Hà Nội đề xuất duy trì Sở GTVT, Sở Xây dựng khi sắp xếp bộ máy

Ban cán sự Đảng UBND TP.Hà Nội vừa có báo cáo gửi Ban Chỉ đạo tổng kết Nghị quyết số 18-NQ/TW của TP.Hà Nội.

Hà Nội đề xuất duy trì Sở GTVT, Sở Xây dựng khi sắp xếp bộ máy- Ảnh 1.

Hà Nội đề xuất duy trì cả Sở GTVT và Sở Xây dựng khi sắp xếp bộ máy

ẢNH: NGUYỄN TRƯỜNG

Nội dung báo cáo đề xuất tiếp tục duy trì 10 sở và tương đương của TP.Hà Nội, gồm: Văn phòng UBND; Thanh tra; Sở Tư pháp; Sở VH-TT; Sở GTVT; Sở Xây dựng; Sở QH-KT; Sở Du lịch; Sở Ngoại vụ; Trung tâm Phục vụ hành chính công.

Theo báo cáo, việc đề xuất duy trì các sở và tương đương nêu trên là cần thiết, bảo đảm tính đặc thù trong quản lý nhà nước của thành phố, tính ổn định, kế thừa và phù hợp với yêu cầu thực tiễn hiện nay.

Đối với các sở giữ nguyên, TP.Hà Nội yêu cầu tiếp tục thực hiện rà soát, sắp xếp tổ chức bộ máy bên trong đảm bảo mục đích, yêu cầu, nguyên tắc sắp xếp theo quy định.

Hà Nội sẽ hợp nhất Sở KH-ĐT và Sở Tài chính, dự kiến mang tên mới là Sở Kinh tế – Tài chính (thực hiện chức năng quản lý nhà nước về các ngành, lĩnh vực đang giao cho Sở Tài chính và Sở KH-ĐT).

Hợp nhất Sở TN-MT với Sở NN-PTNT, dự kiến đổi tên là Sở Nông nghiệp và Môi trường. Hợp nhất Sở TT-TT với Sở KH-CN, dự kiến đổi tên thành Sở Khoa học, Công nghệ, Truyền thông. Hợp nhất Sở LĐ-TB-XH với Sở Nội vụ, dự kiến đổi tên thành Sở Nội vụ và Lao động.

Sở Y tế dự kiến tiếp nhận chức năng quản lý nhà nước về bảo trợ xã hội; trẻ em; phòng, chống tệ nạn xã hội từ Sở LĐ-TB-XH.

Sở GD-ĐT dự kiến tiếp nhận chức năng quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp từ Sở LĐ-TB-XH.

Sở Công thương tiếp nhận nguyên trạng Cục Quản lý thị trường địa phương từ Bộ Công thương và tổ chức lại thành Chi cục Quản lý thị trường thuộc Sở Công thương.

Hà Nội cũng đề xuất hợp nhất Ban Quản lý các khu công nghiệp và chế xuất và Ban Quản lý khu công nghệ cao Hòa Lạc. Tên gọi sau sắp xếp dự kiến là Ban Quản lý Khu công nghệ cao và Khu công nghiệp thành phố.

Hà Nội sẽ giải thể Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch thành phố, chuyển chức năng, nhiệm vụ về các cơ quan có liên quan. Không duy trì Ban Dân tộc, chuyển chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy và biên chế của ban này về Sở Nội vụ và kiện toàn tổ chức bộ máy bên trong cho phù hợp.

Theo báo cáo, khi thực hiện theo phương án này, thành phố sẽ có 18 sở và cơ quan tương đương sở; theo đúng chỉ đạo định hướng tại văn bản ngày 18.12 của Ban Chỉ đạo về tổng kết thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW của Chính phủ.

Tên gọi dự kiến 18 sở và cơ quan tương đương sau sắp xếp

16 sở của TP.Hà Nội gồm: Văn phòng UBND; Thanh tra; Sở Tư pháp; Sở VH-TT; Sở Kinh tế – Tài chính; Sở NN-MT; Sở Khoa học, Công nghệ, Môi trường; Sở Nội vụ và Lao động; Sở Y tế; Sở GD-ĐT; Sở Công thương; Sở GTVT; Sở Xây dựng; Sở QH-KT; Sở Du lịch; Sở Ngoại vụ (nếu Ban chỉ đạo T.Ư quyết định TP.Hà Nội chỉ có 15 sở thì Sở Ngoại vụ sẽ hợp nhất với Văn phòng UBND).

2 cơ quan tương đương sở gồm: Ban Quản lý Khu công nghệ cao và Khu công nghiệp thành phố; Trung tâm Phục vụ hành chính công thành phố.

Như vậy, so với thông báo kết luận của Thường trực Ban chỉ đạo thành phố về định hướng sắp xếp, tinh gọn bộ máy của hệ thống chính trị ban hành ngày 13.12, đề xuất mới này của Hà Nội đã có sự thay đổi khi muốn duy trì hoạt động riêng biệt đối với Sở GTVT và Sở Xây dựng.


Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *