Tự hào Huế là thành phố thứ 6 trực thuộc Trung ương
Sáng nay 30.11, tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV đã biểu quyết thông qua nghị quyết thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương với tỷ lệ 95,62% phiếu tán thành.
Huế là thành phố thứ 6 trực thuộc Trung ương
Theo nghị quyết, Huế là thành phố trực thuộc Trung ương trên cơ sở toàn bộ diện tích tự nhiên 4.947,11 km² và quy mô dân số 1,2 triệu người của tỉnh Thừa Thiên – Huế. Nghị quyết có hiệu lực từ ngày 1.1.2025.
Sau thời khắc “lịch sử”, cả triệu trái tim ở Huế bày tỏ sự vui sướng, tự hào bằng nhiều cách, ấn tượng nhất là việc đồng loạt thay ảnh đại diện trang Facebook cá nhân bằng hình ảnh cầu Trường Tiền.
Không chỉ trên mạng xã hội, không khí hứng khởi này còn được lan truyền từ thành thị đến nông thôn, miền núi xa xôi của Thừa Thiên – Huế.
Chị Hồ Thị Hương (34 tuổi, người đồng bào Tà Ôi, ở xã Trung Sơn, H.A Lưới), kỳ vọng thành phố Huế trực thuộc Trung ương sẽ tạo sự chuyển dịch trong phát triển kinh tế, nhất là du lịch, dịch vụ địa phương. Qua đó, những người trẻ vùng cao như chị sẽ có thêm cơ hội để phát triển kinh tế trên chính quê hương mình.
“Những năm gần đây, khi tỉnh nhà đầu tư cơ sở hạ tầng, đường sá mở rộng… du lịch huyện miền núi A Lưới cũng phát triển theo mạnh mẽ. Bản thân tôi cũng là một người được hưởng lợi vì có kinh doanh khu homestay nhỏ nên rất phấn khởi. Hôm nay, Quốc hội thông qua nghị quyết, đó điều không chỉ riêng tôi mà mỗi người dân Huế đã chờ đợi rất lâu. Tôi hy vọng sau khi “lên” Trung ương thì cơ sở hạ tầng sẽ tiếp tục đầu tư, kinh tế phát triển, đời sống nâng cao, thanh niên vùng quê, miền núi như chúng tôi có thể tự tin ở lại quê hương lập nghiệp”, chị Hương nói.
Nhiều du khách đến Huế dịp này cũng chung vui với người Huế. Anh Đức Thành (du khách đến từ TP.Hà Nội) bày tỏ, Huế xứng đáng là thành phố trực thuộc Trung ương thứ 6 của cả nước. Ngoài là thành phố có 8 di sản được UNESCO vinh danh, cố đô Huế trong còn là một trung tâm văn hóa của cả nước. Trong mắt anh Thành, Huế không chỉ nên thơ, cổ kính mà còn là đô thị xanh, có quy hoạch rất tốt.
“Thành phố rất xanh, sạch trong từng con ngõ nhỏ, quy hoạch du lịch khu trung tâm cực kỳ tốt. Điều mà tôi ấn tượng nhất là những con đường với rợp bóng cây xanh, hy vọng trong tương lai đô thị Huế sẽ tiếp tục vượt bậc nhưng vẫn giữ được những nét độc đáo vốn có”, anh Thành nói.
Mở ra trang mới trong lịch sử phát triển vùng đất cố đô Huế
Giới tri thức cũng có một góc nhìn khá đặc biệt trước thời khắc lịch sử này. Nhiều người cho rằng nghị quyết của Quốc hội là sự ghi nhận đúng đắn và lịch sử. Huế từng là kinh đô của đất nước suốt thời gian dài, là vùng đất tinh hoa hội tụ, nên không phải Huế “lên” thành phố Trung ương mà là “trở lại” vị thế của trung tâm lớn của cả nước. Nếu như Hà Nội là trung tâm chính trị, Sài Gòn là trung tâm kinh tế thì Huế là trung tâm văn hóa của Việt Nam.
Ông Phan Ngọc Thọ, nguyên Phó bí thư thường trực Tỉnh ủy, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế, cho biết công nhận Thừa Thiên – Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương là một quyết sách lớn của Đảng và Nhà nước, mở ra trang mới trong lịch sử phát triển vùng đất cố đô.
Theo ông Thọ, với vị thế mới, thành phố Huế sẽ được định hướng phát triển với vai trò là cực tăng trưởng của miền Trung và Việt Nam. Đây cũng là cơ hội để những giá trị văn hóa đặc sắc của quốc gia mà Huế đang giữ gìn có điều kiện giữ gìn, phát huy, làm nền tảng cho phát triển bền vững.
Ngoài ra, đây là cơ hội thúc đẩy thu hút đầu tư phát triển nhằm khai thác tiềm năng nổi trội mà Huế đang có, cơ hội để Huế và Đà Nẵng (2 thành phố trực thuộc Trung ương) sánh đôi, bổ sung lợi thế cho nhau trở thành động lực cho phát triển vùng kinh tế trọng điểm quốc gia tại miền Trung.
Huế, Hà Nội và TP.HCM sẽ tiếp nối bài ca kết nghĩa truyền thống trong kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.