Giữ màu xanh bền vững

CHĂM SÓC RỪNG DỰ ÁN

Tôi có dịp cùng ông Trần Ngọc Sơn (ở thôn Xuân Thành, xã Phổ Cường) cưỡi xe máy men theo hồ chứa nước Huân Phong hướng về phía thượng nguồn. Hồ Huân Phong được xây dựng sau ngày thống nhất quê hương với chức năng cung cấp nước tưới cho hơn 100 ha ruộng lúa và hoa màu của người dân ở 2 thôn Thanh Sơn và Bàn Thạch, xã Phổ Cường. Năm 2012, Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Ngãi đầu tư 6,5 tỉ đồng sửa chữa, nâng cấp hồ từ nguồn vốn viện trợ của chính phủ Nhật Bản và vốn đối ứng của tỉnh Quảng Ngãi. Qua đó, nâng sức chứa của hồ lên trên 1,8 triệu m3.

Chúng tôi để xe máy ven hồ, lội bộ vào rừng giữa trưa nắng. Mồ hôi vã ra như tắm. Vừa đến cửa rừng đã cảm nhận sự khác lạ. Hơi mát vây quanh, mơn man da thịt làm vơi đi phần nào mỏi mệt. Cảm giác mát rượi khi vào sâu bên trong. Những cây lim xanh to lớn vươn thẳng lên trời. Bên dưới, nhiều tầng cây chen dày, phủ kín. Ánh nắng xuyên qua tầng lá mướt xanh rọi xuống thảm lá khô mục trên nền đất ẩm ướt.

Hậu họa phá rừng tự nhiên: Giữ màu xanh bền vững- Ảnh 1.

Ông Trần Ngọc Sơn bên gốc lim xanh to lớn

Tôi phải nghiêng người len qua những thân cây để bước tới. Chim chóc chuyền cành, thi nhau ca hát. Sóc nhỏ bé tung tăng chạy nhảy cả ở dưới đất lẫn trên cành cao. Tiếng gà rừng gáy từ xa vọng lại khiến khung cảnh thêm u tịch. Bất chợt gặp dòng nước dưới khe nhỏ âm thầm chảy đêm ngày. Đây là một trong những dòng nước từ rừng chảy vào lòng hồ Huân Phong rồi theo kênh mương về tắm mát ruộng đồng, cho cây trái tốt tươi nuôi sống bao người.

Ông Sơn cầm rựa phát dọn dăm cây nhỏ bé bên gốc lim xanh to lớn rồi ngồi xuống nghỉ ngơi. Giọng ông nhỏ nhẹ hòa cùng gió ngàn xào xạc cây lá. 16 năm trước, các cấp, ngành chức năng triển khai thực hiện dự án “Khôi phục và quản lý rừng bền vững” (KFW6) do chính phủ Đức tài trợ trên địa bàn xã Phổ Cường. Mỗi hộ dân đăng ký tham gia dự án được giao 2 ha để trồng bổ sung và khoanh nuôi, bảo vệ rừng. Khi tham gia, họ phải trồng cây lâu năm, không được phát trụi rồi đốt sạch như trồng keo nguyên liệu… Hàng chục năm sau mới được khai thác tỉa thưa và trồng bổ sung.

Vậy nên dù được hỗ trợ cây giống, phân bón và tiền công chăm sóc nhưng nhiều người không tham gia thực hiện dự án. Thế là, ông Sơn nhờ 4 hộ dân trong thôn đăng ký giúp cùng gia đình để được nhận 10 ha đất rừng khu vực đầu nguồn hồ chứa nước Huân Phong. Vợ chồng ông cần mẫn phát dọn để trồng 5.500 cây lim xanh. Những ngày sau đó, ông thường vác rựa vào rừng phát dọn, mang phân bón tận từng gốc lim xanh theo hướng dẫn của cán bộ nông nghiệp.

Nhờ được chăm bón cẩn thận nên tỷ lệ cây sống khá cao, cành lá non xanh mơn mởn. Ông Sơn chỉ phát dọn những cây chen lấn làm ảnh hưởng đến quá trình phát triển của lim, không xâm hại đến rừng tự nhiên quanh đấy. Rồi lim xanh ngày càng to lớn, vươn cao hứng sương đêm và đón nắng gió, tỏa bóng che mát cây lá bên cạnh. Nhiều cây lim xanh to hơn thân người đứng vững chãi trên nền đất nâu phủ đầy lá khô mục sau bao ngày mưa gió.

Hiện xã Phổ Cường có hơn 300 ha rừng thuộc dự án KFW6 do chính phủ Đức tài trợ. “Cây to nhưng tôi chưa khai thác, phải đợi mười mấy năm nữa thì gỗ mới tốt, giá bán mới cao. Rừng này coi như của để dành. Mỗi lần khai thác vài cây to rồi trồng thay thế. Cứ như thế thì rừng luôn xanh tốt, giữ được mạch nước ngầm…”, ông Sơn tâm sự.

Hậu họa phá rừng tự nhiên: Giữ màu xanh bền vững- Ảnh 2.

Đứng trên thân đập hồ chứa nước Huân Phong nhìn về thượng nguồn, khu vực rừng vợ chồng ông Sơn trồng cây lim xanh

CHUYỂN SANG TRỒNG RỪNG GỖ LỚN

23 năm trước, ông Đào Ngọc Ngãi vay vốn đầu tư trồng keo nguyên liệu bán cho các nhà máy xay dăm gỗ. Vợ chồng ông thuê người cùng phát rừng, đốt dọn thực bì, trồng mới, phát chồi, bón phân… với bao nỗi nhọc nhằn. Ông dần mở rộng diện tích và hiện tại đang sở hữu hơn 40 ha đất rừng trồng keo tươi tốt quanh năm. Ban đầu, quá trình trồng mới – chăm sóc – khai thác kéo dài chừng 5 năm với khoản thu nhập thấp hơn các loại cây khác.

Dần dà, ông nhận ra mỗi chu kỳ càng dài thì đem lại hiệu quả kinh tế càng cao và đỡ vất vả hơn trước. Thế là ông kéo dài lên 6 hay 7 năm mới thuê người đốn hạ rồi cưa ngắn, lột vỏ trước khi chuyển đến nơi tiêu thụ. Năm 2015, ông đăng ký tham gia trồng rừng gỗ lớn với diện tích hơn 8 ha keo và nhận được hỗ trợ kinh phí từ ngân sách nhà nước. Bao bận mồ hôi ướt đầm lưng áo, phân bón rải xuống đất nâu đen cho keo tốt tươi.

Theo quy định là phải đến 10 năm vợ chồng ông mới được khai thác. Nhưng chỉ 7 năm sau, ông phải khai thác hơn 2 ha để bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công đường cao tốc Bắc – Nam, đoạn Quảng Ngãi – Hoài Nhơn. Sản lượng gỗ keo thu được trên 360 tấn với giá trị cao, đem lại khoản lãi hàng trăm triệu đồng. Hiện còn hơn 6 ha nằm cạnh hầm xuyên núi số 2 trên tuyến đường này, cây keo cao lớn với sản lượng ước đạt 200 tấn/ha khi khai thác vào năm 2025.

Phổ Cường có hơn 1.611 ha keo và bạch đàn với sản lượng gỗ tăng cao nếu chuyển sang trồng rừng gỗ lớn. Chính quyền xã đang tăng cường công tác tuyên truyền, vận động chủ rừng chuyển hóa rừng cung cấp gỗ nhỏ thành rừng gỗ lớn đáp ứng nhu cầu sản xuất các mặt hàng xuất khẩu trong nước. Điều này sẽ đem lại lợi ích thiết thực cho chủ rừng và hạn chế tác hại đối với môi trường.

Đó là tăng nguồn thu nhập cho gia đình, góp phần phát triển kinh tế ở địa phương; hạn chế tình trạng đất bị rửa trôi, bào mòn, mạch nước ngầm suy kiệt và ảnh hưởng đến khí hậu, nhất là trước tình trạng thời tiết ngày càng diễn biến thất thường như hiện nay. Hạn chế khai thác keo non, kéo dài ngày xanh trên những cánh rừng sẽ giảm thiểu giếng cạn, đồng khô trong mùa hạ và nước lũ ngập nhà cửa vào mùa mưa. “Để ý những khu vực nào mà cây vẫn xanh tươi vào mùa nắng nóng thì nơi đó có thể trồng rừng gỗ lớn, không sợ keo chết khô”, ông Ngãi bật mí.

Cuộc sống của người dân quê luôn gắn bó với rừng, dẫu không còn phụ thuộc nhiều như trước. Giờ, rừng bị “tổn thương” và cần được “chữa lành”, giữ màu xanh bền vững cho xóm làng yên vui. Ông Mai Đức Hạnh, Chủ tịch UBND xã Phổ Cường, cho biết: “Chúng tôi sẽ tiếp tục tuyên truyền để bà con hiểu rõ về lợi ích của việc trồng rừng gỗ lớn và việc bảo vệ rừng dự án KFW6. Qua đó, góp phần tăng nguồn thu nhập cho bà con và cải thiện môi trường trên địa bàn, hạn chế đến mức thấp nhất hậu họa do nạn phá rừng tự nhiên để trồng keo và bạch đàn gây ra”.


Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *