Hà Nội gọi đầu tư dự án 12.700 tỉ xây nhà hát Ngọc trai và công viên

Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng Q.Tây Hồ (thuộc UBND Q.Tây Hồ, Hà Nội) vừa phát thông báo mời quan tâm Dự án xây dựng nhà hát Ngọc trai và công viên văn hóa nghệ thuật chuyên đề với tổng vốn đầu tư hơn 12.700 tỉ đồng.

Hà Nội gọi đầu tư dự án 12.700 tỉ xây nhà hát Ngọc trai và công viên- Ảnh 1.

Phối cảnh dự án nhà hát Ngọc trai sát hồ Tây

ẢNH: Ban quản lý dự án cung cấp

Mục tiêu dự án là xây dựng công trình nhà hát opera quy mô lớn và cụm công trình văn hóa đa năng phục vụ hoạt động văn hóa, nghệ thuật, vui chơi giải trí.

Dự án có tổng diện tích hơn 19 ha. Trong đó, nhà hát Ngọc trai và công viên văn hóa nghệ thuật chuyên đề rộng hơn 18 ha. Diện tích còn lại là bãi đỗ xe và đường giao thông.

Khu đất gồm các ô đất quy hoạch ký hiệu CXĐT.08, CXĐT.09, P2 thuộc đồ án quy hoạch chi tiết khu vực trục không gian trung tâm bán đảo Quảng An, tỷ lệ 1/500 được UBND TP.Hà Nội phê duyệt vào tháng 11.2024.

Về vị trí, ranh giới dự án, phía đông và đông nam giáp đường Đặng Thai Mai; phía tây và tây nam giáp hồ Tây; phía tây bắc giáp khu dân cư hiện có; phía bắc giáp đường quy hoạch nối đường Đặng Thai Mai với đường Quảng Bá.

Dự kiến tiến độ tổng thể dự án kéo dài từ quý 1/2025 – quý 3/2029. Trong đó, giai đoạn chuẩn bị từ quý 1 – quý 3 năm nay. Giai đoạn thực hiện từ quý 4 năm nay đến quý 1/2029. Giai đoạn kết thúc xây dựng từ quý 2/2029 – quý 3/2029.

Về phân kỳ đầu tư, giai đoạn 1 sẽ xây dựng cụm công trình nhà hát Ngọc trai. Các hạng mục bao gồm nhà hát Ngọc Trai và công trình phụ trợ, cây xanh cảnh quan, bãi đỗ xe, đường giao thông, cảnh quan nội bộ. Giai đoạn 2 sẽ xây dựng khu công viên văn hóa nghệ thuật chuyên đề.

Vào tháng 1 vừa qua, UBND TP.Hà Nội đã phê duyệt kế hoạch sử dụng đất năm 2025 của Q.Tây Hồ với danh mục gồm 89 dự án có tổng diện tích gần 349 ha. Trong đó, nhà hát Ngọc Trai và công viên văn hóa nghệ thuật chuyên đề nằm trong số các dự án đăng ký mới thực hiện năm nay.

Hồ Tây có khoảng 400 ha cảnh quan mặt nước, xung quanh tập trung nhiều di tích lịch sử văn hóa mang đặc trưng bản sắc Thăng Long – Hà Nội. Tuy nhiên, lâu nay vẫn chưa khai thác được hết tiềm năng vốn có của nó. Các hộ kinh doanh trên địa bàn chủ yếu mới chỉ khai thác dịch vụ lưu trú, du lịch, ăn uống quy mô nhỏ lẻ. Nghề trồng hoa cây cảnh truyền thống ở Nhật Tân, Quảng An, Tứ Liên có xu hướng mai một dần vì quỹ đất nông nghiệp ngày càng thu hẹp…

Do đó, Q.Tây Hồ xác định việc tập trung đầu tư cải tạo hệ thống hạ tầng kỹ thuật, xây dựng, phát triển bán đảo Quảng An thành trung tâm dịch vụ văn hóa, thương mại, du lịch chất lượng cao… là cần thiết, nhằm khai thác tối ưu và bền vững những giá trị độc đáo riêng biệt ở đây mà không phải nơi nào ở thủ đô Hà Nội cũng có được.


Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *