liệu đã có sẵn trên hệ thống, thẩm phán có quyền chọn tài liệu trình chiếu, kể cả luật sư cũng được cấp quyền truy cập để tham gia vào quá trình hồ sơ đó và chịu trách nhiệm khi sử dụng tài liệu, hồ sơ vụ án.
Tất cả đều đúng ý nghĩa TAĐT.
Việc chia sẻ và công khai dữ liệu trên môi trường số, có ảnh hưởng đến bảo mật thông tin hay không, thưa ông?
Khi đương sự, luật sư đồng ý áp dụng phần mềm TAĐT trong quá trình giải quyết vụ án thì đương nhiên phải có cam kết bảo mật thông tin và chịu trách nhiệm pháp lý theo quy định của pháp luật.
Ngoài ra, khi xem tài liệu hoặc in tài liệu xuống, trên tài liệu sẽ thể hiện xem/in vào ngày nào, ai là người đã xem hoặc tải xuống. Nói chung tất cả đều lưu lại dấu vết nên việc sử dụng tài liệu không đúng mục đích, gây ảnh hưởng đến cá nhân, tổ chức liên quan thì phải chịu trách nhiệm dân sự hoặc hình sự tùy mức độ.
Bên cạnh đó, từ 1.1.2025, TP.HCM sẽ cấp lý lịch tư pháp trên ứng dụng VNeID, và Sở Tư pháp phụ trách nội dung này. TAND TP.HCM mong muốn chia sẻ một cách đầy đủ nhất cho Sở Tư pháp về dữ liệu trong các vụ án hình sự để cơ quan này cấp lý lịch tư pháp thuận tiện.
Cảm ơn ông!